Dự thảo Nghị định Thuế TNCN: Vẫn thiếu hệ số trượt giá
PGS.TS. Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những quy định mới về thuế TNCN đã có bước tiến bộ dài so với trước đây. Song, để những quy định về loại thuế này “có tuổi thọ cao” thì nên bổ sung quy định về hệ số trượt giá.
Tiền nộp thuế chỉ bằng 1/5 hiện nay
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN để gửi xin ý kiến rộng rãi. Dự tính, Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2013.
Người mắc bệnh hiểm nghèo nên được miễn thuế
|
3 vấn đề được người nộp thuế quan tâm nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh và những khoản thu nhập được miễn thuế, giảm thuế. Ở dự thảo Nghị định, vẫn gồm 14 khoản được miễn thuế như quy định hiện hành.
Đó là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và thừa kế bất động sản giữa ông bà cha mẹ với con cháu, giữa vợ chồng và chị em ruột với nhau; Thu nhập từ bán căn nhà duy nhất có; Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; Thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, TCTD, thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Thu nhập từ kiều hối; Phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ…
Tiền lương hưu trong đó có cả tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện chi trả và thu nhập nhận được hàng tháng từ các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng được miễn thuế. Đây là điểm mới được bổ sung sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp trong quá trình soạn thảo Luật.
Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), theo dự thảo Nghị định, đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/ (108 triệu đồng/năm) và 3,6 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.
Theo một cán bộ Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính giải thích, trong trường hợp một người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc, theo quy định hiện hành phải nộp thuế là 690.000 đồng/tháng. Mức thu nhập nộp thuế của người này được tính như sau: 15 triệu – (4 triệu đồng mức giảm trừ gia cảnh của bản thân + 1,6 triệu đồng của người phụ thuộc) = 9,4 triệu đồng. Với 9,4 triệu đồng phải nộp thuế, 5 triệu đồng đầu tiên nộp 5%, 4,4 triệu đồng tiếp theo nộp thuế 10%, tổng số phải nộp là 690.000 đồng.
Cũng trường hợp này, theo dự thảo Nghị định, thu nhập phải nộp thuế được tính là 15 triệu đồng – (9 triệu đồng+3,6 triệu đồng) = 2,4 triệu đồng và số thuế phải nộp là 2,4 triệu đồng x 5%= 120.000 đồng, chỉ bằng 1/5 so với mức thuế đang phải nộp hiện hành.
Mắc bệnh hiểm nghèo thì nên miễn thuế
Góp ý với bản dự thảo này, PGS.TS. Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, những quy định mới về thuế TNCN đã có bước tiến bộ dài so với trước đây. Song, để những quy định về loại thuế này “có tuổi thọ cao” thì nên bổ sung quy định về hệ số trượt giá.
Theo ông, hàng năm, căn cứ theo tình hình lạm phát, Bộ Tài chính sẽ tính và đưa ra hệ số trượt giá cộng thêm hệ số này vào mức giảm trừ gia cảnh rồi tính thuế. “Nếu quy định cứng mức giảm trừ gia cảnh sẽ không tránh khỏi vài năm lại sửa luật một lần. Bộ Tài chính cũng sẽ được chủ động hơn để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, không phải chờ trình xin ý kiến”, ông Lý nói.
Theo dự thảo Nghị định, trường hợp đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Người nộp thuế cũng được giảm trừ các khoản đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
Tuy nhiên, TS. Lê Quốc Lý và một số người nộp thuế khác không đồng tình với nội dung này. Các ý kiến này cho rằng đã mắc bệnh hiểm nghèo là chi phí chữa bệnh cao hay người gặp thiên tai, hoả hoạn thì nên miễn thuế. Hơn nữa đã mắc bệnh hiểm nghèo không thể tính được mức độ thiệt hại.
Tuy nhiên để đảm bảo công bằng xã hội và cũng đảm bảo quyền nộp thuế của người dân, đảm bảo thu ngân sách, có thể tính toán người gặp hoả hoạn, thiên tai… nếu chỉ giảm thuế thì mức giảm như dự thảo “không vượt quá số thuế phải nộp” là chưa đáp ứng được chính đạo lý của Luật Thuế TNCN là hỗ trợ người khó khăn, đảm bảo công bằng xã hội.
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|