Thứ Năm, 31/01/2013 13:48

Dân nào giám sát nổi tập đoàn?

“Dân sẽ giám sát tập đoàn kinh tế”, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách, phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giải thích như vậy về dự thảo nghị định quản lý doanh nghiệp nhà nước mà ông là tổ phó tổ biên tập.

Dự thảo này, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến để trình Chính phủ thông qua nhằm thay thế cho Nghị định 101 hiện hành, vốn đang bị coi là có quá nhiều lỗ hổng, để giám sát khu vực kinh tế được coi là “chủ đạo” của nền kinh tế. Đây là một trong những hành lang pháp lý mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị khi thông qua đề án cải cách doanh nghiệp nhà nước hồi giữa năm 2012.

Theo dự thảo, các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty (và các công ty thành viên) buộc phải công khai các mục tiêu hoạt động dài hạn và các mục tiêu cụ thể hàng năm; các thông tin về cơ cấu sở hữu và tài sản, danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án; các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; các giao dịch có quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác. Họ phải báo cáo định kỳ về quá trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực, hay quyết định mức lương của tổng giám đốc. Hơn nữa, khu vực kinh tế này cũng phải minh bạch hóa kết quả sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh.

Tất cả những thông tin như trên sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử doanh nghiệp www.business.gov.vn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích, việc công khai, minh bạch thông tin là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Những yêu cầu minh bạch theo chuẩn mực của OECD, như ban soạn thảo giải thích, rõ ràng là một tiến bộ rất lớn. Đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải công khai hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế này trong nhiều kỳ họp vừa qua, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, cho đến gần đây khi dự thảo này được đưa ra.

“Để chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước đi giám sát doanh nghiệp nhà nước là rất khó. Các bộ không có bộ phận chuyên môn. Hơn nữa, chúng tôi cũng đang ngập đầu với các công việc quản lý nhà nước, thì lấy đâu thời gian và sức lực để giám sát họ” - bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từng thẳng thắn thừa nhận về một thực trạng mà ít nhà quản lý thừa nhận. Đến Thủ tướng cũng than phiền về hiệu quả giám sát rất yếu: “Cách mạng tháng Tám chỉ có 5.000 đảng viên mà thành công. Vậy mà Vinashin có 6.000 đảng viên mà tôi không nhận được đơn thư của bất cứ đảng viên nào... Vinalines cũng thế, có mấy nghìn đảng viên”...

Dự thảo nghị định trên yêu cầu, tổng giám đốc tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ bị miễn nhiệm, hay chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp thua lỗ hai năm liền xảy ra. Quy định này đã có hiệu lực trên thực tế, song đến nay vẫn rất hiếm trường hợp giám đốc doanh nghiệp nào phải ra đi. Cần nhớ là có đến 10 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lỗ lũy kế 17.730 tỉ đồng, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương.

Liệu người dân có giám sát nổi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, như hy vọng của cơ quan soạn thảo? Người dân “giám sát” bằng cách nào và có quyền làm gì khi phát hiện sai trái ở các doanh nghiệp nhà nước?

Những câu hỏi đó đáng đặt ra trong bối cảnh bản thân Nhà nước đang nắm trong tay nhiều công cụ và quyền lực mà còn không giám sát và chấn chỉnh nổi thì huống gì người dân thấp cổ bé họng? Chẳng hạn, hai cơ quan Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cứ mỗi khi tiến hành kiểm tra doanh nghiệp nhà nước nào cũng phát hiện sai phạm, mà vẫn khó bề xử lý, hay chỉ là kiến nghị xử lý. Thanh tra Chính phủ hồi tháng 4-2012 công bố đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỉ đồng, song rốt cuộc không một cá nhân nào bị xử lý. Thậm chí ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, còn thanh minh cho tập đoàn Sông Đà là “phí phạm chứ không thất thoát” khi bị Quốc hội chất vấn hồi tháng 11-2012. Sông Đà bị Thanh tra Chính phủ quy là có sai phạm tới 10.676 tỉ đồng, và nay lại được trả về cho Bộ Xây dựng quản lý?

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thảm cảnh của chủ tàu hoang Hai Dong 27 (31/01/2013)

>   Ban Nội chính Trung ương chính thức hoạt động từ ngày 1-2 (31/01/2013)

>   Chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á (31/01/2013)

>   Cờ bạc Italy phất lên trong khủng hoảng (31/01/2013)

>   Bắt thêm 1 công an giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn (30/01/2013)

>   Mỹ chính thức có Ngoại trưởng mới (30/01/2013)

>   Chủ nợ “vây" Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Xanh (29/01/2013)

>   Không thanh tra lại sai phạm tại Đà Nẵng (29/01/2013)

>   Công ty cho thuê tài chính I của Agribank sẽ trả lại tiền cho nhà đầu tư (29/01/2013)

>   Lùm xùm thay Tổng GĐ HAPULICO: Chuyện chia sẻ chức quyền (29/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật