Thứ Tư, 09/01/2013 15:39

Những kỳ vọng về kinh tế thế giới trong năm 2013

Năm 2012 đã đi qua, song những khó khăn của năm cũ chưa hết, đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế thế giới trong năm 2013, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia phải có những bước đi hợp lý, đưa nền kinh tế vững vàng trên con đường hồi phục.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới - TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.

Trong năm 2012, bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều khoảng tối, vậy theo ông đánh giá thì khoảng tối nhất là ở đâu và cụ thể là sự kiện nào?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Năm 2012 đã trôi qua và sẽ được nhắc đến như là một năm mà nền kinh tế thế giới phải đối diện những khoảng tối đậm nhất trong lịch sử ít nhất là hai thập niên gần đây và khoảng tối nhất chắc chắn nằm ở châu Âu với những khó khăn trong giải quyết bài toán nợ công và kéo theo nó là những hậu quả liên quan đến xã hội, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp mà các nước trong khu vực này phải đối diện.

Từ vấn đề nợ công kéo theo đà suy giảm của kinh tế toàn cầu, từ đó dẫn đến việc kiểm soát chặt các thị trường xuất khẩu, thắt chặt chi tiêu và sự gia tăng các hàng rào kỹ thuật. Tôi cho rằng đó là điểm đen nhất của kinh tế toàn cầu năm 2012.

Hành động được cho là có tính liên kết cao trên phạm vi thế giới trong năm 2012 là việc hàng loạt các ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới liên tiếp tung ra các biện pháp kích thích kinh tế. Theo ông, hiệu quả của hành động này như thế nào?

Tôi cho rằng có hai sự kiện đáng chú ý về sự liên kết tầm quốc tế trong năm 2012, đó là việc các ngân hàng không chỉ liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế để kích cầu, từ Mỹ, EU tới Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… mà còn có thêm việc đặt các ngân hàng vào trong một tổng thể chỉ đạo – một sự liên kết mang tính đường lối và chính sách, đặc biệt ở khu vực ngân hàng các nước châu Âu, như là một điển hình của sự phối hợp nhằm giải quyết những bài toán khó không chỉ ở một nước.

Giải pháp trên có cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, đây là hành động cho thấy sự đồng thuận xã hội cao về mặt quốc tế, liên quan đến sự lựa chọn những biện pháp mang tính chủ lực, thay vì sự băn khoăn giữa thắt chặt hay nới lỏng. Dường như thế giới hiện nay thống nhất về định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, coi thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm như là một giải pháp chủ đạo và chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mặt trái gồm hai điểm. Thứ nhất nó làm xuất hiện nguy cơ áp lực lạm phát cao. Thứ hai, nó có thể kéo theo một số khu vực thị trường bị nóng trở lại do các yếu tố bên ngoài. Ví dụ như dòng vốn từ EU và Mỹ sẽ chảy vào các nước khác, đặc biệt là châu Á, tạo ra tình huống bất động sản cũng như các mặt hàng khác “nóng” hơn giá trị thực. Từ đó có thể đưa thế giới vào vòng xoáy thứ hai của cuộc khủng hoảng gắn liền với các nguyên nhân sâu sa và trực tiếp từ “bong bóng” bất động sản như chúng ta đã, đang và có thể sẽ phải chứng kiến.

Theo ông, kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi theo chiều hướng nào trong năm 2013?

Trong năm 2013, kinh tế thế giới sẽ diễn biến theo hai mặt. Mặt thứ nhất là kinh tế sẽ có sự chuyển sáng tích cực hơn ở những nước mà có sự nắm bắt và xử lý tốt những giải pháp vĩ mô, đặc biệt là giải pháp kích cầu, từ đó tạo ra những động lực mới.

Bên cạnh đó, thị trường năm 2013 cũng sẽ có những điểm nhấn tích cực về sự phối hợp và mở rộng các chính sách tự do thương mại song phương và đa phương thông qua các hiệp định thương mại tự do như là một lối thoát mới, thay cho sự tắc nghẽn trong những vòng đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu.

Mặt thứ hai là kinh tế thế giới năm 2013 sẽ tiếp tục những khoảng tối liên quan đến thất nghiệp, việc làm và nợ, kể cả nợ công cũng như nợ tư. Chúng ta thấy rằng không thể giải quyết ngày một ngày hai những vấn đề lớn như vậy, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng năm 2013 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2012 và càng không cao so với yêu cầu để có thể tạo ra lực đẩy mạnh thực sự, tạo nên sự chuyển sáng căn bản trên thị trường lao động.

Trang Nhung

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhật sẽ mua trái phiếu châu Âu ghìm giá đồng yen (09/01/2013)

>   19 triệu người châu Âu thất nghiệp (09/01/2013)

>   Khám xét ngân hàng lớn nhất nước Đức (08/01/2013)

>   Italy: Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao kỷ lục (08/01/2013)

>   Vì sao ngân hàng lâu đời nhất Thụy Sỹ phải đóng cửa? (08/01/2013)

>   Brazil và Trung Quốc ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (08/01/2013)

>   Án phạt 20 tỷ USD cho các ngân hàng Mỹ (08/01/2013)

>   GDP các nền kinh tế mới nổi sẽ vượt nước phát triển (08/01/2013)

>   Mỹ thoát nguy cơ tụt hạng tín nhiệm (07/01/2013)

>   Châu Âu đã đổ bao nhiêu tiền để giải cứu ngân hàng? (07/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật