Thứ Tư, 20/02/2013 14:31

Ổn định tài chính và một số gợi ý đối với Việt Nam

Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất khuôn khổ phối hợp hiệu quả để xử lý các vấn đề liên quan đến ổn định tài chính gồm chia sẻ thông tin, kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính khi xảy ra. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất cần thiết phải có một cơ quan chủ trì, phối hợp.

Kinh tế Việt Nam sau hơn hai thập kỷ đổi mới đã có khởi sắc rõ nét, nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội được nâng cao cùng với tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm, thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện. Dấu mốc đáng chú ý trong sự phát triển nhanh chóng đó là Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia trong nhóm các nước thu nhập trung bình năm 2010. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 và tiếp theo đó là giai đoạn đại suy thoái trên bình diện rộng cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước kéo dài đã nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách rằng Việt Nam có thể gặp phải những thách thức to lớn để tiếp tục đạt được những thành tựu vượt bậc như hai thập kỷ trước đây, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang có những biến động mạnh mẽ.

Theo PGS. TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2010 có nhiều dấu hiệu lo ngại, có thể tóm tắt ngắn gọn là "tăng trưởng thấp, lạm phát cao, nhiều bất ổn".

Điều này một mặt là do mức độ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, tự do hóa tài chính của Việt Nam ngày càng mở rộng, đặc biệt sau khi Việt Nam ra nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tháng 1/2007. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam đang chứa đựng hai đặc điểm có thể gây ra rủi ro hệ thống là (i) sự mất cân đối vĩ mô ngày càng lớn và (ii) hệ thống ngân hàng tài chính tích lũy ngày càng nhiều rủi ro.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, sự mất cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam là do nguyên nhân tăng trưởng lệ thuộc nhiều vào mở rộng đầu tư, bất ổn của kinh tế thế giới trong khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, thâm hụt ngân sách liên tục đi liền với thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai ngay cả khi được hỗ trợ bởi dòng kiều hối lớn. Trong bối cảnh đó, hệ thống tài chính Việt Nam trở thành nơi hấp thụ toàn bộ các rủi ro của kinh tế vĩ mô và trở nên dễ tổn thương, đặc biệt sau một giai đoạn phát triển nhanh trong thời gian ngắn rồi bị tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính. Hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay gồm ngân hàng, thị trường vốn và bảo hiểm, tuy nhiên hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối xét trên cả các khía cạnh lịch sử phát triển, quy mô, cơ cấu và sản phẩm.

Dưới sức ép của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư đi cùng quá trình tự do hóa và hội nhập tài chính quốc tế diễn ra rất nhanh từ năm 2007, hệ thống ngân hàng thương mại tăng trưởng nhanh, gây sức ép mở rộng các khoản vay và nhu cầu vốn. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, và tín dụng cho khu vực này có dấu hiệu vượt quá mức cần thiết so với hiệu quả hoạt động. Điều này tạo sức ép tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Thị trường tài sản, chủ yếu gồm thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, vàng và ngoại hối (do dân cư và doanh nghiệp nắm giữ với mục tiêu tích trữ tài sản) do được tiếp cận nguồn vốn lớn nên tăng trưởng nóng, có khuynh hướng xuất hiện các bong bóng tài sản, tạo ra sức ép tăng rủi ro hơn nữa lên hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo những giải pháp đúng đắn để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó có vấn đề ổn định tài chính. Về dài hạn, để ổn định hệ thống tài chính cần phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là điều chỉnh cấu trúc đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và khắc phục điểm yếu của hệ thống ngân hàng, xương sống của hệ thống tài chính. Các Quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc nền kinh tế, Đề án tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thể hiện rõ quyết tâm giải quyết những vấn đề cốt lõi này. Có thể khẳng định, đây là những cơ sở hết sức quan trọng cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ổn định tài chính trong giai đoạn tới đây.

Xuất phát từ sự cần thiết tăng cường thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, hệ thống tài chính nói riêng và một số vấn đề rút ra từ mô hình thực hiện chức năng ổn định tài chính của ngân hàng trung ương một số nước, có thể đưa ra một số gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách như sau:

Đối với Việt Nam, vấn đề ổn định tài chính hiện nay còn khá mới mẻ song, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò vừa là ngân hàng trung ương vừa là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng cần thiết nắm bắt kinh nghiệm quốc tế về tầm quan trọng ngày càng tăng của việc thực hiện chức năng ổn định tài chính trong phạm vi trách nhiệm của mình và có những điều chỉnh kịp thời. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất khuôn khổ phối hợp hiệu quả để xử lý các vấn đề liên quan đến ổn định tài chính gồm chia sẻ thông tin, kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính khi xảy ra. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất cần thiết phải có một cơ quan chủ trì, phối hợp.

Trách nhiệm của NHNN trong việc ổn định tài chính hiện nay là rất lớn do NHNN đang thực hiện giám sát hệ thống thanh toán, hệ thống ngân hàng, quản lý nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi (đây là trụ cột để đảm bảo ổn định tài chính). Để thực hiện tốt các công việc liên quan đến ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, thanh toán, việc cần thiết là phải xem xét, rà soát cơ sở pháp lý hiện hành quy định chức năng, nhiệm vụ của NHNN để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Đồng thời, để triển khai có hiệu quả chức năng ổn định tài chính trong phạm vi trách nhiệm của NHNN, việc lựa chọn cơ cấu tổ chức thực hiện chức năng này của NHNN cần cân nhắc tổng thể thực trạng cơ sở pháp lý và yêu cầu đặt ra đối với bộ phận/đơn vị có trách nhiệm chính thực hiện ổn định tài chính, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế liên quan. Theo đó, cần đảm bảo tính gắn kết hữu cơ giữa các chức năng cơ bản của ổn định tài chính gồm: (i) tổng hợp thông tin, phân tích và cảnh báo rủi ro vĩ mô, (ii) áp dụng các biện pháp ngăn ngừa rủi ro vĩ mô theo thẩm quyền pháp lý; và (iii) xây dựng và triển khai đồng bộ cơ chế dự phòng và xử lý khủng hoảng, dựa trên chức năng cốt lõi "tổ chức cho vay cuối cùng".

Ths. Phan Minh Anh và Ths. Nguyễn Vũ Phương - Ngân hàng nhà nước

Tài Chính

Các tin tức khác

>   Nhìn lại mình: Giảm để tăng, chậm mà nhanh (20/02/2013)

>   Cải thiện môi trường đầu tư để tránh tụt hậu (20/02/2013)

>   “Chưa rõ đâu là điểm sáng của nền kinh tế năm 2013” (20/02/2013)

>   “Chính sách tài khóa và tiền tệ cần hiệu quả hơn” (20/02/2013)

>   Bộ Tài chính: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm (19/02/2013)

>   “Thời điểm tốt để Cải tổ nền kinh tế” (18/02/2013)

>   Đầu năm, BR-VT thu hút 2.910 tỉ đồng vốn đầu tư (18/02/2013)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế và câu chuyện niềm tin (18/02/2013)

>   CPI tháng 2/2013 sẽ tăng không quá cao (18/02/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/02: Đầu Xuân, nhìn lại các chính sách vừa ban hành (17/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật