Mùa cà phê nhiều kỷ lục
Những năm gần đây, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản quan trọng đối với Việt Nam, với diện tích đang khai thác 530.000ha, sản lượng khoảng 1,2- 1,4 triệu tấn/năm, tạo việc làm cho nửa triệu lao động trực tiếp và nửa triệu lao động gián tiếp.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cà phê đóng góp 30% GDP của 5 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum), góp phần quan trọng ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định an ninh chính trị - xã hội của khu vực.
Cà phê góp phần quan trọng vào xuất khẩu (XK) hàng nông sản của cả nước. Năm 2011, XK cà phê nhân đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 2,7 tỷ USD. Đối với thế giới, từ năm 2000 đến nay, cà phê Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 2 về sản lượng XK và thứ 3 về trị giá XK sau Brasil và Columbia. Niên vụ 2010- 2011, sản lượng cà phê Việt Nam chiếm 14,62% sản lượng cà phê thế giới và chiếm 16,34% sản lượng XK cà phê thế giới.
Niên vụ 2011- 2012 bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 9/2012 là một niên vụ kỷ lục về mọi mặt đối với ngành cà phê Việt Nam. Chúng ta đã có tới 5 chỉ số tăng:
Thứ nhất, sản lượng tăng cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng cà phê nhân khoảng 1,6 triệu tấn, XK xấp xỉ 1,5 triệu tấn với kim ngạch 3,3 tỷ USD, chiếm 13% kim ngạch XK của ngành nông nghiệp. Thị phần XK cà phê nhân của Việt Nam tăng từ 16% lên 18% năm 2012 (theo báo cáo của ICO).
Thứ hai, chất lượng tăng và là năm có chất lượng cao nhất. Cà phê loại I chiếm trên 50%. Nguyên nhân do thời tiết khô ráo trong thời kỳ thu hoạch, chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ và đầu tư của doanh nghiệp đưa công suất các cơ sở chế biến cà phê nhân đạt trên 1 triệu tấn, đáp ứng đủ yêu cầu chế biến cà phê nhân của cả ngành. Ý thức chăm sóc chất lượng không hái cà phê xanh, hái nhiều đợt trong một vụ của người trồng cà phê được nâng cao.
Thứ ba, năng suất cà phê tăng. Trung bình các vụ trước, năng suất khoảng 2,2 tấn/ha, nhưng vụ này đạt 2,4 - 2,6 tấn/ha. Đầu tư chế biến cà phê hòa tan cũng tăng. Hiện chúng ta đã có thêm 3 nhà máy chế biến cà phê hòa tan lớn hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau của Vina Cafe, Nestle, Cà phê Ngon với công suất 25.000 tấn cà phê hòa tan/năm. Ngoài ra còn có các nhà máy nhỏ của Phương Vy và các công ty tư nhân khác.
Chúng ta cũng có một chỉ tiêu tăng nữa và chính nó sẽ là thách thức trong những niên vụ cà phê tới cũng như về lâu dài. Đó là diện tích cà phê già tăng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê già đến nay đã xấp xỉ 30% tổng diện tích cà phê và tới năm 2020 sẽ chiếm 40% diện tích. Nếu không được tái canh kịp thời thì Việt Nam sẽ mất vị trí thứ 2 về sản lượng cà phê nhân XK như đã từng diễn ra với Indonesia và Columbia.
Chỉ tiêu tăng cuối cùng là giá bán cà phê nhân trung bình của nông dân Tây Nguyên. Năm 2010, giá bán trong nước có lúc xuống 23,5 triệu đồng/tấn làm cho doanh nghiệp và người nông dân thua lỗ. Hiêp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam đã trình và được Chính phủ ủng hộ cho tạm trữ giúp giá tăng trên 30 triệu đồng/tấn. Từ bài học tạm trữ này, người nông dân đã không bán cà phê ồ ạt khi vào vụ thu hoạch mà bán rải đều trong vụ nên giữ được giá bán trung bình từ 37- 40 triệu đồng/tấn. Các doanh nghiệp cũng không bán khống nhiều như những năm trước. Ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay từ 3 tháng lên 6 tháng, cho vay ngoại tệ lãi suất cạnh tranh và cho nông dân vay tín chấp 50 triệu đồng/hộ.
Có thể nói, niên vụ cà phê 2011- 2012 là niên vụ có nhiều chỉ số tăng đáng mừng, đặc biệt người trồng cà phê vừa trúng mùa, vừa được giá.
Tràn đầy niềm vui nhưng rõ ràng để có một Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp thì rất cần một chiến lược hoạch định để ngành cà phê phát triển bền vững. Muốn vậy, chúng ta phải có chương trình triển khai cụ thể về tái canh cây cà phê, cần tăng đầu tư để tăng giá trị hạt cà phê như chế biến XK cà phê rang, cà phê hòa tan, xây dựng các thương hiệu cà phê mạnh trong khu vực và quốc tế. Cần xây dựng Quỹ phát triển cà phê và thành lập Ban điều hành cà phê để phát triển bền vững, nâng giá trị ngành cà phê lên gấp đôi trong 15 năm tới.
Sản lượng cà phê của một số nước niên vụ 2007-2008 đến nay
Lương Văn Tự
Báo Công Thương
|