Vốn rẻ, ai mua?
TTCK đang khó khăn, nền kinh tế còn nhiều bất ổn, việc tìm kiếm các NĐT lớn mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN gần như bất khả thi.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), VNPT, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Vinaconex, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí... gần đây liên tục đưa ra các thông báo thoái vốn tại các công ty liên kết, công ty thành viên. Trên sàn, nhiều nhà đầu tư tổ chức, trong đó có các quỹ đầu tư như VinaCapital, Tầm Nhìn, Red River Holding...…cũng muốn bán bớt các tài sản họ đang sở hữu. SCIC đang trong giai đoạn tập trung bán vốn tại các công ty không thuộc danh mục cần nắm giữ cổ phần. Cung nhiều như vậy, câu hỏi đặt ra là tìm đâu sức cầu thời điểm này?
Những “mạnh thường quân” lộ diện sau các đợt thoái vốn được chia làm 3 nhóm. Thứ nhất, những DN được coi là còn tiền, đồng thời là đối tác của những cổ đông tổ chức trong DN bị thoái vốn. Họ có thể chấp nhận lỗ ở thương vụ này nhưng đổi lại lợi ích ở thương vụ khác mà các mối quan hệ đem lại. Đơn cử như CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ (Artexport) mua 2.970.000 cổ phiếu Công ty Bảo hiểm SHB-Vinacomin từ Vinacomin, OceanGroup mua lại toàn bộ phần vốn góp của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX) tại CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí...…Thứ hai, đó là những nhà đầu tư có thực lực tài chính và đang săn tìm các cơ hội đầu tư hấp dẫn, giá rẻ. Ngoài ra, có một lượng đáng kể là người lao động và lãnh đạo của chính các DN thuộc diện bán cổ phần. Điểm lại các trường hợp mua bán vốn trong năm 2012, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài rất khiêm tốn.
Trong khi đó, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành gần đây cho thấy, mục tiêu hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty vào năm 2015 đang được tập trung thực hiện, bỏ qua nhiều đề xuất của các tập đoàn, tổng công ty kêu khó thoái vốn vì thị trường đang khó khăn. EVN PVN, TKV, VNPT… đều phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có nhiều khoản vốn góp vào các ngân hàng, DN bất động sản, công ty bảo hiểm, CTCK…
Trước rất nhiều ý kiến cho rằng, hiện TTCK đang khó khăn, nền kinh tế trong nước cũng như thế giới còn nhiều bất ổn, việc tìm kiếm các nhà đầu tư lớn quan tâm và mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty gần như bất khả thi, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc này không nên chần chừ, nên dứt điểm 2015 là hạn cuối cùng cho việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN. Trong trường hợp quá khó xử lý, có thể gói tất cả khoản đầu tư này chuyển sang SCIC để xử lý thoái vốn dần dần. Việc làm này sẽ nhanh chóng giải thoát cho các tập đoàn, tổng công ty gánh nặng đầu tư ngoài ngành để họ tập trung toàn bộ năng lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, đến từ ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, không thể đạt được cả 2 mục tiêu bảo toàn vốn và hiệu quả hoạt động của DN. Bởi vậy, rất cần một thái độ dứt khoát về thời gian hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty vào năm 2015, dù có phải thiệt hại nhất định về kinh tế.
Để thu hút nhiều vốn tư nhân hoặc vốn nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực mà kinh tế nhà nước không cần góp mặt, những cơ chế linh hoạt như cho phép bán cổ phần thuộc sở hữu nhà nước dưới mệnh giá, cho phép bán thỏa thuận mà không cần phải tổ chức đấu giá trước đó, hay tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài… rất cần được xem xét triển khai sớm.
đầu tư chứng khoán
|