Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa rõ định giá đất kiểu gì
Ngày 15-1, Phiên họp thứ 14 của UB thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ QH cho biết sẽ lấy ý kiến toàn dân vì đây là dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo công luận.
Nhiều điểm còn mâu thuẫn
Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra 2 phương án về bảng giá đất nhưng ông “chưa hài lòng với phương án nào”.
Theo ông Lý, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thì phải chủ động được trong quản lý đất, tạo nên mặt bằng và điều kiện để phát triển thị trường chứ không chạy theo thị trường.
Nếu theo phương án 1, cứ 60 ngày UBND lại phải điều chỉnh giá đất, lập mặt bằng giá mới. Ngoài việc chạy theo thị trường, việc này có thể dẫn tới hiện tượng làm giá ở nhiều địa phương.
Nếu theo phương án 2, 5 năm mới điều chỉnh bảng giá đất một lần thì lại chỉ phù hợp nếu kinh tế phát triển ổn định chứ không phù hợp với một nền kinh tế còn nhiều biến động.
Còn theo Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều nguyên tắc được nêu trong dự thảo có điểm xung đột nhau. Nếu không giải quyết tốt các nguyên tắc này thì không thể xác định giá đất đúng đắn được.
Theo ông Hiển, có 3 loại giai đoạn hình thành giá đất là đất sử dụng chưa được đầu tư; đất bắt đầu đưa vào quy hoạch; đất đã được đầu tư quy hoạch xong.
Theo đó giá đất sẽ ở các mức khác nhau. Chưa kể các mức giá này sẽ thay đổi theo thời gian. Vậy lấy thời điểm nào để xác định là thời điểm sản xuất trên đất như trong quy định để xác lập giá đất là điều cần làm rõ.
Ông Hiển đề nghị xem xét lại nguyên tắc xây dựng giá đất. Giá đất thu hồi cho mục đích công cộng, cho an ninh quốc phòng, giá đất kinh doanh cũng phải được tính toán, đưa ra nguyên tắc. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng phải đưa ra nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ di chuyển, tái định cư để tránh tình trạng đầu tư tái định cư xong người dân vẫn không đủ tiền tái định cư như hiện nay.
Lấy ý kiến toàn dân
Nêu ý kiến về quy định bảng giá đất, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Tôi đọc mà không biết sẽ định giá kiểu gì đây?”. Ông nêu ví dụ, “Tỉnh A có miếng đất 1 triệu đồng/m
2
, một thời gian sau có dự án trên miếng đất đó đẩy giá đất lên 2 - 3 triệu đồng.
Vậy đền bù cho dân 1 triệu hay theo giá 3 triệu? Quy định chỗ này phải chi tiết, cứ theo giá hôm nay mà 2 – 3 năm sau giá thị trường khác mà cứ thu theo giá ấy thì nhà nước thiệt quá. Đất biển, ao hồ khác, thành phố khác, nông thôn khác…
Định bảng giá đất vừa phải căn cứ vào mục đích sử dụng đất, vừa căn cứ và bám sát giá thị trường. Thuế đất cũng phải tính giá nào thì nhà nước thiệt, giá nào thì dân thiệt…”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, bộ luật này cần phải bàn thêm nhiều, chi tiết hơn, cần ít nhất thêm 5 tháng để hoàn thiện. Ủy ban Thường vụ QH sẽ tạm thời chấp nhận dự thảo của Chính phủ, sau khi có ý kiến sẽ giao Chính phủ hoàn thiện thêm và cố gắng tránh tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn.
Ngay sau cuộc họp, UB Thường vụ QH đã thông qua nghị quyết đồng ý chủ trương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến.
Ý kiến trung ương giao Bộ TNMT làm đầu mối. Ý kiến địa phương giao HĐND làm đầu mối. Sau đó, tổng hợp lại, báo cáo Chính phủ để thảo luận tiếp thu, chỉnh lý một lần nữa để trình QH.
Thường vụ QH tiếp tục thẩm tra, thống nhất ra 1 bản trình QH thông qua. Nếu vẫn chưa tốt thì luật này có thể trình QH vào kỳ họp tháng 10.
Bắt đầu từ ngày 1-2, Chính phủ sẽ công bố rộng rãi trên báo chí việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ nay đến lúc đó luật này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện.
Luật mới vẫn khó thu hút nhân tài
Nóng nhất trong các ý kiến thảo luận Luật KHCN (sửa đổi) là quy định về ngân sách nhà nước dành cho hoạt động KHCN 2% mỗi năm và chính sách thu hút nhân tài.
Quy định cứng 2% này gây ra lo ngại tình trạng nhiều địa phương không đủ dùng, trong khi có địa phương không có đề tài, công trình nghiên cứu khoa học nào nhưng phải nghĩ ra đề tài để tiêu hết tiền.
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân đề nghị Quốc hội giữ nguyên mức 2% và giao cho Bộ KHCN hoặc Bộ Tài chính quyền chủ động điều chuyển ngân sách từ trung ương đến địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau để không xảy ra tình trạng “nghĩ ra công trình khoa học” để tiêu hết tiền.
|
Mỹ Hằng
Tiền Phong
|