Doanh nghiệp vẫn e dè
Việc chuyển hướng các dự án thương mại sang dự án nhà ở xã hội được coi là cửa thoát hiểm cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn khá dè dặt khi quyết định bước vào ngưỡng cửa này.
Còn không ít nhiêu khê
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành
|
Lê Thành có ý định xin chuyển một dự án nhà ở thương mại ở phường An Lạc, quận Bình Tân sang làm nhà ở xã hội với quy mô 1.000 căn hộ. Ngoài ra, Lê Thành đã lập thủ tục đầu tư một dự án nhà ở xã hội ở quận Bình Tân với quy mô 2.000 căn hộ. Cả 2 dự án này đã được Lê Thành xin đầu tư khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Về lý thuyết, chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là thông thoáng, nhưng thực tế còn không ít nhiêu khê. Lê Thành đã gửi hồ sơ xin làm nhà ở xã hội từ nhiều tháng qua, cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ là Sở Xây dựng, nhưng Sở Xây dựng lại có văn bản gửi các sở, ngành khác yêu cầu bổ sung các vấn đề khác mà không có quy định là bao lâu phải báo cáo, vì vậy hồ sơ cứ chạy lòng vòng, chưa biết lúc nào mới xong.
Trước những khó khăn của thị trường thời gian qua, sắp tới sẽ có không ít doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư dự án thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược rõ ràng, thì cũng dễ thất bại. Bởi lẽ, đầu tư nhà ở xã hội chắc chắn không có lãi nhiều, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này trước hết phải xuất phát từ cái tâm, chứ không phải vì mục đích lợi nhuận.n
Chia nhỏ căn hộ để giải phóng hàng tồn.
TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
|
Nghị Quyết 02/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản về lâu dài với tiêu chí hướng đến phân khúc căn hộ bình dân, phù hợp với thu nhập của đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thị trường bất động sản là giải phóng hàng tồn kho, làm thị trường ấm lại, hạn chế nợ xấu.
Theo tôi, nếu Nhà nước xem xét cho phép doanh nghiệp chia nhỏ những căn hộ có diện tích lớn hơn 90 m2, 2 toa-let thành 2 căn hộ có diện tích tối thiểu 45 m2, 1 toa-let, với mức giá bán hoà vốn, thì đảm bảo hàng tồn sẽ hết ngay.
Các chủ đầu tư đang cân nhắc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
|
Hiện TP.HCM chưa có doanh nghiệp nào xin chuyển sang nhà ở cho người thu nhập thấp. Chỉ có Dự án 584 - Tân Kiên, quận Bình Chánh có khoảng 1.700 căn hộ xin bán cho Thành phố làm nhà tái định cư. Còn Công ty Lê Thành đề nghị được làm mới 2.000 căn hộ cho người thu nhập thấp. Nhìn chung, các chủ đầu tư còn đang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi.
Theo tôi, việc chuyển đổi một dự án thương mại sang dự án xã hội không đơn giản chút nào, cần phải thực hiện quyết liệt mới được.
Các dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, nhưng nếu dự án thương mại đã được doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất trước đó chuyển sang nhà ở xã hội thì khấu trừ ra sao? Hoặc các dự án thương mại đã được xây dựng, hợp với điều kiện chuyển sang nhà ở xã hội, việc định giá như thế nào?… Tất cả cần phải được thực hiện quyết liệt thì chính sách mới đi vào thực tế được.
Tạo ra những khu đô thị nhà ở xã hội.
Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex
|
Các doanh nghiệp nòng cốt trực thuộc Tổng công ty Vinaconex đều đã đăng ký tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra những khu đô thị nhà ở xã hội, chứ không phải nhà thu nhập thấp như bấy lâu nay vẫn làm.
Để làm được điều này, Vinaconex kiến nghị TP. Hà Nội cho phép doanh nghiệp để lại quỹ sàn từ nhà ở thương mại để làm quỹ dịch vụ bù đắp vào suất đầu tư cho nhà ở xã hội.
Từ đó, có thể kéo giá nhà xuống thấp, tạo ra sự đồng bộ, thuận tiện cho cuộc sống của người dân khi đến ở.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ nhà ở xã hội được trích 15% không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư vào tiện ích tòa nhà, để người dân bớt phải đóng phí dịch vụ, tạo cái nhìn tích cực hơn của người dân với nhà chung cư.
báo đầu tư
|