Dòng chảy ngầm của vàng
Có ai biết bản đồ lưu trữ và luân chuyển vàng trên thế giới? Không ai cả, và có lẽ còn lâu nữa cũng chẳng có.
Những dòng chảy ngầm…
Không nhiều người biết việc Đức vẫn gửi hàng nghìn tấn vàng ở nước ngoài kể từ Thế chiến II.
Mãi đến gần đây, đầu năm 2013, khi ngân hàng trung ương (NHTW) nước này công bố sẽ chuyển toàn bộ số vàng gửi ở Pháp và phần lớn số lưu ở Mỹ về nước, nhiều người mới vỡ lẽ và tự đặt câu hỏi, thực sự thì bản đồ lưu trữ và luân chuyển vàng trên thế giới như thế nào. Thực tế cho thấy, đến giờ và có lẽ còn khá lâu nữa, không ai có thể biết đích xác về nó, chỉ có thể phỏng đoán được phần nào.
Người Đức giải thích rằng, họ chuyển vàng về nước chỉ để chủ động hơn với thứ tài sản giàu thanh khoản này. Tuy nhiên, dư luận Đức cho rằng, chính sự nghi ngờ của nhà chức trách nước này về tình trạng số vàng của họ ở nước ngoài đã dẫn đến hành động trên của NHTW. Đó thực chất là một cuộc kiểm kê. Đây là một minh chứng cho thấy sự mù mờ của mọi người về bản đồ vàng trên thế giới.
Ngay tình trạng lưu trữ và nhu cầu về vàng của các NHTW trên thế giới, một kênh được cho là dễ tiếp cận nhất, với nhiều số liệu được công bố chính thức, cũng chỉ là một biểu đồ gồm nhiều khoảng trắng. Một kênh lưu chuyển vàng rõ nhất mà cũng chỉ biết được đến vậy thì với toàn bộ thế giới vàng, với lưu lượng gấp nhiều lần như thế, là nằm xa khả năng định hình của mọi người (tất nhiên là bao gồm cả các tổ chức, chuyên gia hàng đầu về vàng).
Hãy thử nhìn vào ước tính của các tổ chức uy tín trên thế giới về khối lượng vàng mà dân chúng Việt
Nam
nắm giữ. Các con số được đưa ra dao động rất lớn, từ 300 đến 1.000 tấn. Thực chả biết tin vào đâu (!).
Cố gắng phác họa bản đồ vàng tự do trên thế giới là việc làm phi thực tế. Bởi vậy, chỉ nên tham khảo tình trạng nắm giữ vàng của các NHTW, mà ít ra cũng có vài manh mối.
Một tổ chức chuyên nghiệp thường xuyên thu thập và đánh giá thị trường vàng thế giới là Hội đồng vàng thế giới (WGC). Tổ chức này tập hợp dữ liệu về tình hình nắm giữ vàng bằng cách xem xét các thống kê tài chính mà hầu hết NHTW tự nguyện cung cấp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đôi khi, một số ngân hàng trung ương công khai số vàng mình đang nắm giữ, như Hàn Quốc đã từng làm đầu tháng 12/2012 khi nước này cho biết đã mua 14 tấn vàng trong tháng trước đó.
Tuy nhiên, một vài quốc gia vẫn giữ bí mật hoạt động giao dịch vàng của họ. Đặc biệt, Trung Quốc đã không tiết lộ bất kỳ dữ liệu nào về số lượng nắm giữ chính thức của nước này kể từ lần báo cáo năm 2009 với 1.054,1 tấn khi đó.
“Nhiều người tin rằng, NHTW Trung Quốc vẫn đang âm thầm mua vàng”, Jeffrey Wright, Giám đốc quản lý, đồng thời là Nhà phân tích cấp cao của Global Hunter Securities (GHS) cho biết. Dựa trên những số liệu mà Trung Quốc từng công bố, WGC ước tính rằng, nước này chỉ giữ 1,7% dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng.
Các NHTW khác nhau có thể có những chiến lược tích trữ vàng khác nhau. Có những ngân hàng sẽ mua khi giá thấp. Một số khác có mục tiêu hằng năm hoặc mua khi dự trữ bằng tiền của nước đó tăng lên. Thị trường chỉ có thể nhận biết được các giao dịch sau khi nó đã diễn ra. Tuy nhiên, các nhà giao dịch có thể ước đoán khi nào hoạt động mua xảy ra.
“Nếu bạn thấy dường như có một mức giá chặn dưới được duy trì trong một khoảng thời gian nào đó thì thời gian đó chính là lúc có NHTW đang mua vàng”, Wright nói. “Nhưng ngân hàng nào mua thì lại luôn là một điều bí ẩn, bởi mọi thông tin liên quan đến giao dịch bao giờ cũng được các bên tham gia giữ kín”.
Tỷ lệ trữ vàng của Mỹ, Đức, Ý, Pháp là 70%, còn của các nước mới nổi chỉ 1,5%
|
… đang đổ về đâu?
Diễn biến chính của thị trường vàng trong những năm gần đây là sự chuyển thế của các NHTW từ vị trí là những người bán ròng sang những người mua ròng và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2013.
Điều đó không mặc nhiên có nghĩa là giá vàng sẽ tăng trong năm nay, mặc dù nó chắc chắn sẽ hỗ trợ cho vàng. Nhưng ít nhất, các NHTW sẽ cung cấp lực mua để có thể giúp hạn chế bất cứ đợt giảm giá nào.
Giá vàng đã có thời kỳ giảm mạnh trong những năm 1990, với một phần nguyên nhân là hoạt động bán ra của các NHTW, đặc biệt là các NHTW ở châu Âu. Hoạt động bán này tiếp tục diễn ra trong những năm đầu của thập kỷ sau đó nhưng đã dần yếu đi và được thay thế bởi hoạt động mua vào.
“Các NHTW đã đóng góp từ 10 - 15% nguồn cung cho các thị trường”, Nicholas Brooks, trưởng bộ phận nghiên cứu và đầu tư chiến lược của ETF Securities nói. “Trong quý thứ hai của năm 2009, các NHTW đã trở thành những người mua ròng tại các thị trường chủ chốt, với khoảng 15% lượng cầu vàng thế giới hàng năm. Như vậy, đã có một sự chuyển dịch tổng cộng 30 điểm phần trăm từ -15% cầu sang +15% cầu”.
Các NHTW đã mua tổng cộng 77,3 tấn vàng trong năm 2010, Natalie Dempster, Giám đốc quan hệ chính phủ của WGC cho biết.
“Đó là lần mua ròng đầu tiên từ khu vực chính phủ trong vòng 2 thập kỷ”, bà Dempster nói. “Trước đó, các NHTW đã bán từ 400 đến 500 tấn vàng mỗi năm”.
Khu vực chính phủ đã tăng mạnh lượng mua vào lên 456,8 tấn trong năm 2011. Điều này có nghĩa các NHTW đã “đảo vế” khoảng 1.000 tấn vàng trong vài năm gần đây, từ vị thế của những người bán ròng, một con số lớn hơn 1/3 tổng sản lượng vàng khai thác trên toàn thế giới năm 2011 (2.826,5 tấn). Năm 2012, các NHTW tiếp tục giữ nhịp mua vào như vậy khi chỉ 3 quý đầu năm đã mua vào 373,9 tấn.
Theo bà Dempster, sự chuyển dịch theo hướng mua ròng xuất phát từ hai yếu tố. Một là sự thiếu hụt hoàn toàn việc bán ra từ các NHTW của châu Âu. Họ đơn giản là không muốn bán các tài sản giá trị nhất mà họ có. Và một xu hướng lớn hơn là việc tăng cường mua vào của các NHTW ở các thị trường mới nổi.
Theo một thỏa ước của các nước châu Âu có hiệu lực 5 năm, các nước tham gia được phép bán tổng cộng 400 tấn vàng mỗi năm. Nhưng ở năm tài chính kết thúc cuối tháng 9 năm ngoái, họ chỉ bán vỏn vẹn 4,2 tấn.
Trong khi đó, những người mua đáng chú ý trong những năm gần đây là Mexico, Brazil, Nga, Thái Lan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Philippines, Tajikistan, Argentina và Hàn Quốc.
Một số trong các nước này mua vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ hiện có, trong khi số khác mua để dự trữ mới. Lý giải điều này, các nhà phân tích cho rằng, các NHTW muốn hạn chế nắm giữ đồng USD như một tài sản dự trữ do một số vấn đề về tài khóa của nước Mỹ trong những năm gần đây. Họ đã chuyển sang đồng euro, nhưng giờ có vẻ cũng hạn chế mua đồng tiền này vì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
“Họ có một sự e ngại đối với cả đồng USD và đồng euro, và đang tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào các đồng tiền này”, Wright nói. “Họ tìm đến vàng vì nhận ra rằng, trong những giai đoạn tài chính bất ổn, vàng luôn giữ được giá trị”.
Hơn nữa, các NHTW cũng không có nhiều sự lựa chọn, bà Dempster nhận xét. Nguyên tắc hoạt động đặc thù của các NHTW không cho phép họ sử dụng tài sản dự trữ để đầu tư vào cổ phiếu hay các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dempster phân tích, có một sự tương phản về tỷ lệ nắm giữ dự trữ bằng vàng giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia mới nổi, và có lẽ nó giúp giải thích tại sao các thị trường mới nổi là những nơi đang tích trữ vàng. Dữ liệu của WGC cho thấy, Mỹ, Đức, Ý, Pháp nắm giữ ít nhất 70% tài sản dự trữ dưới dạng vàng.
“Nhưng ở các quốc gia mới nổi, tỷ lệ đó chỉ khoảng 1,5%. Việc hầu hết NHTW ở các thị trường mới nổi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng vàng trong kho dự trữ là khá rõ”, Dempster khẳng định.
Dĩ nhiên, một lần nữa phải nhắc lại rằng, việc các NHTW tăng cường mua vàng không có nghĩa là giá vàng sẽ tăng. Không ai dám chắc điều đó, bởi đơn giản, thị trường còn rất nhiều biến số khác, trong đó có các dòng chảy ngầm của vàng.
Lê Anh (Theo báo chí nước ngoài)
Đầu tư chứng khoán
|