Vietstock Weekly 03 - 07/12: ”Cục nợ” cuối năm từ cổ phiếu Ngân hàng?
Tâm điểm của tuần giao dịch tới là những thảo luận xung quanh khả năng điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay (và huy động?). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng tích cực của thông tin này sẽ không quá lớn.
Chứng khoán Tuần 26 - 30/11: Khối ngoại vẫn còn “thích” chứng khoán Việt Nam?
Tự doanh CTCK cũng có dấu hiệu “oải”
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 03 – 07.12.2012
Giao dịch tích cực của khối ngoại đã phần nào xoa dịu tâm lý bi quan của giới đầu tư trong tuần qua. Điều này được thể hiện qua: (i) sự hồi phục của thanh khoản, dù vẫn còn khá yếu trong các phiên cuối tuần, (ii) các chỉ số cũng phần nào hưởng lợi từ giao dịch tích cực này của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, trong tuần giao dịch tới, thị trường vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn khi tâm lý bi quan chưa thể bị triệt tiêu trong khi khoảng trống thông tin rộng lớn tiếp tục đeo bám.
Tâm điểm của tuần giao dịch tới là những thảo luận xung quanh khả năng điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay (và huy động?) trong quý 4/2012. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng tích cực của thông tin này sẽ không quá lớn khi: (i) Điều này đã được thảo luận trong thời gian gần đây nhưng thị trường khá “trơ”. (ii) Trong bối cảnh hiện tại, việc giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ không có tác động mạnh mẽ lên hoạt động doanh nghiệp. (iii) Nhiều ngân hàng có thể sẽ rất dè dặt giải ngân tín dụng trong vài quý tới.
Tác động từ việc giảm lãi suất đến doanh nghiệp có thể nhìn nhận từ hai khía cạnh:
(1) Giảm bớt áp lực chi phí và dòng tiền trả lãi vay. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt được áp lực từ khoản chi phí tài chính, giảm bớt áp lực lên hoạt động doanh nghiệp.
(2) Kích thích hoạt động đầu tư mở rộng? Về mặt lý thuyết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ kích thích doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng tồn kho ứ đọng, thị trường khó khăn như hiện tại thì việc giảm lãi suất cho vay cũng khó có thể khiến các doanh nghiệp đầu tư mở rộng.
Những doanh nghiệp muốn vay trong thời điểm hiện tại có chăng cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản đang bất ổn của mình. Liệu rằng với những đối tượng muốn vay này thì các ngân hàng có sẵn lòng cho vay?
Việc giảm lãi suất kỳ vọng giúp ngành ngân hàng gia tăng được dư nợ tín dụng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên kỳ vọng này là khá mong manh.
Như chúng tôi đề cập trong tuần qua, NHNN vừa ban hành văn bản số 7789/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro nợ xấu, và sẵn sàng cho việc điều chỉnh giảm lợi nhuận trong năm 2012.
Thực tế, trong tuần qua, hàng loạt các ngân hàng lớn đã có động thái xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2012. Như vậy, nhiều khả năng kết quả kinh doanh thụt lùi của nhóm Ngân hàng sẽ ảnh hưởng không những trực tiếp đến giá cổ phiếu của nhóm này, mà còn có thể ảnh hưởng đến TTCK khi Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vẫn đang trong trạng thái nguy hiểm. Những cây nến đỏ chiếm số lượng áp đảo là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong tuần này. Nó cho thấy tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn chưa được cải thiện.
Lực cầu bắt đáy cũng như thanh khoản đang có dấu hiệu yếu đi thấy rõ. Khối lượng khớp lệnh duy trì khá sâu bên dưới trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 21 triệu đơn vị/phiên). Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì sẽ khiến cho bên bán dần mất kiên nhẫn.
Giá vẫn chưa thể vượt qua được middle của Bollinger Bands. Trong bối cảnh dải này chuẩn bị bung nén thì khả năng suy giảm đang tăng lên rõ rệt khi mà ngoài middle, giá còn chịu sức ép từ vùng kháng cự 380 – 390 điểm.
Vì tình hình có thể vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng tôi bảo lưu quan điểm cho rằng nhà đầu tư chỉ nên giữ cổ phiếu ở một tỷ lệ an toàn (dưới 30% danh mục).
HNX-Index – Đáy cũ ngắn hạn đang trụ vững. Ngưỡng 50.5 điểm đang là tâm điểm kỹ thuật của HNX-Index trong những phiên gần đây. Sự vững chắc của ngưỡng này nhiều khả năng sẽ giúp giá phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng thường trực xoay quanh hai dấu hiệu chính:
Thứ nhất, thanh khoản vẫn khá yếu và ở mức thấp so với những tuần trước.
Thứ hai, RMO Trade Mode đã cho tín hiệu bán trở lại. Điều này khiến cho giới phân tích lo lắng về khả năng sẽ có một đợt thoái lùi mới xuất hiện trên HNX-Index như những lần báo hiệu trước đây.
Thị trường có thể sẽ còn tiếp tục tích lũy nên việc mua vào mạnh là không cần thiết. Nếu ngưỡng 50.5 điểm bị thủng thì sụt giảm về lại mục tiêu theo mô hình sóng Elliott xuống đến vùng 44 – 47 điểm vẫn là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất tại thời điểm hiện nay.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/11/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.94, tức số mã tăng giá bằng 0.94 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.4, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.4 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá.
EMA 5 ngày của VS-Arms HOSE tăng mạnh lên mức 1.45. Đây là mức cao và cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế. Đây là tín hiệu đáng lo vì nó cho thấy khả năng điều chỉnh vẫn còn.
VS-A/D HNX trong phiên cuối tuần đạt 0.96 lần và VS-U/D HNX bằng 0.77 lần. EMA 5 ngày của VS-Arms HNX cũng giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với giá trị 1.54. Nó cho thấy bên bán chiếm ưu thế rất lớn trên sàn HNX.
VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 30/11/2012 đạt giá trị 1.233 chứng tỏ bên bán chiếm ưu thế trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 1.232 và cho thấy bên bán chiếm ưu thế trong 5 phiên gần đây.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|