Thứ Ba, 08/01/2013 09:48

Nhà xã hội, “lối thoát” của các dự án căn hộ phía Bắc

Để tìm lối thoát trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc đã xin điều chỉnh dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Xu hướng mới

Tại các buổi đối thoại với doanh nghiệp ngành bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM gần đây, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kêu gọi các doanh nghiệp chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội hoặc tăng tỷ lệ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại như là một cách gỡ khó cho thị trường và cho chính doanh nghiệp. Đề xuất này của Bộ Xây dựng đã được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng.

UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã nhận được công văn kiến nghị của CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội về việc xin điều chỉnh dự án nhà thương mại Khu đô thị Trung Văn mở rộng (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) sang làm nhà thu nhập thấp. Trước đó, công ty này đã kiến nghị Thành phố được điều chỉnh quy hoạch dự án nhà thương mại rộng 15,6 héc-ta, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 tỷ đồng sang làm nhà thu nhập thấp.

Với kiến nghị này, CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội là doanh nghiệp đầu tiên chủ động chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội tại Hà Nội. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không xin điều chỉnh toàn bộ dự án, mà chỉ dùng 55% quỹ nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, 45% còn lại vẫn là nhà thương mại. Bước đi này cho thấy, chủ đầu tư đã tính toán rất kỹ trong việc tận dụng cơ chế chính sách khi phát triển một phần dự án sang nhà thu nhập thấp, trong khi các lợi ích trong quá trình phát triển dự án vẫn đảm bảo.

Xu hướng chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng được các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản thực hiện. Theo đại diện của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), doanh nghiệp này đang điều chỉnh hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại Dự án Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở xã hội. Theo đó, thay vì chỉ có 2,4 héc-ta diện tích dành cho nhà ở xã hội, doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh lên 9 héc-ta (tương đương khoảng 40% diện tích phát triển nhà ở của dự án). Trong khi đó, đại diện của Vinaconex cũng cho biết, doanh nghiệp này đã chuyển đổi dự án rộng 18,5 héc-ta tại Khu đô thị Bắc An Khánh từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và dự kiến sẽ khởi công ngay trong quý I/2013...

Chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ trở thành xu hướng của DN phía Bắc

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, các chính sách dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội rất tốt. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đóng băng, việc chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà thu nhập thấp hoặc nhà ở xã hội vừa tăng thanh khoản, vừa nhận được nhiều ưu đãi, trong khi vẫn đảm bảo 10% lợi nhuận, nên việc chuyển đổi như một lối thoát cho chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại khi một số chính sách dành cho nhà ở xã hội trên thực tế không đến được với doanh nghiệp như chính sách vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo ngại rào cản liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi mục đích dự án.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, hiện có rất nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chính thức gửi văn bản đề xuất về Sở chưa nhiều, vì các đơn vị đều muốn nghiên cứu kỹ các chính sách, cũng như thiệt hơn sau khi chuyển đổi dự án.

Cũng theo vị đại diện này, hiện Bộ Xây dựng đã có chủ trương để doanh nghiệp được chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển đổi kéo theo điều chỉnh dự án và nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm chủ đầu tư. Vì thế, việc chuyển đổi phải được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền. Ngay cả khi được chuyển đổi, việc chuyển đổi cũng chỉ được thực hiện tại những phần dự án chưa có khách hàng.

Mặc dù thừa nhận việc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, song vị lãnh đạo này thừa nhận, phương án chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và coi như một lối thoát. Vì thế, chắc chắn sẽ có làn sóng doanh nghiệp xin chuyển dự án nhà thương mại sang nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội trong tương lai gần.

Nguyên Minh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bất động sản: Những kỳ vọng trong năm 2013 (08/01/2013)

>   Đất “vàng” đắt nhất Việt Nam ở đâu? (07/01/2013)

>   Thị trường BĐS: Bắt đầu chu kỳ mới (07/01/2013)

>   “Happy” với dự kiến nới lỏng cho Tây mua nhà (07/01/2013)

>   Làm rõ quyền về đất đai trong Hiến pháp (06/01/2013)

>   TPHCM sắp thả nổi phí quản lý chung cư (06/01/2013)

>   Bán tháo nhà đất trả nợ, lấy tiền tiêu Tết (05/01/2013)

>   Bất động sản 2013: Trầm lắng và tiếp tục “rớt” giá (05/01/2013)

>   Bị đề nghị cấm xuất cảnh, Chủ tịch STL lên tiếng (05/01/2013)

>   Nhà ở xã hội: Mới hay... trên giấy (05/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật