Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế tuần từ 01-05/01/2013
Trong tuần qua, đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường ngoại hối quốc tế trước thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng ngừng chương trình kích thích kinh tế do lo ngại tác động trái chiều.
Trong một động thái bất ngờ, tại cuộc họp chính sách tháng 12/2012, một số nhà hoạch định chính sách Cục dự trữ liên bang Mỹ đề nghị ngừng chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng trong năm 2013 xuất phát từ những quan ngại về tính ổn định tài chính hoặc bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, các quan chức của FED đã không tìm được tiếng nói chung về thời điểm kết thúc các chương trình nới lỏng định lượng (QE3). Việc QE3 có khả năng kết thúc sớm hơn kỳ vọng đã đẩy đồng USD tăng giá mạnh.
Bên cạnh đó, việc Hạ viện Mỹ cuối cùng đã chính thức thông qua kế hoạch ngân sách để tránh cho nền kinh tế rơi vào "vách đá tài chính" hôm đầu tuần cũng là nhân tố hỗ trợ tích cực cho đồng đô la Mỹ.
Trước đó, Thượng viện cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật nói trên với số phiếu thuận áp đảo lượng phiếu chống, theo tỷ lệ 89/8. Dự luật bao gồm việc tăng thuế với các cá nhân có mức thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD mỗi năm. Trợ cấp thất nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện, trong khi việc cắt giảm chi tiêu công tự động sẽ được gia hạn thêm 2 tháng nữa.
Đồng đô la Mỹ cũng được hỗ trợ trước những tin tức tốt lành đến từ kinh tế Mỹ khi một loạt số liệu kinh tế khả quan được công bố.
Theo thông báo từ Viện quản lý nguồn cung, ngành sản xuất Mỹ tăng trưởng trong tháng 12/2012. Chỉ số đo lường tăng từ 49,5 điểm tháng 11 lên 50,7 điểm tháng 12, cao hơn so với dự báo 50,5 điểm của các chuyên gia khảo sát bởi Bloomberg. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ đang có những bước tiến vững chắc khi tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 12/2012 ở mức độ tương đương với tháng 11 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Theo báo cáo vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 4/1/2013, trong tháng cuối cùng của năm 2012, đã có thêm 155.000 việc làm mới được tạo ra – cao hơn một chút so với mức 152.000 việc làm được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức 7,8%, thấp nhất kể từ tháng 12/2008.Tổng cộng, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 1,84 triệu việc làm trong năm 2012 – tương đương với mức của năm 2011. Mức lương trung bình cho mỗi giờ làm việc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, lên 23,73 USD. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm qua. Thị trường bất động sản của Mỹ cũng bắt đầu phục hồi cùng với sự phục hồi của thị trường lao động. Doanh số bán nhà mới Mỹ lên cao nhất 2 năm, tăng 4,4% trong tháng 11/2012.
Trong khi đó, tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, đồng euro có một tuần giảm giá mạnh. Thời gian gần đây, các ngân hàng trung ương bắt đầu bán tháo Euro do lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu lún sâu hơn.
Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương đặc biệt các ngân hàng thị trường mới nổi đang giảm dần lượng dự trữ ngoại hối bằng Euro. Hiện tỷ lệ dự trữ Euro ở các nước mới nổi giảm từ 30% ở thời điểm khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu nổ ra cách đây hơn 3 năm xuống còn gần 25%. Đây là tỷ lệ dự trữ Euro thấp nhất kể từ năm 2002 sau khi các ngân hàng trung ương bán mạnh Euro trong quý III/2012. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, các ngân hàng trung ương mất dần niềm tin vào trái phiếu định giá bằng euro, một số ngân hàng đã bỏ hẳn trái phiếu Italia và một số nước châu Âu trong dự trữ ngoại hối của mình
Bước sang năm 2013, khu vực sản xuất của châu Âu nhìn chung vẫn chưa được khởi sắc khi các số liệu mới nhất cho thấy sản lượng cũng như đơn đặt hàng chế tạo của Eurozone tiếp tục yếu. Trong tháng 12/2012, chỉ số quản lý sức mua PMI của Eurozone đã giảm xuống 46,1 điểm, từ mức 46,2 điểm trong tháng trước đó, và thấp hơn so với ước tính hôm 14/12 là 46,3 điểm cho thấy hoạt động sản xuất của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang bị suy giảm. Cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đã làm xói mòn lòng tin kinh doanh trong khối đồng tiền chung, khiến các công ty lưỡng lự trong việc mở rộng đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới. Triển vọng không mấy khả quan của kinh tế Eurozone khiến cho đồng Euro được dự báo tiếp tục xu hướng giảm giá trong dài hạn.
Tại Nhật Bản, đồng Yên tiếp tục đà giảm so với hầu hết đồng tiền chủ chốt và đặc biệt thấp nhất 28 tháng so với đồng đô la Mỹ khi tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhằm ghìm giá nội tệ. Ông kêu gọi ngân hàng trung ương in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Tính chung trong tuần, so với giá đóng cửa cuối tuần trước, đồng đô la Mỹ tăng giá 1,55% so với đồng Euro; 0,72 % so với đồng bảng Anh; 2,43% so với đồng Yên Nhật và giảm giá 0,59% so với đồng đô la Úc; 0,01% so với đồng Nhân dân tệ. Tại thời điểm cuối tuần, trên thị trường quốc tế 1EUR = 1,3009 USD; 1GBP = 1,6052 USD; 1AUD = 1,0431 USD; và 1USD = 88,1 JPY; 1USD = 6,2304 CNY.
Tại thị trường trong nước, trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD, không đổi so với thời điểm cuối tuần trước. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.820-20.860 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước.
Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng quốc tế ở quanh mức 1.644,35 USD/oz, giảm so với mức 1.661,84 USD/oz của cuối tuần trước. Giá vàng SJC trong nước cuối tuần ở mức 4.611/4.643 nghìn đồng/chỉ.
NHNN
|