Nhà tài chính + danh cầm ghi ta = thầy địa lý
Đây là một công thức thoạt trông có vẻ kỳ cục. Tuy nhiên, phương trình này lại nghiệm đúng với cuộc đời và nghề nghiệp của ông Võ Tá Hân, một Việt kiều đã từng là chuyên gia ngân hàng và là nhà tư vấn doanh nghiệp hàng chục năm ở Singapore.
Trong phỏng vấn dưới đây, ông Hân kể lại một số câu chuyện nghề nghiệp vì nhiều nguyên nhân chưa hề được tiết lộ trước đây, trong đó có việc nhờ phong thủy và cảm xạ học ông đã giúp doanh nghiệp như thế nào, và trả lời câu hỏi liệu cảm xạ học có xác định được khi nào thì cơn khủng hoảng hiện tại sẽ chấm dứt.
Ông Võ Tá Hân đã về hưu, hiện sống ở Mỹ và đang là Tổng giám đốc một trung tâm y tế phi lợi nhuận chuyên giúp cộng đồng người Việt ở vùng Nam Cali.
|
TBKTSG: Sau ba mươi năm làm việc với giới doanh nhân ở đảo quốc sư tử, nét văn hóa nào của họ làm ông nhớ nhiều nhất?
- Ông Võ Tá Hân: Đầu năm nhắc đến văn hóa thì tôi sẽ kể chuyện ăn Tết của các đại gia Singapore. Họ có một tập tục là cùng họp mặt tại Phòng Thương mại (Singapore Chinese Chamber of Commerce & Industry) vào sáng mồng Một để chúc Tết. Tôi nói đùa đấy là cuộc họp “thượng đỉnh” vì rất hiếm khi thấy các vị “bang chủ” này xuất hiện cùng một chỗ như vậy! Nghe Thủ tướng hay Tổng thống chúc Tết xong thì các đại gia về nhà mở cửa đón khách đến chúc Tết.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ngày xưa của ông bang chủ ngồi trong một chiếc ghế gỗ cẩn xà cừ đặt giữa nhà để mọi người tuần tự đến trước mặt vái chào và chúc Tết! Về sau khi quyền bính đã được trao lại cho thế hệ trẻ thì các buổi chúc Tết “cổ kính” này trở nên “tân thời” hơn với những buổi tiếp tân bên cạnh bể bơi tại tư gia.
Người Singapore luôn tin vào việc chọn ngày giờ tốt và phong thủy trong việc làm ăn! Nên trong vòng 15 ngày đầu năm, dù thế nào công ty cũng đưa một đoàn múa lân đến sở với chiêng trống ồn ào đi vòng quanh các văn phòng để mừng năm mới.
Ông vừa nhắc đến phong thủy trong giới doanh nghiệp ở Singapore, ông có nghĩ càng làm ăn lớn người ta lại càng tin vào phong thủy không?
- Hầu hết dân Sing là người Hoa nên họ rất tin phong thủy. Các đại gia, nhất là trong các công ty gia đình, thì dường như lại càng tin phong thủy hơn ai cả! Trong các công ty này, bao giờ cũng có vài người tín cẩn được giao nhiệm vụ làm việc với thầy phong thủy một cách kín đáo.
Nhiều người phương Tây làm việc lâu năm tại Singapore cũng mời thầy phong thủy để chọn văn phòng, chọn ngày dời công ty. Chẳng biết họ có thực sự tin hay không nhưng làm như vậy cũng là cách để cho các nhân viên người sở tại an tâm làm việc!
Khi còn làm việc ở Singapore, nhiều lần ông từ chối chia sẻ chuyện trong nghề cho nhà báo với lý do giữ bí mật cho khách hàng. Nay đã “rửa tay gác kiếm”, trở về Mỹ, hy vọng ông có thể nói nhiều hơn. Nghe nói ông đã từng ứng dụng phong thủy vào công việc tư vấn?
Làm việc ở Singapore lâu như vậy nên tôi cũng phải... “nhập gia tùy tục”!
Lần đầu tiên tôi dùng phong thủy là khi giúp tòa nhà Paradiz Center ở đường Selegie thu hút khách đến thuê mặt bằng. Tòa nhà này khánh thành năm 1985, ngay tâm điểm cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất tại Singapore. Thử tưởng tượng, với một tổng diện tích mặt bằng khoảng 20.000 mét vuông mà chỉ vỏn vẹn có hai cửa hàng nhỏ đến thuê. Trong nhiều giải pháp đưa ra, tôi có đề nghị đến gặp một chuyên gia là tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng về phong thủy để mời viết một bài phân tích về phong thủy cho tòa nhà này, đồng thời cũng nhắc khéo là viết sao cho thật hay vì chúng tôi sẽ dùng bài này làm tài liệu tiếp thị với khách đến thuê mặt bằng!
Ông Võ Tá Hân du học tại Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp thủ khoa cử nhân ngành quản trị kinh doanh năm 1972, và thạc sĩ một năm sau đó tại Viện Đại học Massachusetts Institute of Technology. Là chuyên viên ngân hàng quốc tế đã làm việc tại Montreal,Toronto, Manila, ông đến Singapore năm 1981 và lưu lại đó suốt 30 năm. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ cao cấp nhất trong các ngành tài chính, kỹ nghệ, bất động sản, khách sạn của tập đoàn Hong Leong Singapore, là thành viên HĐQT của Đại học Quản lý Uni- SIM, Học viện Quản lý Singapore, nhà văn hóa Singapore, cố vấn cao cấp của ngân hàng Thụy Sỹ UBS... Ông Võ Tá Hân đã về hưu, hiện sống ở Mỹ và đang là Tổng giám đốc một trung tâm y tế phi lợi nhuận chuyên giúp cộng đồng người Việt ở vùng Nam Cali. |
Bên cạnh đó, tôi đề xuất phá bỏ toàn bộ các hộ bán lẻ ở tầng hầm để chuyển thành khu ăn uống, chuyển các tầng làm văn phòng thành những trung tâm giáo dục đào tạo để tòa nhà này có một thế đứng riêng biệt, đục một khung cửa lớn thông qua bức tường ngăn để nối liền hai trung tâm thương mại kế bên nhằm tạo thành một cụm trung tâm thương mại thật lớn...
Chưa đầy một năm tòa nhà đã được cho thuê hết. Thật ra, nếu chỉ làm theo lời thầy phong thủy rồi ngồi chờ sung rụng mà không cố gắng làm gì khác thì sẽ chẳng đạt được kết quả như vậy.
Nhiều doanh nhân ở Sài Gòn đưa phong thủy vào công ty, vào phòng làm việc và cả ở nhà riêng. Họ từng thành công, nay thì không trụ nổi trước bão suy thoái. Đã có sự trải nghiệm, ông lý giải như thế nào về ảnh hưởng của phong thủy trong kinh doanh, nó đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sự thành bại của một doanh nghiệp?
- Ở Singapore, tôi đã sống qua ba chu kỳ kinh tế mà cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất là vào giữa thập niên 1980. Lần ấy thì dường như tất cả đại gia Singapore đều bị các chủ nợ bắt sắp hàng để... đưa ra “pháp trường”! Theo tôi phong thủy cũng giúp phần nào về mặt tâm lý, nhưng nếu phong thủy thực sự có thể đưa lại kết quả tuyệt đối trong việc làm ăn thì đây quả là cách đầu tư rẻ tiền nhất!
Khi doanh nghiệp gặp hoạn nạn, tất cả là do quản lý kém. Điều hành doanh nghiệp cũng không khác gì lái một chiếc xe chạy đường trường, sắp đến đoạn đường ngoằn ngoèo hoặc thấy mây đen vần vũ từ xa thì phải lập tức giảm tốc, dừng chân ga mà chuẩn bị đạp thắng. Đôi lúc lại phải đổi số de để rút lui hoặc tìm con đường khác... Thế nhưng nhiều vị giám đốc cứ như lái một chiếc xe không thắng, không số de, và cũng chẳng để ý đến chung quanh.
Nghe nói thân sinh của ông là người giỏi về cảm xạ học (rađiesthesie), cụ từng dạy ông dùng quả lắc để xem bói kinh dịch, cảm xạ và phong thủy. Ông có thể chia sẻ với độc giả về bí mật này của ông không?
- Vâng, ông cụ tôi ngoài công việc chính là một sĩ quan quân đội chính quyền Sài Gòn cũ, cụ đã dành thì giờ nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Nhiều người xem ông cụ, có biệt hiệu là Kim Hoàng Sơn, là ông tổ của môn cảm xạ học tại [miền Nam] Việt Nam. Tôi may mắn được cụ dạy dùng quả lắc từ ngày còn nhỏ và sau đó được cụ dạy thiền. Có lẽ nhờ thế mà tôi có một độ nhạy cảm rất cao khi dùng quả lắc để xem quẻ dịch hay dùng viễn cảm xạ trên họa đồ vào phong thủy. Tuy nhiên, đây chỉ là một khả năng đặc biệt không nên lạm dụng mà chỉ dùng đến khi nào tất cả các cách suy diễn, phân tích thông thường đều không giúp mình tìm được một lối ra!
Nhưng ai từng biết ông là một chuyên gia tài chính, là một danh cảm ghi ta xuất thân từ Nhạc viện Sài Gòn, là tác giả của hơn 600 tình khúc, thiền ca, phổ nhạc các bài kinh kệ... với hơn 50 album đã được phát hành, lần này sẽ biết thêm một góc cạnh khác của ông - “thầy” địa lý?
- Gọi tôi là “thầy” phong thủy thì hoàn toàn không đúng vì thực sự tôi chỉ nghiên cứu chút ít về cảm xạ học mà thôi và rất hiếm khi mang ra sử dụng ngoại trừ những trường hợp... khẩn cấp! Ngày còn trẻ, khi còn làm việc ở Canada tôi vẫn nghĩ quản trị là một bộ môn khoa học mà mình có thể dùng những phương pháp phân tích tân kỳ để giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, khi về châu Á làm việc từ năm 1979, có dịp tiếp xúc với nhiều đại gia ở các nước trong vùng, nhất là có cơ hội làm việc trực tiếp và học hỏi từ ông Kwek Hong Png - vị cố bang chủ sáng lập tập đoàn Hong Leong, người đã được tuần báo Forbes xếp hạng giàu nhất Singapore - tôi mới thấy rằng quản trị cũng là một nghệ thuật! Một nhà quản trị giỏi là người phải biết kết hợp cả hai khía cạnh khoa học và nghệ thuật một cách hài hòa. Phong thủy chỉ đóng một vai trò nhỏ trong khía cạnh nghệ thuật của vấn đề quản trị mà thôi.
Ông có nói là không lạm dụng khả năng cảm xạ của mình nhưng chắc là ông đã dùng qua?
- Đó là năm 1986 khi tôi được mời cứu tập đoàn Goodearth Realty trên bờ phá sản. Lúc ấy cơ sở của hai vợ chồng chủ tập đoàn này đang cõng món nợ ở bảy ngân hàng trên 200 triệu đô Sing.
Kết quả việc giải cứu đó ra sao?
- Thì sau đó họ cũng... thoát chết, con cái của họ giờ đang kế nghiệp và Goodearth đang phát triển mạnh. Bản thân tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm trong việc cứu công ty để giúp cho nhiều “ca” khác ở Singapore sau đó.
Trong trường hợp này ông đã sử dụng khả năng cảm xạ của mình như thế nào?
Thời điểm đó khách sạn Cockpit tại đường Orchard của nhóm xem như đã mất vào tay Ngân hàng UOB, khách sạn thứ hai cũng chỉ còn hai tuần nữa là về tay Hong Leong Finance. Dùng phương pháp viễn cảm xạ, tung quả lắc trên tấm họa đồ của khách sạn Cockpit, tôi tìm thấy hai điểm phát ra “ác xạ” cực kỳ xấu. Lái xe đến nơi để kiểm chứng, tại điểm xấu thứ nhất ở bên ngoài khách sạn có một cây cổ thụ đã chết, cành lá trơ trụi trông như hình ảnh một bà phù thủy đưa những ngón tay khẳng khiu hướng về tòa nhà. Tôi đề nghị họ đốn bỏ cây ngay lập tức! Điểm thứ hai nằm trong tầng hầm khách sạn, đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lạnh người khi xuống đó, một cái bàn thờ đã hương tàn khói lạnh. Chủ nhân cho biết ngày xưa có một người tự tử chết tại đây. Tôi đã khuyên họ lập đàn cầu siêu... Chuyện còn nhiều chi tiết khó tin, nhưng thôi...
Sau đó thì tôi bắt tay vào một chương trình giải cứu, làm việc cật lực để lấy lại các tài sản cho tập đoàn này từ tay ngân hàng. Dùng phong thủy hay cảm xạ giúp tạo cho mình một niềm tin nhưng phải dựa vào sức mình là chính.
Hai mươi mấy năm trước ông đã giải cứu cho Paradiz Center và Goodearth Realty, giả thử bây giờ một doanh nghiệp Việt Nam ở tình cảnh tương tự tìm đến ông, ông có nhận lời không?
Tôi luôn nghĩ rằng với các tình cảnh khó khăn do chính con người gây ra thì đều có những phương cách cũng do chính con người tìm ra để giải quyết. Cứu một doanh nghiệp gặp khó khăn vì quản lý thì còn có hy vọng, nhưng nếu doanh nghiệp ấy yếu kém vì thất thoát tài sản do những quyết định “phi-quản lý” trước đó thì đành chịu. Việc giải cứu công ty còn đòi hỏi một yếu tố quan trọng là “địa lợi”. Muốn thành công thì người cố vấn phải thông hiểu tình hình địa phương, những người như tôi có thể đã thành công ở nước ngoài nhưng vì không rành “địa lợi” nên sẽ khó giúp các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn.
Là người đã hấp thụ những kiến thức và kinh nghiệm quản lý tân tiến, ông có lời khuyên nào cho các doanh nhân trong bối cảnh kinh tế hiện nay không?
- Theo chu kỳ tiến hóa thì cơn bão nào rồi cũng sẽ đi qua, cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ lặng dẫn. Không may bị kẹt vào cơn khủng hoảng này thì chỉ còn cách là phải cố gắng, nghĩ ra đủ phương cách để kéo dài thời gian, làm sao để chịu đựng giỏi hơn các đối thủ mình là đủ!
Ông có năng lực cảm xạ học, xin hỏi ông có biết cuộc khủng hoảng này còn kéo dài bao lâu không?
- Nếu có thể dùng cảm xạ học để đoán trước tình hình kinh tế thế giới, biết trước giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán... thì chắc là các thầy phong thủy đã giàu sụ và các trường đại học đã đưa môn cảm xạ học vào chương trình MBA từ lâu. Năm nào cũng có mấy nhà tiên tri đoán về tình hình thế giới nhưng có mấy ai trúng đâu!
Như một bệnh nhân kinh niên sống được là nhờ bác sĩ bơm thuốc trụ sinh với liều lượng ngày càng lớn, tôi nghĩ cuộc khủng hoảng kinh tế này sẽ còn kéo dài lâu hơn so với những lần trước. Lối ra có thể là những con đường “phi kinh tế” chăng, thật cũng khó biết được.
Giai đoạn này là lúc các doanh nghiệp cần đến bàn tay và khối óc của những nhà quản lý tài giỏi. Tôi tin rằng doanh nhân Việt Nam có đủ khả năng vượt qua cơn bão kinh tế này và ngày càng lớn mạnh hơn để đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước.
Thục Đoan
TBKTSG
|