Giảm lãi suất: Hấp thụ tín dụng có chật vật?
Lãi suất huy động ngắn hạn đã về dưới 8%/năm, tăng trưởng tín dụng năm 2013 đặt mục tiêu 12% – gấp gần hai lần tốc độ tăng năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là: nền kinh tế có khả năng hấp thụ khi mà năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sức mua của thị trường đang suy kiệt?
Dư địa hạ lãi suất còn rộng
Đầu năm 2013, hàng loạt ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn cũng như dài với mức giảm từ 0,5 – 1%/năm. Như ngân hàng Sacombank và Techcombank, mức lãi suất cao nhất (kỳ hạn 13 tháng) chỉ còn lần lượt là 11,5% và 11% (đều giảm 0,5%/năm). Lãi suất kỳ hạn tương tự tại một số ngân hàng khác như ACB, Eximbank, VIB, LienViet… cũng dao động trong khoảng 10,5% đến tối đa 11%/năm.
Một số ngân hàng lớn, mức lãi suất kỳ hạn dài giảm mạnh hơn, như Agribank, kỳ hạn 12 tháng là 10,6%; kỳ hạn 18 tháng là 10,8% và kỳ hạn 24 tháng là 11%/năm, giảm từ 0,2 – 0,9%/năm tuỳ kỳ hạn. Ngân hàng BIDV, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng; 9%/năm cho kỳ hạn từ 18 – 36 tháng...
Mặt bằng lãi suất huy động giảm là tiền đề để giảm lãi suất cho vay. Phó tổng giám đốc ngân hàng Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết tại ngân hàng hiện có những gói tín dụng áp dụng lãi suất cho vay 10%, thậm chí 9%/năm. Những hợp đồng đang áp dụng lãi suất cao, khi đáo hạn cũng sẽ được giảm xuống. Tương tự, theo phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại, ngân hàng này đang tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay, với mức giảm cụ thể phụ thuộc vào thời điểm giải ngân, mức độ rủi ro của dự án và chất lượng tài sản bảo đảm…
Nhận định về xu hướng lãi suất năm 2013, uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng nếu đặt mục tiêu lạm phát cả năm là 6% thì dư địa hạ lãi suất có thể được nới rộng. Xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Mỹ khoảng 0,5 – 0,75%), việc tiếp tục hạ lãi suất không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư khác, do đó thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn được bảo đảm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong cuộc trao đổi với báo giới cuối tuần trước, cũng khẳng định sẽ thường xuyên đánh giá lạm phát, để kịp thời có những điều chỉnh về lãi suất. Ông cho biết, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12%, gấp gần hai lần so với kết quả đạt được năm ngoái.
Ba yếu tố cải thiện khả năng hấp thụ vốn
Với một chính sách tiền tệ như vậy, liệu nền kinh tế có đủ khả năng để hấp thụ?
Theo thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 ở khoảng 12 – 14% là vừa phải. Ông Nghĩa phân tích, kinh tế Mỹ, châu Á và khu vực Đông Á đang phục hồi rõ ràng hơn, mở ra cơ hội cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, cũng như cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, từ đó góp phần hâm nóng thị trường nội địa.
Cũng theo nhận định của ông Nghĩa, xu hướng lạm phát năm 2013 được kiềm chế ở mức rất thấp, do vậy sức ép giảm lãi suất là rất lớn, nhất là kỳ hạn dài. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ chuẩn tiếp cận vốn trung, dài hạn, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế năm 2012 và khuyến nghị chính sách năm 2013, uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng lưu ý chính sách tiền tệ cần quan tâm đặc biệt đến việc giảm lãi suất cho vay bởi “tổng cầu của nền kinh tế hiện còn rất yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn”.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|