Chứng khoán Tuần 14 – 18/01: Thị trường điều chỉnh, nhiều cổ phiếu vẫn tăng nóng!?
Nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá ”khủng”, bất chấp thị trường chịu áp lực điều chỉnh rất lớn, đặc biệt là về cuối tuần.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 14 – 18.01.2013
Giao dịch: VN-Index quay đầu giảm 1.84% xuống 454.16 điểm, trong khi HNX-Index tăng 2.48% lên 62.05 điểm, VS 100 tăng 0.22% đang ở 72.93 điểm và VN30 giảm 1.97% xuống 534.97 điểm.
VS-Micro Cap bất ngờ tăng điểm mạnh nhất trong tuần qua khi tăng 4.31%. Tiếp theo là VS-Small Cap tăng 1.82% và VS-Mid Cap tăng 1.34%. VS-Large Cap ngược chiều khi giảm mạnh 3.04%.
Tâm lý giời đầu tư có chút e dè khi áp lực điều chỉnh gia tăng đã khiến cho thanh khoản giảm nhẹ trên cả hai sàn. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh giảm 2.3% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 0.3%.
Với đà hưng phấn sẵn có, thị trường đã tiếp tục tăng “nóng” trong những phiên giao dịch đầu tuần. Dẫn dắt đà tăng vào đầu tuần là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền đầu cơ. Đây là lực đẩy chính giúp thị trường vượt qua khó khăn do áp lực chốt lời gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn cũng như sự e dè của giới đầu tư khi hai sàn áp dụng biên độ giao dịch mới.
Không quá bất ngờ khi nhóm các cổ phiếu đầu cơ như Khai khoáng, Chứng khoán và Bất động sản được dòng tiền đầu cơ quan tâm cao độ. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu Bất động sản.
Nhóm cổ phiếu Bất động sản được quan tâm mạnh mẽ trong tuần qua có thể xuất phát từ: (i) Đây là nhóm cổ phiếu nóng chưa tăng nhiều trong những tuần giao dịch trước đó, (ii) Dòng tiền đón đầu thông tin về gói giải cứu thị trường bất động sản có thể được công bố trong quý 1/2013.
Tuy vậy thị trường đã nhanh chóng quay đầu giảm điểm trở lại trong những phiên giao dịch cuối tuần, khi:
(i) Áp lực điểu chỉnh nhanh chóng xuất hiện ở nhóm cổ phiếu đầu cơ khi, với biên độ mới, nhóm cổ phiếu này đều có mức sinh lời ”khủng” chỉ sau 1, 2 phiên giao dịch.
(ii) Áp lực điều chỉnh sẵn có ở nhóm cổ phiếu bluechip. Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong tuần qua.
(iii) Sự e dè của giới đầu tư do xu hướng thu hẹp giao dịch mua ròng của khối ngoại (xem thêm thông tin bên dưới).
Trong phiên cuối tuần, giới đầu tư e ngại trở lại và kéo thanh khoản sụt giảm khá mạnh so với các phiên giao dịch đầu tuần. Điểm tích cực đó là đà giảm đã được thu hẹp dần về cuối phiên nhờ giao dịch tích cực hơn ở một số cổ phiếu dẫn dắt như BVH, STB và VCB trên HOSE và PVX, SHB trên HNX.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục giao dịch mua ròng trong tuần qua, tuy nhiên lực cầu đà suy yếu khá mạnh so với tuần trước. Điều này đã khiến cho giới đầu tư trong nước có phần thận trọng trở lại, và áp lực bán ra gia tăng đáng kể. Đây là điều dễ hiểu khi lực cầu khối khoại là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng nóng trong thời gian vừa qua.
Thống kê cho thấy tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 383 tỷ đồng. Lực mua ròng mạnh nhất tập trung ở MBB với 94.2 tỷ đồng; tiếp theo là DPM với 65.8 tỷ đồng, HAG với 45.5 tỷ đồng và VCB với 28.6 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh KDH với 28.8 tỷ đồng, DRC với gần 10 tỷ đồng và BCI với 7.3 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 7.2 tỷ đồng, chủ yếu do mua ròng mạnh PVS với 28.3 tỷ đồng, VCG với 7.3 tỷ đồng và PVX với 2.2 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất TH1 với 16.3 tỷ đồng và VND với 12.3 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 17/01 (Thứ Năm), khối tự doanh CTCK vẫn tiếp tục bán ròng mạnh với 11.9 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 93.8 tỷ đồng.
Đây có lẽ là tuần bán ròng đúng đắn nhất của của khối tự doanh trong thời gian gần đây, khi thị trường đã bắt đầu điều chỉnh mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần.
Giao dịch đáng chú ý nhất trong tuần qua là phiên giao dịch ngày 17/01. Mặc dù khối tự doanh bán ròng với mặt khối lượng với 1.98 triệu đơn vị, nhưng lại mua ròng về mặt giá trị 20.2 tỷ đồng. Rất có thể khối tự doanh đã trở lại mua ròng các cổ phiếu lớn khi trung bình giá mua đạt 45,800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch này.
Cổ phiếu đáng chú ý: Áp lực điều chỉnh trong tuần qua đã khiến số ngành tăng điểm chỉ còn lại 13/24 ngành tăng điểm. Trong đó, Bất động sản bất ngờ tăng điểm mạnh nhất với 3.88%; tiếp theo là Chứng chỉ quỹ tăng 3.41% và DV chuyên môn -KHCN tăng 2.91%.
Các nhóm ngành nóng như Khai khoáng và Xây dựng vẫn giữ được đà tăng nhẹ khi tăng lần lượt 1.55% và 0.95%; trong khi Chứng khoán và Ngân hàng đã quay đầu giảm 0.11% và 0.45%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là CLG tăng 30.91%, SBA với 28.26% và NTB với 28.13%, TNT với 24%, KDH với 23.26%; trên HNX: STL tăng 48.78%.
CLG tăng 30.91%. CLG tăng mạnh trong tuần qua có thể đến từ thông tin tích cực về nguồn vốn hoạt động của công ty. Theo đó, ĐHCĐ đã nhất trí thông qua việc cho phép CLG vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn số tiền 450 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động vào tổng thầu thi công xây lắp dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – Giai đoạn 2.
Điều này có thể giúp CLG đảm bảo nguồn vốn hoạt động trong năm 2013 cũng như đảm bảo doanh thu, lợi nhuận có được từ gói thầu dự án trên. Giá trị gói thầu dự án do CLG thực hiện là hơn 667 tỷ đồng.
SBA tăng 28.26%. SBA tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc đón đầu kết quả kinh doanh quý 4/2012 sẽ cải thiện đáng kể so với quý 3. Theo dự kiến của SBA, công ty sẽ đạt được doanh thu 105 tỷ đồng vào quý 4/2012, trong khi quý 3 doanh thu công ty chỉ đạt 9.1 tỷ đồng.
NTB tăng 28.13%. NTB tăng mạnh có thể do: (i) tâm lý giới đầu tư hưng phấn khi cổ đông lớn CTCK Phương Nam đã gia tăng tỷ lệ nắm giữ lên 19%, và (ii) dòng tiền đầu cơ nhắm vào các cổ phiếu bất động sản trong tuần qua.
TNT và KDH không có thêm thông tin mới về tinh hình hoạt động trong tuần qua. Việc tăng trưởng mạnh của các cổ phiếu này có thể xuất phát từ dòng tiền đầu cơ nhắm vào các cổ phiếu bất động sản. Đáng chú ý là nhiều khả năng áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng ở KDH trong thời gian tới, khi 4.2 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức sẽ về tới tài khoản vào ngày 01/02/2013.
STL tăng 48.78% trong tuần qua khi có thông tin BDIV sẽ “giải cứu” bằng cách rót 300 tỷ đồng vào dự án Usilk City.
Cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý trên HOSE là DHM giảm 9.2% và PTK giảm 10%.
PTK và DHM không có thêm thông tin mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Việc giảm mạnh của các cổ phiếu này có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời tiếp tục diễn ra.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|