“Đau đầu” với hành vi chiếm đoạt thuế
Ngành thuế Đắk Lắk đang vất vả đối phó với tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) mua bán cà phê lòng vòng, mua cao, bán thấp nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền thuế
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản đến Cục Thuế các tỉnh, thành trong cả nước về việc tạm thời chưa khấu trừ và hoàn thuế GTGT đối với Công ty TNHH thương mại Phước Bảo (công ty Phước Bảo), có ngành nghề mua bán cà phê, nông sản, địa chỉ ở xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, kết quả thanh tra đột xuất đã phát hiện tại DN này có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế.
Cơ quan thuế không liên hệ được với giám đốc Công ty Phước Bảo nhiều ngày nay, trong khi trụ sở DN này vắng lặng
|
Ông Bùi Văn Chuẩn, Trưởng phòng Thanh tra Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, cho biết công ty Phước Bảo bắt đầu hoạt động kinh doanh từ tháng 8.2012, mua bán cà phê với hình thức giao tay ba, thanh toán tiền giữa đơn vị mua và đơn vị bán bằng chuyển khoản tại cùng một ngân hàng. Qua xác minh ban đầu, công ty Phước Bảo thực hiện mua bán lòng vòng với 3 DN ở H.Đắk Rlấp (Đắk Nông), các DN này lại quan hệ mua bán, kê khai thuế GTGT đầu vào với một DN ở H.Bù Đăng (Bình Phước). Cả 4 DN trên đều đã bỏ địa chỉ kinh doanh trong năm 2012.
Ngoài ra, công ty Phước Bảo còn quan hệ mua hàng với Công ty TNHH Hoàn Kiếm ở Đồng Nai, công ty Hoàn Kiếm lại mua hàng của Công ty TNHH Viết Dương ở Q.Tân Phú (TP.HCM), nhưng qua xác minh thì công ty Viết Dương có nộp tờ khai thuế GTGT nhưng không phát sinh doanh thu. Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, từ việc mua bán lòng vòng này mà các DN trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk phải thanh toán cho công ty Phước Bảo số thuế GTGT đầu vào gần 41,4 tỉ đồng và từ giữa tháng 12.2013, công ty Phước Bảo vẫn tiếp tục xuất hóa đơn cho các DN trên toàn quốc để thực hiện việc chiếm đoạt thuế.
“Từ cuối tháng 12.2012, thanh tra ngành thuế không thể liên hệ được với giám đốc công ty Phước Bảo để làm rõ vụ việc. Hiện Cục Thuế đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế của công này”, ông Chuẩn cho biết.
Theo giải thích của một cán bộ thuế, các DN mua bán cà phê chủ yếu sử dụng phương thức “mua cao, bán thấp”, theo đó mua từ nông dân cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán cho DN xuất khẩu với giá thấp để được khấu trừ tiền thuế GTGT. Chẳng hạn, giá cà phê là 40.000 đồng/kg nhưng DN nâng giá mua lên 41.000 đồng/kg để gom được lượng hàng lớn rồi bán lại cho DN khác với giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế GTGT với tỷ lệ 5%, tương đương 2.050 đồng/kg; tính ra, DN này đã lãi 1.050 đồng/kg.
Qua xác minh của cơ quan thuế, ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) có khoảng 15 DN kinh doanh cà phê, nông sản áp dụng hình thức mua cao, bán thấp nói trên. Những DN này được thành lập nhưng đa số không có văn phòng theo địa chỉ kinh doanh, không có kho bãi lưu trữ hàng hóa, không có tài sản cố định. Khi Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra cuối tháng 12.2012 thì 7 DN có dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế GTGT đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Hiện cơ quan công an đang làm rõ vi phạm của những DN này.
Nhiều kẽ hở bị lợi dụng
Theo ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, tội phạm trên lĩnh vực thuế có dấu hiệu gia tăng, mở rộng địa bàn hoạt động từ các tỉnh Nam bộ lên Tây nguyên. Lợi dụng thủ tục thành lập DN khá dễ dàng, chỉ cần bản sao giấy chứng minh nhân dân (CMND), một số đối tượng có hộ khẩu ở tỉnh ngoài sử dụng giấy CMND của người khác bị mất để đăng ký lập DN tại Đắk Lắk, tổ chức kinh doanh, mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian ngắn, chiếm đoạt tiền thuế rồi bỏ trốn. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách gia hạn nộp thuế GTGT, một số cơ sở kinh doanh cà phê, nông sản phát sinh số thuế gia hạn rất lớn, sau đó nghỉ kinh doanh, chiếm luôn số tiền thuế được gia hạn…
“Theo chúng tôi, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt tiền thuế, các cấp có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung về thủ tục thành lập DN như hộ khẩu thường trú, hoặc điều kiện được tự in hóa đơn đối với DN kinh doanh ổn định trong 12 tháng, có phát sinh doanh thu. Cũng cần có quy định số thuế tối đa được gia hạn để tránh việc DN lợi dụng chính sách gia hạn nộp thuế, ôm tiền thuế bỏ trốn”, ông Mạnh đề xuất.
Trung Chuyên
Thanh niên
|