Thứ Sáu, 01/02/2013 18:52

Chứng khoán Tuần 28/01 – 01/02: Khối ngoại “lái” thị trường, GMD tăng "khủng"

Phải chăng khối ngoại đã tìm ra cách thức giao dịch mới để tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn có thể dẫn dắt được xu hướng thị trường?

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 28/01 – 01/02/2013

Giao dịch: Tuần qua, VN-Index tăng 3.28% lên 483.43 điểm, HNX-Index cũng tăng 2.24% lên 62.99 điểm, VS 100 tăng 4.1% đang ở 77.05 điểm và VN30 tăng 3.43% lên 566.09 điểm.

VS-Large Cap có mức tăng mạnh nhất trong tuần qua với 1.62%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 1.36%, VS-Small Cap tăng 0.27% duy chỉ VS-Micro Cap giảm nhẹ 0.64%.

Thi trường tăng điểm tích cực trở lại đã giúp giới đầu tư lấy lại sự hưng phấn, đẩy thanh khoản trên cả hai sàn gia tăng trở lại trong tuần qua. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng mạnh 38.3% so với tuần trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng 14.9%.

EIB được giới đầu tư chú ý trở lại khi có giao dịch thoản thuận đột biến với gần 16.2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 250.5 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần.

Nguồn: VietstockFinance

Với đà hưng phấn sẵn có, thị trường đã bứt phá mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tuần và đưa chỉ số VN-Index tiến vào vùng kháng cự mạnh 480-490 điểm.

Việc các chỉ số tiến vào vùng kháng cự mạnh này đã khiến cho một bộ phận giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn, và giao dịch thị trường diễn ra khá giằng co trong các phiên đầu tuần.

Trái ngược với thái độ có phần e dè của giới đầu tư trong nước, khối ngoại tỏ ra khá nóng ruột trong việc bỏ tiền gom vào các cổ phiếu bluechip. Đây cũng là động lực giúp thị trường chống đỡ trước áp lực xả hàng tăng cao và duy trì đà tăng điểm của thị trường.

Sức ép điều chỉnh tăng khá cao trong những phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, thị trường vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc dòng tiền đầu cơ bất ngờ hoạt động trở lại. Việc dòng tiền đầu cơ nhắm vào nhóm cổ phiếu Khai khoáng đã tạo hiệu ứng tích cực cho tâm lý giới đầu tư và dẫn dắt xu hướng thị trường.

Phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng 490 điểm cùng với sự biến mất khó hiểu của khối ngoại trong phần lớn thời gian giao dịch đã khiến giới đầu tư trong nước lo lắng. Điều này đã đẩy các chỉ số giảm điểm sâu đi cùng với sự sụt giảm mạnh của khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, sự xuất hiện đầy bất ngờ của khối ngoại vào cuối phiên đã khiến kết quả giao dịch đảo ngược hoàn toàn.

Phải chăng khối ngoại đã tìm ra cách thức giao dịch mới để tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn có thể dẫn dắt được xu hướng thị trường?

Nhà đầu tư nước ngoài: Giao dịch của khối ngoại tiếp tục thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới đầu tư, khi đã thành chỉ dấu quan trọng cho xu hướng thị trường. Điều này được thể hiện rõ nhất trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Thống kê cho thấy tổng giá trị mua ròng tuần qua của khối ngoại đã tăng mạnh trên HOSE, đạt 788 tỷ đồng. Lực mua ròng mạnh nhất tập trung ở MSN với 75.6 tỷ đồng; tiếp theo là HPG với 69.5 tỷ đồng, DPM với 65.6 tỷ đồng và CTG với 60.7 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh HSG nhưng chỉ với 7.5 tỷ đồng, BMC với gần 6.0 tỷ đồng và PVD với 4.6 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại bất ngờ đẩy mạnh mua ròng mạnh với hơn 162 tỷ đồng, chủ yếu do mua ròng mạnh PVS với 26.1 tỷ đồng, SHB với 20.6 tỷ đồng và KLS với 20.4 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất SCR với 4.2 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 31/01 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK đẩy mạnh bán ròng với gần 5.5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 158 tỷ đồng.

Hoạt động mua - bán ròng được khối tự doanh thực hiện trong tuần qua nhiều khả năng liên quan chủ yếu đến nhóm cổ phiếu Large Cap và Mid Cap khi giá trị trung bình mua – bán các cổ phiếu trong tuần qua đều trên 20 ngàn đồng/cp.

Việc bán ròng của khối tự doanh trong tuần qua có thể xuất phát từ sự thận trong trong nhận định thị trường, khi chỉ số thị trường đã tiếp tục tăng mạnh và đang giao dịch trong vùng nhạy cảm 480-490 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần qua, số ngành tăng điểm vẫn chiếm ưu thế khi có 13/24 ngành tăng điểm. Trong đó, Bảo hiểm tăng điểm mạnh nhất với 9.98%; tiếp theo là SX Nông –Lâm- Ngư tăng 4.70% và Khai khoáng tăng 4.62%.

Các nhóm ngành nóng như Xây dựng, Bất động sản, Ngân hàng có được mức tăng tốt khi tăng lần lượt 2.92%, 1.95% và 1.18%; trong khi Chứng khoáng bất ngờ sụt giảm 0.77%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là GMD với 26.98%, ITA với 22.54%, KBC với 21.43% và OGC với 18.64%; không có cổ phiếu nào tăng điểm tích cực trên HNX.

GMD tăng 26.98%. GMD tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều khả năng việc GMD tăng mạnh có thể đến từ kỳ vọng lợi nhuận có thể sẽ tăng mạnh nếu GMD chuyển nhượng cổ phiếu Vĩnh Hảo (Vinhhao) cho CTCP Hàng Tiêu Dùng Ma San (MSF).

CTCP Hàng Tiêu Dùng Ma San (MSF) cho biết sẽ mua lại 24.9% cổ phần của Vĩnh Hảo và đang tiến hành chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này. Thông tin cho thấy MSF đã phải mua 24.9% vốn này với mức giá 85,000 đồng/cổ phiếu.

Hiện GMD đang nắm 29% cổ phiếu của Vĩnh Hảo tương ứng với 2.349 triệu cổ phiếu, giá vốn mua vào của GMD chỉ hơn 16,500 đồng/cổ phiếu (theo BCTC quý 3/2012). Nếu thông tin bán với giá 85,000 đồng/cổ phiếu là đúng thì GMD có thể ghi nhận khoản lợi nhuận lên đến 161 tỷ đồng.

ITAKBC tăng lần lượt 22.54% và 21.43%. Không có thông tin mới liên quan đến hoạt động của “cặp đôi” cổ phiếu này trong tuần qua. Nhiều khả năng “cặp đôi” này tăng điểm xuất phát từ:

(i) Lực đẩy của dòng tiền khối ngoại (mà có thể là dòng tiền từ quỹ ETF) liên tục mua ròng mạnh trong tuần qua, cùng với hoạt động đầu tư ăn theo của dòng tiền đầu cơ.

(ii) Thông tin về thỏa thuận cho thuê đất giữa tập đoàn LG (Hàn Quốc) và KBC mà chúng tôi đề cập trước đây được giới đầu tư biết đến rộng rãi hơn.

OGC tăng 18.64%. Không có thông tin mới liên quan đến hoạt động của OGC trong tuần qua. Nhiều khả năng OGC tăng mạnh xuất phát từ lực đẩy của dòng tiền khối ngoại (mà có thể là dòng tiền từ quỹ ETF) liên tục mua ròng mạnh trong tuần qua cùng với hoạt động đầu tư ăn theo của dòng tiền đầu cơ.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DRH với 11.54%.

DRH giảm mạnh 11.54%. DRH giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh năm 2012 tiếp tục tụt dốc, khi tiếp tục lỗ 9.5 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2012 là âm hơn 12.6 tỷ đồng.

Với kết quả kém hiệu quả này, nhiều khả năng DRH sẽ phải tạm ngưng giao dịch trong thời gian tới đây, do trước đó DRH đang thuộc diện bị cảnh báo kể từ ngày 13/04/2012 theo Quyết định số 47/2012/QĐ-SGDHCM ngày 11/04/2012.

II.  THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật