Thứ Năm, 07/02/2013 08:24

"Điểm đen” cổ tức ngoài sàn

Làm ăn khó khăn, ngày càng nhiều DN niêm yết khất nợ cổ tức. Tình hình cổ tức của các công ty đại chúng chưa niêm yết còn bi đát hơn.

Nhiều công ty thậm chí không trả cổ tức trong vài năm liền và đi kèm với đó là tình trạng công bố thông tin mù mờ, kém minh bạch.

Kinh doanh khó khăn, cổ đông chờ mong cổ tức như khoản thu chính, nhưng khoản này cũng bóng chim tăm cá

Hiểu được bối cảnh kinh doanh quá khó khăn của năm 2012, cổ đông có thể thông cảm với tình trạng cổ tức nghèo nàn trong năm này. Tuy nhiên, không ít công ty thường xuyên không trả cổ tức hoặc cổ tức rất thấp trong nhiều năm liên tiếp khiến cổ đông bức xúc. Cùng cung cấp sản phẩm khóa, cùng là thương hiệu khóa nổi tiếng ở miền Bắc trước khi cổ phần hóa, song trong khi CTCP Khóa Việt Tiệp hàng năm đều trả cổ tức rất cao, quanh ngưỡng 100% thì CTCP Khóa Minh Khai lại dẫn đầu ở chiều ngược lại, nhiều năm không trả cổ tức. Website của Công ty cũng không có mục dành cho cổ đông, không có thông tin gì về tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh.

Tương tự như vậy, kể từ khi cổ phần hóa năm 2005 đến nay, đã 7 năm, CTCP Thức ăn chăn nuôi Bạc Liêu chưa chia cổ tức lần nào. Đến năm 2011, SCIC thoái vốn và cùng với sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn, CTCP Thức ăn chăn nuôi Bạc Liêu đổi tên thành CTCP Thức ăn thủy sản Tomking. Trên website của Công ty không có mục dành cho cổ đông, không có thông tin gì về tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh, nên khi cổ đông muốn tìm hiểu cũng rất khó khăn.

Điển hình nhất là CTCP Cơ khí Hòa Bình, kể từ khi cổ phần hóa đến nay đã 7 năm, nhưng cổ đông chưa được nhận một đồng cổ tức nào. Không chỉ thế, năm nào Công ty cũng tổ chức ĐHCĐ muộn vào cuối năm và rất nhiều tài liệu theo luật định phải cung cấp cho cổ đông, Công ty không cung cấp, khiến cổ đông không thể nắm bắt tình hình thực sự của DN. Tại ĐHCĐ vào tháng 9/2012, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, doanh thu năm 2011 chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 triệu đồng và nợ khó đòi là 11 tỷ đồng. Năm 2010, Công ty lỗ 3,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên 18 tỷ đồng so với vốn điều lệ 11,8 tỷ đồng. Trong khi đó, DN này “đóng” trên diện tích 6.050 m2 tại phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội.

CTCP Seaprodex Sài Gòn cũng trong tình trạng nhiều năm không chia cổ tức. Năm 2011, Công ty đạt doanh thu 768,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 26,6 tỷ đồng, nhưng không chia cổ tức. Năm 2012, Công ty đặt mục tiêu trả cổ tức 5,2%, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, Công ty có doanh thu 389,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,5 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế bị bỏ trống. Với tình hình kinh doanh năm qua, cổ đông khó hy vọng lời hứa trả cổ tức trở thành hiện thực.

Trong một năm thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động xây dựng ì ạch, các công ty cung cấp sản phẩm xi măng đều gặp khó khăn. Nhưng riêng với CTCP Xi măng La Hiên thì không đợi đến năm qua mà ngay trong giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ, nhu cầu xây dựng cao thì việc kinh doanh vẫn khó khăn, bởi đã vài năm gần đây, kết quả kinh doanh của công ty này đều lẹt đẹt. Năm 2010, Công ty chỉ trả cổ tức 1,5%, năm 2011 không trả cổ tức và năm 2012 với tình hình kinh doanh bết bát, nhiều khả năng Xi măng La Hiên tiếp tục không trả cổ tức. Với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, năm 2011, Công ty có doanh thu 658,7 tỷ đồng, sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thì không có lãi nên không thể trả cổ tức. Trong khi đó, tình trạng kém minh bạch thông tin đã dẫn đến việc nhiều cổ đông của DN này đồng loạt gửi đơn lên UBCK đề nghị xử lý vi phạm quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng.

Bên cạnh những công ty có truyền thống không chia cổ tức thì với tình hình kinh doanh năm 2012, có thể có thêm nhiều công ty gia nhập đội ngũ các công ty không chia cổ tức. Ngay như CTCP Công trình Viettel, công ty con của một “đại gia”, năm qua kết quả kinh doanh cũng khá bết bát. Năm 2011, Công ty có doanh thu 1.436 tỷ đồng, lợi nhuận 81,3 tỷ đồng và chia cổ tức 10% - thấp hơn so với kế hoạch. BCTC 9 tháng đầu năm cho thấy, lũy kế 3 quý, Công ty có doanh thu 827,8 tỷ đồng, lỗ thuần hoạt động kinh doanh là 1,9 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận khác, Công ty có lãi sau thuế là 21,5 tỷ đồng, tuy nhiên, hàng tồn kho lên tới 740,3 tỷ đồng. Với tình hình kinh doanh này, cổ đông e ngại, không biết năm 2012, CTCP Công trình Viettel có trả được cổ tức hay không. Được biết, khoản cổ tức 10% năm 2011 của DN này, đến tháng 9/2012, cổ đông mới được nhận.

Hoàng Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   AAA tạm hoãn chi tạm ứng cổ tức 2012 tỷ lệ 10% (05/02/2013)

>   HDG: 21/02 GDKHQ tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 tỷ lệ 5% (05/02/2013)

>   SFN: 07/02 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2012 tỷ lệ 7% (05/02/2013)

>   “Ông chủ” chờ cổ tức (05/02/2013)

>   Mùa cổ tức ảm đạm: NĐT thiệt đơn, thiệt kép (05/02/2013)

>   CDC: 27/02 GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2011 tỷ lệ 5% (04/02/2013)

>   DN niêm yết: Khó phân định cổ tức hiệu quả (04/02/2013)

>   DQC: 19/02 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2012 (04/02/2013)

>   VCB: 26/02 GDKHQ tạm ứng cổ tức 2012 tỷ lệ 12% (01/02/2013)

>   Vĩnh Hảo trả cổ tức lần 2/2011 tỷ lệ 10% (25/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật