Doanh nghiệp Trung Quốc tháo chạy khỏi Phố Wall
Các công ty niêm yết Trung Quốc đang “tháo chạy” khỏi thị trường chứng khoán Mỹ với số lượng lớn chưa từng có, trong bối cảnh các nhà chức trách Mỹ tăng cường giám sát và những lợi ích của việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng không còn lớn như trước.
Trong năm 2012, có tới 27 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và niêm yết ở Mỹ công bố kế hoạch trở thành công ty tư nhân thông qua việc mua lại cổ phiếu (buy-out), so với con số 16 công ty trong năm 2011 và chỉ 6 công ty trong năm 2010.
|
Hãng tin Reuters cho biết, các cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ nhằm vào những báo cáo tài chính đáng ngờ của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Phố Wall, cùng với tình trạng rớt giá thảm hại của cổ phiếu đã khiến nhiều công ty Trung Quốc nhận thấy cơ hội cho những đợt huy động vốn mới ở Mỹ khép lại và họ chẳng còn lý do gì để ở lại thêm.
“Có rất ít cơ hội cho những dòng vốn mới rót vào các công ty đó. Giá trị vốn hóa của họ đã xuống mức rất thấp và họ phải đối mặt với những trở lại lớn liên quan tới hoạt động giám sát của nhà chức trách”, ông James Feltman, Giám đốc công ty tư vấn tài chính Mesirow Financial Consulting, nhận xét.
Trong năm 2012, có tới 27 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và niêm yết ở Mỹ công bố kế hoạch trở thành công ty tư nhân thông qua việc mua lại cổ phiếu quỹ (buy-out), so với con số 16 công ty trong năm 2011 và chỉ 6 công ty trong năm 2010. Đây là số liệu do ngân hàng đầu tư Roth Capital Partners cung cấp. Trước năm 2010, chỉ có 1-2 vụ công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ chuyển thành công ty tư nhân.
Cũng trong năm qua, khoảng 50 công ty, hầu hết là công ty nhỏ, của Trung Quốc đã ngừng đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), theo đó chấm dứt việc công bố thông tin. Con số này tăng so với mức 40 công ty trong năm 2011 và là mức cao nhất ít nhất từ năm 1994 khi SEC bắt đầu thống kê số liệu này.
Theo quy định của Mỹ, các công ty có số lượng cổ đông ít có thể tự nguyện thôi công bố thông tin để giảm chi phí mà không phải mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của các công ty này thường chịu thiệt hại bởi giá cổ phiếu giảm.
Chỉ có 3 công ty Trung Quốc lên sàn thành công ở Mỹ trong năm 2012, so với con số 12 công ty trong năm 2011 và 41 công ty trong năm 2010. Hiện có khoảng 300 công ty Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ hoặc giao dịch trên thị trường OTC Mỹ.
Nhiều chuyên gia tư vấn đã khuyên các công ty Trung Quốc nên rút niêm yết khỏi thị trường Mỹ và chuyển niêm yết sang một thị trường khác, chẳng hạn như Hồng Kông hay Trung Quốc đại lục để có mức giá cổ phiếu tốt hơn. “Các thị trường này hiểu rõ hơn về các công ty Trung Quốc, và các công ty Trung Quốc có thể có giá cổ phiếu cao hơn khi niêm yết ở đây”, ông Mark Lehmkuhler, một lãnh đạo của công ty Davis Polk ở Hồng Kông, nhận định.
Chẳng hạn, cổ phiếu các công ty Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng niêm yết tại Mỹ hiện rẻ hơn khoảng 67% so với các công ty tương tự niêm yết tại thị trường Hồng Kông.
Các chuyên gia cho rằng, việc các nhà chức trách Mỹ không sớm đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc về các quy định giám sát kế toán có thể sẽ khiến thêm nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ.
Đến nay, phía Mỹ vẫn nỗ lực tiếp cận với hồ sơ kiểm toán của các doanh nghiệp Trung Quốc và muốn thanh tra các công ty kiểm toán Trung Quốc để ngăn chặn các vụ bê bối kế toán liên quan tới công ty Trung Quốc niêm yết ở Phố Wall. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phản đối việc làm này, khiến cho tương lai niêm yết ở Mỹ của các công ty Trung Quốc trở nên mờ mịt.
Để gây áp lực với phía Trung Quốc, SEC đã loại khoảng 50 công ty Trung Quốc ra khỏi danh sách các doanh nghiệp công bố thông tin trong vòng hơn 2 năm qua. Tháng trước, SEC cáo buộc chi nhánh tại Trung Quốc của 5 công ty kế toán hàng đầu vi phạm các quy định chứng khoán liên quan tới giao nộp tài liệu, làm gia tăng căng thẳng với phía Trung Quốc.
Giá cổ phiếu “rẻ như bèo” của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ nay muốn trở thành công ty tư nhân đã đem đến cơ hội thâu tóm cho nhiều nhà đầu tư Mỹ.
Mới đây, một nhóm nhà đầu tư do Carlyle Group dẫn đầu đã mua lại công ty quảng cáo hiển thị Focus Media Holding của Trung Quốc với giá 3,7 tỷ USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của một công ty đầu tư cổ phần tư nhân thực hiện tại Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, thành công của thương vụ này có thể sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư khác tham gia vào các thỏa thuận tương tự.
Mặc dù vậy, có lẽ sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa thì giới đầu tư tại Mỹ mới cảm thấy yên tâm khi rót tiền mua cổ phiếu của các công ty đại chúng Trung Quốc.
“Các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu họ còn có thể tin công ty Trung Quốc được nữa hay không. Đây không còn là chuyện công ty nào tốt, công ty nào xấu nữa. Mà thị trường đang quay lưng lại với nhiều công ty Trung Quốc”, ông James O’Neill, Giám đốc điều hành công ty Jin Niu Investment Management ở Bắc Kinh, nhận xét.
An Huy
tbktvn
|