Người giữ vàng nhẫn, bông tai… có bị thiệt thòi?
Những ngày gần đây một số thông tin cho rằng người dân đang “hoang mang” khi giữ vàng nhẫn, do có thể bị ép giá khi không phải là loại vàng Ngân hàng Nhà nước dự kiến giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước không thể nhập vàng miếng về để sản xuất thành vàng nhẫn, dây chuyền, bông tai (hoặc nhập khẩu loại này)… để bán lại cho các đầu mối bình ổn giá
|
Cụ thể, theo dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ chỉ dùng vàng miếng SJC loại 1 lượng trong giao dịch khi tham gia bình ổn thị trường.
Tình huống đặt ra là, khi tham gia điều tiết thị trường, nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vàng loại 1 lượng của các ngân hàng, các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện thì đương nhiên, những đơn vị này cũng chỉ muốn loại vàng này để tiện bán lại. Vì nếu mua vàng miếng loại nhỏ, vàng nhẫn, bông tai…, họ buộc phải dập lại thành vàng miếng SJC loại 1 lượng mới có thể bán lại cho Ngân hàng Nhà nước.
Trước tình huống đó, lo ngại đặt ra là các loại vàng trên sẽ bị ép giá, lợi ích bị ảnh hưởng khiến người dân hoang mang.
Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị ngành đầu năm 2013, cũng như những lần trao đổi gần đây, lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cũng đã lưu ý đến điểm này với hai hướng lý giải.
Thứ nhất, việc tham gia giao dịch sắp tới của Ngân hàng Nhà nước không phải là kinh doanh, mà là điều tiết thị trường; chỉ tập trung vào những thời điểm giá trong nước chênh lệch bất hợp lý so với giá thế giới, tạo cung hoặc cầu để thu hẹp chênh lệch về mức hợp lý, hạn chế những xáo trộn lớn trên thị trường. Mục đích ở đây là gián tiếp tác động thu hẹp được chênh lệch, bình ổn giá, thay vì chỉ nhắm đến những mức giá có lợi nhất như hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Theo đó, sẽ là bình thường nếu giả sử giá vàng trong nước hiện tại là 45 triệu đồng/lượng, giá thế giới quy đổi là 40 triệu đồng/lượng, nhà điều hành chọn bán ra từng bước giá lùi dần khoảng 44 triệu, 43 triệu, 42 triệu đồng/lượng…
“Chúng tôi dự tính sau khi bình ổn giá sẽ vẫn có một chênh lệch nhất định, bao gồm các loại phí cũng như để kích thích người dân bán ra vẫn có lợi”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dự tính.
Loại vàng được sử dụng để bình ổn là vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước không thể nhập vàng miếng về để sản xuất thành vàng nhẫn, dây chuyền, bông tai (hoặc nhập khẩu loại này)… để bán lại cho các đầu mối bình ổn giá. Ngược lại, cơ quan này cũng không thể chọn mua những loại vàng đó trong dân cư. Bởi giao dịch chỉ thực hiện với ngân hàng và doanh nghiệp đầu mối, cụ thể là qua đấu thầu, nên cần có chuẩn trong đấu thầu, nhất là khi nguồn vàng vật chất này gắn với dự trữ ngoại hối.
Hơn nữa, giao dịch trên được điều chỉnh bởi thông tư đang dự thảo nói trên, phạm vi quy định là vàng miếng, nên mặc nhiên nó loại trừ các loại vàng nhẫn, dây chuyền, bông tai…, vốn thuộc nhóm vàng nữ trang.
Trao đổi thêm với VnEconomy về vấn đề này, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm rằng, trước hết, việc tham gia bình ổn giá vàng là phải thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; bình ổn giá vàng miếng là bình ổn được chung cho cả thị trường.
“Giao dịch trên buộc phải sử dụng bằng vàng miếng. Loại vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra giao dịch và nhận giao dịch là tài sản quốc gia, là cấu phần của dự trữ ngoại hối. Pháp luật hiện hành quy định rõ vàng trong dự trữ ngoại hối phải là vàng miếng chứ không phải các loại vàng khác”, vị lãnh đạo này nói.
Thứ hai, các loại vàng nhẫn, dây chuyền, bông tai... liệu có bị ép giá? Theo lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, tình huống trên được xác định trong trường hợp cơ quan này xem xét mua vào khi giá trong nước bị giảm xuống thấp, tạo chênh lệch “âm” lớn so với giá thế giới.
Về lý thuyết thì trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng từ các tổ chức kinh doanh trong nước để tạo cầu, kích giá lên. Loại vàng chọn mua là vàng miếng 1 lượng như quy định trong dự thảo thông tư nói trên, khi đó, các loại vàng nhẫn, dây chuyền, bông tai… không được chọn mua nên có thể bị ép giá, người dân bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên cho rằng với thực tế và xu hướng thị trường nhiều năm qua, hướng giao dịch chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước khi tham gia chủ yếu là chỉ bán ra bình ổn, còn hoạt động mua vào là hạn chế.
Điểm lại trong gần chục năm trở lại đây, thị trường mới chỉ chứng kiến một vài thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới, do người dân đẩy mạnh bán ra tạo cung lớn.
Giả sử, trong thời gian tới, diễn biến đó lặp lại, nếu giá vàng trong nước thấp hơn quá lớn so với giá thế giới, xét thấy có lợi cho dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vào.
“Như thế cũng để tránh hiện tượng ứ cung, giá xuống giá sâu so với giá thế giới. Mua vào để hỗ trợ giá một cách hợp lý cũng chính là lợi ích cho những người giữ vàng nữ trang… chứ không chỉ là với vàng miếng”, vị lãnh đạo trên nhìn nhận.
Ông cũng đưa ra so sánh rằng: hiện nay Ngân hàng Nhà nước mua vào USD để giữ ổn định tỷ giá USD/VND, vậy tại sao những người giữ các ngoại tệ khác lại không thiệt thòi, không bị ép giá, khi đó cũng là ngoại tệ cả?
Ngoài vấn đề trên, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến về các nội dung khác về dự thảo thông tư nói trên, tiếp tục hoàn thiện để sớm ban hành, hoàn thiện khung pháp lý để nhanh chóng vào cuộc bình ổn giá vàng theo kế hoạch đã trù tính.
Tiến độ mới nhất của kế hoạch là ngày mai (26/2), Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công vàng miếng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), để sẵn sàng tung hàng bình ổn giá khi các điều kiện pháp lý hoàn tất.
Minh Đức
tbktvn
|