Chủ Nhật, 20/01/2013 15:28

Cienco bạc mặt kiếm việc và đòi nợ

Với dự báo năm 2013 tiếp tục là năm “giáp hạt” vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) đang đối diện với nỗi lo thiếu việc làm trầm trọng.

Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công đường sắt Bà Bầu

Nếu không kịp “vớt” được một nửa Gói thầu số 7, Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đầu tháng 12/2012, Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) - một trong bảy Cienco đầu đàn ngành giao thông - vận tải (GTVT) rất có thể sẽ phải đối diện với năm 2013 gần như “trắng tay” về việc làm.

Sở dĩ phải dùng từ một nửa là bởi, tại Gói thầu số 7 trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng này, Vinawaco phải chia gần 50% sản lượng cho một đối tác trong cùng liên danh. Dự kiến, công địa của gói thầu lớn duy nhất được triển khai trong năm nay của Vinawaco sẽ hết sức “chật chội” do Tổng công ty phải chia nhỏ “miếng ăn” thời giáp hạt cho các công ty thành viên vốn cũng đang đói việc trầm trọng.

“Vinawaco đang phải đối diện với thời kỳ thiếu việc làm trầm trọng do nhiều công trình xây dựng cảng biển, nạo vét luồng bị dừng, giãn tiến độ, hoặc phải triển khai cầm chừng”, ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc Vinawaco nói và cho biết, Tổng công ty có tới 29 đầu mối hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy chỉ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng trong cả năm 2012, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Không đến nỗi khó khăn như Vinawaco, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) vẫn đạt sản lượng thực hiện khoảng gần 3.360 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh khoảng chênh lệch khá lớn giữa sản lượng và doanh thu lên tới 1.400 tỷ đồng, Cienco8 cũng đang phải bươn chải đấu thầu do khối lượng công việc gối đầu từ năm 2012 không đủ cho 4.100 lao động.

Tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), một đơn vị rất mạnh trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, hiện nguồn dự án đã ký hợp đồng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu công việc năm 2013. “Nếu không ký được hợp đồng mới trong năm 2013, thì việc làm, thu nhập của hàng ngàn lao động trong Tổng công ty sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng”, ông Nguyễn Công Tài, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TLG trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Cùng với nỗi lo thiếu việc, gánh nặng nợ đọng xây dựng cơ bản lưu cữu từ nhiều năm nay đang làm biến dạng tình hình tài chính của các Cienco. Số liệu từ TLG cho thấy, tính đến cuối năm 2012, TLG bị các chủ đầu tư nợ khoảng 629 tỷ đồng, trong đó các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư nợ 319 tỷ đồng, các địa phương nợ 272 tỷ đồng. Nợ nần dắt dây, nên hiện TLG nợ lại lương của người lao động 29 tỷ đồng, nợ thuế 108 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 30,4 tỷ đồng. Đáng lo ngại là, nếu không tìm thêm được đầu việc mới, các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động còn phình to trong thời gian tới.

Trên thực tế, khó khăn về vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được dự báo từ trước và có thể nhìn từ các ban quản lý dự án lớn - những đầu mối giải ngân lớn trong ngành giao thông. ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long cho biết, do không có thêm dự án mới được triển khai, nên khối lượng giải ngân đăng ký cả năm 2013 chỉ vào khoảng 1.000 tỷ đồng, bằng 1/3 so với năm ngoái.

Theo Bộ GTVT, tổng lượng vốn ODA mà các nhà tài trợ dành cho Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm 2012. Trong khi đó, do đã ứng trước khá nhiều, nên lượng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ bố trí cho các dự án giao thông năm nay sẽ thiếu hụt rất nặng so với nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc tất cả các Cienco chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa và vẫn trực thuộc Bộ GTVT - cấp quyết định đầu tư - đang là một rào cản không thể vượt qua tại các dự án đường bộ cao tốc quy mô vốn rất lớn sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Điều đáng tiếc là, cảnh báo về tính hợp lệ của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã được các nhà tài trợ đưa ra từ nhiều năm trước đây, nhưng tiến trình cổ phần hoá các Cienco thuộc Bộ vẫn diễn ra rất chậm chạp. Được biết, phải đến cuối năm 2013, bộ này mới có thể hoàn thành việc cổ phần hoá các công ty mẹ của các Cienco. Và ngay cả đến thời điểm đó, dù đã hoàn tất quá trình chuyển đổi sở hữu, nhiều Cienco vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ, bởi phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn lớn hơn 40%.

Hiện cơ hội tìm kiếm việc làm cho các Cienco đang dồn cả vào hai dự án ODA sử dụng vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, sẽ đấu thầu trong năm nay là đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuy nhiên, do “cả làng” thiếu việc, nên nếu không tỉnh táo, một cuộc chiến bỏ thầu giá thấp để giành việc giữa các Cienco rất có thể tái diễn.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Khó khăn của các dự án khai thác dầu khí nước ngoài (20/01/2013)

>   Việt Nam phản đối vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm (20/01/2013)

>   Thủy điện hụt sản lượng khoảng 1,43 tỷ kWh (20/01/2013)

>   Ngành Dầu khí lấy tái cơ cấu làm động lực tăng trưởng (20/01/2013)

>   Mất tết vì cá tra (20/01/2013)

>   Ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm ưu thế (20/01/2013)

>   Bộ TM Mỹ thụ lý đơn kiện mặt hàng tôm Việt Nam (19/01/2013)

>   Thu nhập bình quân tại tập đoàn nhà nước 9,4 triệu đồng (19/01/2013)

>   22.000 doanh nghiệp ở TP.HCM giải thể, phá sản (19/01/2013)

>   Tăng phạt hành vi “đong điêu”, bán “xăng dởm” (18/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật