Thứ Hai, 21/01/2013 11:06

Tổng bí thư Đảng: Ai không nhận khuyết điểm sẽ bị xử lý

"Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm vì liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn".

Đó là chia sẻ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn TTXVN. Tuổi Trẻ xin trích đăng bài trả lời này của Tổng bí thư.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri tại Hà Nội

Sau gần một năm thực hiện, nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có sức lan tỏa sâu rộng, dù còn có ý kiến cho rằng việc thực hiện nghị quyết chưa mang lại kết quả như mong muốn. Là người thiết kế và đã dành nhiều tâm huyết cho công việc này, xin Tổng bí thư cho biết cần phải làm gì để nghị quyết tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả?

"Nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý. Vả lại, việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 không phải chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt, cơ chế giám sát, công tác giáo dục..."

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong lịch sử, đây không phải lần đầu tiên Đảng ta ban hành một nghị quyết về xây dựng Đảng. Nhưng ngay từ khi ra đời, nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng đã thu hút sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho rằng Đảng ta đã bắt trúng bệnh và bốc đúng thuốc.

Bản thân tiêu đề “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nói lên tính thời sự, cấp bách của việc ban hành nghị quyết này.

Bước vào kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng đã chỉ rõ ba vấn đề cấp bách, bốn nhóm giải pháp cần làm ngay để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Sau gần một năm triển khai, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được tiến hành từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đến từng đảng viên, trở thành đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn không ít băn khoăn cho rằng bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua như “hòa cả làng”, chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) nằm ở đâu, thậm chí có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, cho rằng “không thành công” vì không kỷ luật được ai. Đằng sau sự quan tâm và nỗi băn khoăn đó, có thể cảm nhận nhân dân trông đợi và kỳ vọng nhiều lắm, yêu cầu, đòi hỏi cao lắm và trách nhiệm chính trị của Đảng lớn lắm. Cần nhận thức rõ rằng: nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý. Vả lại, việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 không phải chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt, cơ chế giám sát, công tác giáo dục...

Có thể dễ dàng nhận thấy các nội dung của nghị quyết trung ương 4 đang được triển khai thực hiện rất khẩn trương và nghiêm túc. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ban hành một loạt nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; sự gương mẫu của người đứng đầu; về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trung ương... Đã lập lại Ban Nội chính trung ương, Ban Kinh tế trung ương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết; chấn chỉnh ngay một số khuyết điểm; đổi mới ngay một số lề lối, phong cách công tác; xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm ở các cấp... Tinh thần nghị quyết cũng đã lan tỏa sâu rộng trong hoạt động của toàn hệ thống chính trị, phả vào hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành luật pháp, chính sách, thành các chương trình hành động cụ thể. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, đáng chú ý là Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Hà Nội đã đi đầu cả nước, thí điểm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy và đối với lãnh đạo một số sở, ngành TP ngay từ đầu năm 2013. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động nhằm tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó xác định các nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng, lãng phí... Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra đều đang tích cực vào cuộc. Nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch sửa chữa ngay một số khuyết điểm, khắc phục sớm một số yếu kém...

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, phức tạp; đó là cuộc đấu tranh cam go ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, tỉnh táo. Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn.

Nhân dịp xuân mới Quý Tỵ 2013, Tổng bí thư có điều gì nhắn gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài?

Năm 2013 bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, dự báo tình hình thế giới cũng như ở trong nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Tôi mong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hãy vững một niềm tin, đồng lòng nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục những bước phát triển vững chắc. Mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam có một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công. Từ niềm vui nhỏ sẽ nhân lên niềm vui lớn, từ thành công nhỏ sẽ làm nên thành công lớn của đất nước, dân tộc.

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chủ tịch nước: "Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình biển Đông là đúng" (21/01/2013)

>   Thời điểm công bố kết luận thanh tra Đà Nẵng 'không bất thường' (21/01/2013)

>   Phó GĐ Công an Hải Phòng bị kỷ luật là em rể Dương Chí Dũng (20/01/2013)

>   Vạch mặt kẻ đứng sau tin “thưởng 100 tỉ đồng” của ông chủ Đại Nam (19/01/2013)

>   Khai trừ Đảng 1 Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng (19/01/2013)

>   'Vớt' được 25 bao tải Ipad ở biển Đồ Sơn (19/01/2013)

>   Tập đoàn: Ngày ấy, bây giờ... (19/01/2013)

>   Đà Nẵng “phản pháo” kết luận của Thanh tra Chính phủ (19/01/2013)

>   Nguyên quyền Giám đốc ngân hàng Agribank và 11 cán bộ dưới quyền chuẩn bị hầu tòa (18/01/2013)

>   Đình chỉ vụ án hình sự tại Sabeco (18/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật