Vàng vẫn “quý như vàng”
"Dù cơ quan quản lý đang có những bước đi cẩn trọng để chống vàng hóa, nhưng nếu vẫn kéo dài xu thế giá vàng nội địa vênh cao với giá vàng thế giới thì người dân vẫn phải mua vàng giá cao, bị thiệt.” – ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết.
Sóng âm ỉ
"Mức giá vàng trong nước ngoài việc phụ thuộc giá vàng thế giới còn ảnh hưởng rất mạnh từ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)” – ông Đinh Nho Bảng nói. Và thử nhìn lại thị trường vàng sau hơn 1 tháng thực hiện siết kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 cùng với thông điệp đang được dư luận quan tâm: NHNN sẽ can thiệp sâu vào giá vàng, giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước do Thống đốc NHNN quyết định.
Về giá đã có những chuyển biến, được hạ nhiệt và neo ở mốc 45,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Mua vào 45,3 triệu đồng/lượng; bán ra 45,6 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng hạ nhiệt từ 47 triệu xuống còn khoảng 45 triệu là do tổng cầu bị tác động.
Tuy nhiên, hở cái này thì lọt cái kia. Khi nhu cầu vàng miếng bớt nóng thì thị trường vội rộ lên xu hướng mua bán vàng nhẫn. Thời gian gần đây các đại lý tỉnh lẻ đã dò hỏi về vàng nhẫn khá nhiều, một số đã mua về với số lượng lớn để bán cho người dân. Đối với các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức tại Hà Nội, hiện không ít đơn vị chuyển sang mua vàng nhẫn đóng vỉ. Rõ ràng, thói quen của người dân Việt Nam vẫn là tích lũy vàng và khó thay đổi.
Chưa hết, tình trạng bán chui vàng miếng ở những điểm không được cấp phép vẫn công khai diễn ra. Tuy nhiên, theo thừa nhận của Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN Nguyễn Quang Huy, cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện trường hợp vi phạm cụ thể nào.
Điều này cho thấy, người dân, nhà đầu tư, quỹ đầu tư vẫn xem vàng là kênh trú ẩn an toàn khi kinh tế đang tiếp tục khó khăn. Dù vàng không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng vàng lại "hút” một lượng tiền lớn của nền kinh tế. Điều này làm đau đầu cơ quan quản lý.
Sẽ có giá vàng hợp lý?
Ông Nguyễn Quang Huy khẳng định: NHNN sẽ tiếp tục triển khai lộ trình xóa bỏ tình trạng "vàng hóa”và quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Khi thị trường vàng miếng hoạt động ổn định, Nhà nước sẽ đẩy mạnh huy động nguồn lực vàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước. NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, góp phần tăng dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng.
Các biện pháp của nhà nước sẽ khiến người dân thấy nắm giữ bằng tiền đồng thì có lợi ích kinh tế lớn hơn là bằng vàng, từ đó, người dân sẽ bán vàng cho tổ chức được phép. Quan hệ lúc đó là cung cầu theo kinh tế thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, trong ngắn hạn, NHNN sẽ ưu tiên can thiệp để kéo giá trong nước về sát thế giới với chi phí hợp lý. Về cơ bản có hai cách thức NHNN có thể thực hiện: mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu. Nhưng trước mắt sẽ ưu tiên phương án đấu thầu, bởi đây là cách đảm bảo công khai và minh bạch nhất. Khi đủ điều kiện cần thiết, NHNN sẽ tổ chức thị trường liên ngân hàng để các bên tham gia mua bán trực tiếp. Tất cả các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ được tham gia mua bán.
Đại diện NHNN cũng cho biết, dự kiến sau ngày 30-6 khi các ngân hàng tất toán xong, NHNN có thể bắt đầu mua vào, tuy nhiên còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, nguồn cung, cũng như khả năng người dân đã sẵn sàng bán ra hay chưa.
Và mới đây để tác động tổng cung nguồn vàng, việc tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối đã được NHNN chính thức thông qua. Tháng 2 này sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể. NHNN hi vọng cách thức này giúp đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng vàng của các thương hiệu khác khi thực hiện chuyển đổi sang thương hiệu SJC, đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung vàng cho thị trường, góp phần kéo giảm chênh lệch giá vàng, giảm thiệt hại cho các tổ chức tín dụng và người dân.
Chỉ thị 01/ CT-NHNN cũng ghi rõ cần sớm bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại về thị trường vàng, khả năng bình ổn giá vàng với mức giá "hợp lý” nếu chỉ bằng biện pháp hành chính. Lúc ấy, sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm méo mó giá vàng. Thị trường phát triển khi có nhiều đối tượng cùng tham gia kinh doanh buôn bán chứ không đơn thuần là các tổ chức tín dụng, hay những doanh nghiệp "cưng” của NHNN.
Chuyên gia kinh tế, PGS - TS. Ngô Trí Long cho rằng chính sách quản lý vàng cần bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp… theo quy định của pháp luật đồng thời hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Đồng thời phải có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng rất lớn trong dân, 400-500 tấn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|