Mỹ lo ngại về chương trình cắt giảm ngân sách
Giới chức Mỹ hiện đang ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh chương trình cắt giảm ngân sách toàn diện 85 tỷ USD, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/3 tới, đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Quốc Hội Mỹ
|
Người đứng đầu Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ, ông Douglas Elmendorf, cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm khoảng 1,5% trong năm nay, và sẽ tiếp tục tăng ì ạch cho tới ít nhất năm 2017, nếu chương trình cắt giảm chi tiêu xảy ra và các nghị sỹ hai viện Quốc hội Mỹ vẫn không đạt được một thỏa thuận tài chính mới.
Tương tự, nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5% hoặc hơn, do các cơ quan chính phủ và các công ty thuộc khu vực tư nhân sẽ tăng cường thắt chặt chi tiêu cũng như giảm ngày làm việc để tiết kiệm ngân sách.
Trong báo cáo công bố ngày 23/2, Cơ quan Cố vấn Kinh tế Vi mô nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 2%, xấp xỉ bằng năm 2012, so với mức dự báo 2,6% trước đó, trong khi khoảng 700.000 việc làm sẽ bị ảnh hưởng từ nay đến cuối năm 2014.
Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp, vốn đang ở mức cao của Mỹ, sẽ không được cải thiện trong "nhiều năm nữa."
Theo giới phân tích, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt cắt giảm ngân sách tự động này là các cơ quan và các tổ chức ở thủ đô hành chính Washington, đặc biệt là Lầu Năm Góc. Các chuyên gia cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch cho hơn 800.000 nhân viên dân sự nghỉ phép không lương một ngày/ tuần, từ tháng 4-9 tới, trong khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ buộc phải sa thải 1.000 nhân viên, và thậm chí cả Quốc hội cũng đang phải cân nhắc giảm nhân công.
Khoảng 331.000 việc làm tại Washington, bang Maryland và Virginia sẽ bị cắt giảm, trong đó cắt giảm mạnh mẽ nhất là Viện nghiên cứu Sức khỏe quốc gia tại bang Merilen, một trong những trung tâm nghiên cứu y tế lớn nhất thế giới.
Các chương trình phúc lợi xã hội và giải trí cũng bị ảnh hưởng nếu kế hoạch cắt giảm chi tiêu xảy ra. Cơ quan Công viên quốc gia Mỹ cho biết sẽ buộc phải tạm ngừng phục vụ một số dịch vụ và đóng cửa nhiều hạng mục vào Mùa Hè tới, mặc dù các công viên giải trí được coi là "thỏi nam châm" hút khách du lịch và mang về hàng triệu USD doanh thu cho nền kinh tế địa phương.
Trước đó, ngày 22/2, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray LaHood cảnh báo kế hoạch này sẽ buộc Bộ Giao thông Mỹ phải cắt giảm gần 1 tỷ USD trong năm 2013, trong đó ngân sách của Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang (FAA) sẽ bị cắt giảm 600 triệu USD từ tháng 3 đến tháng 9, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục chương trình.
Điều này đồng nghĩa phần lớn trong số 47.000 nhân viên của FAA sẽ phải nghỉ phép không lương trong vòng 2 hoặc 4 ngày mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 4 tới, và các dịch vụ kiểm soát không lưu tại sân bay cũng sẽ bị cắt giảm, dẫn đến lịch trình bay bị thay đổi, hàng loạt chuyến bay bị đình trệ và vấn đề an toàn tại các sân bay trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng.
Hiện Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn đang bế tắc trong các cuộc thương lượng về cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tổng thống Barack Obama kêu gọi các nghị sỹ Cộng hòa chấp thuận đề xuất của phe Dân chủ tại Thượng viện là tăng thu bằng cách chấm dứt một số điều khoản miễn thuế cho những cá nhân và tập đoàn giàu có kết hợp với việc cắt giảm chi tiêu, song với một mức thấp hơn.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa phản đối chủ trương tăng nguồn thu từ thuế thu nhập, cho rằng cắt giảm chi tiêu của chính phủ và cắt bỏ một số chương trình phúc lợi mới là giải pháp lâu dài.
Vietnam+
|