Vào nôi đãi vàng ròng
Khai thác vàng trái phép, nhưng khi nhìn thấy quan chức địa phương đi kiểm tra, các đối tượng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí họ còn cười đùa với nhau như thân quen. Phải chăng họ đang có quyền lợi từ việc khai thác vàng trái phép này?
Nhiều người đào đãi vàng đông vui như lễ hội xuống đồng.
|
Công khai đào đãi vàng trái phép
Không đóng giả làm người đi mua vàng, chúng tôi tìm tới trụ sở UBND xã Pi Toong để nhờ người dẫn vào nơi được coi là “thánh địa” vàng. Ông Quàng Văn Tâm, chủ tịch xã và ông Nguyễn Văn Sáng, bí thư xã tiếp chuyện chúng tôi, nói: “Bảy bản gồm: bản Lứa, Hua Nà, Nà Cài, Chộc, Ten, Phiêng, Can chạy dọc suối Toong đều có vàng, vàng đã được phát hiện ra ở đây từ vài chục năm. Trước đây, “thánh địa” này do người Hoa sang khai thác đầu tiên, hiện có cả miếu thờ người Hoa tại một số bản Lứa, Hua Nà”.
Mặc dù vậy, ông Sáng khẳng định: Pi Toong không có tên trong bản đồ khoáng sản Việt Nam là địa phương có vàng. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, Pi Toong là một trong những địa điểm có trữ lượng vàng sa khoáng cần được bảo vệ. Ông Sáng nói: “Người dân đi đào đãi vàng như đi mót thóc, chứ không khai thác theo kiểu công trường, quy mô lớn. Chúng tôi đã tổ chức xua đuổi người khai thác vàng như đuổi gà, đuổi vịt”.
Thế nhưng, trả lời chúng tôi về việc tại sao có máy xúc, máy đào đãi vàng chuyên nghiệp đang hoạt động tại Pi Toong, ông Tâm cho rằng, do người dân thuê máy xúc về múc đất ruộng, đất vườn của nhà mình để đào, đãi vàng trái phép. Ông Tâm khẳng định: “Không có chuyện người bên ngoài vào khai thác vàng tại Pi Toong!” Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đưa ra dẫn chứng, ông Tâm phân trần: “Có năm đến sáu người ở Thái Nguyên vào tổ chức khai thác vàng, chính quyền xã đuổi và chúng tôi đã thông báo cho người dân nếu thấy người lạ vào khai thác vàng thì báo cáo cho xã và phía công an xã sẽ không cấp giấy tạm trú cho đối tượng khai thác vàng trái phép”.
Ông Tâm đã đưa cho chúng tôi xem một tập tài liệu nào là nghị quyết Đảng bộ xã, văn bản chỉ đạo, thông báo của UBND tỉnh, các sở, huyện... liên quan tới vấn đề khai thác vàng sa khoáng ở Pi Toong, nhưng hình như các thông báo, văn bản chỉ đạo đó lại không có “ép phê” gì, bởi lẽ, người dân vẫn tổ chức khai thác, đào đãi vàng công khai.
Đi cùng với chúng tôi thị sát bãi đào đãi vàng có ông bí thư Sáng, ông Hoà, phó công an xã Pi Toong dẫn đường. Trên đường vào “thánh địa” khai thác vàng, tôi có hỏi ông Hoà: “ở đây người dân đã khai thác được vàng cục bao giờ chưa?” “Có! Vừa rồi người ta khai thác được cục vàng nặng 1,7kg, có nhiều miếng vàng to như tấm phên, hoặc bó chặt vào phiến đá nếu khò ra cũng được cả ký vàng, đấy là chưa kể vàng cục như nắm đấm, hạt bắp...”, ông Hoà nói.
Đồng nghiệp đi cùng tôi đã tranh thủ chụp vài bức ảnh ghi nhận dòng kênh có nước đục ngầu chạy vắt qua bản Lứa, xung quanh đấy là các ao, ruộng đồng của bà con đều bị đục ngầu. Ông Hoà nói: “Lên kia mà chụp, nước trên kia còn đục nhiều hơn”. Đánh vật với con đường nhỏ hẹp, lầy lội, thỉnh thoảng phải vượt qua kênh dẫn nước tưới vào các cánh đồng cấy lúa của người dân, tại nhiều đoạn đường, chúng tôi phải nhảy ra khỏi xe và cuốc bộ. Đến “thánh địa” khai thác vàng ở bản Lứa, chúng tôi bắt gặp một tốp người đang khai thác vàng, trong khi đó, một vài người vẫn hì hục lắp các “vòi rồng” cho chiếc máy bơm để chuẩn bị cho công việc đãi vàng.
Chúng tôi hỏi một người khai thác vàng: “Hàm lượng vàng ở đây khoảng bao nhiêu, anh biết không?” Không để cho anh kia trả lời, ông Sáng nhanh nhảu nói: “Hàm lượng khoảng 93 – 94%, giá thị trường vàng khoảng 43, thì vàng ở đây bán được 38 – 39. Nhưng theo nhiều người dân ở đây cho biết vàng cục, vàng to cỡ hạt bắp, họ vẫn bán “ngang” với vàng bốn số chín”.
Chính quyền xã làm ngơ
Cách đó khoảng 100m, ngược về núi Mốc, bản Lứa và Hua Nà, có rất nhiều người đào đãi vàng và cảnh tượng ở đây đông vui như lễ hội xuống đồng của người dân tộc Thái (hai bản này có 100% người dân là người dân tộc Thái – PV). Điều đáng chú ý là, mặc dù thấy ông bí thư xã, ông phó công an xã, nhưng người dân khai thác vàng trái phép ở đây lại không tỏ vẻ sợ sệt, thậm chí họ còn đùa vui, chuyện trò với ông bí thư xã rất thoải mái. “Có ai được ít vàng nào chưa, mang vàng cho tôi xem đi”, ông Sáng hỏi. Một người phụ nữ lấy trong vạt váy dắt ngang hông một lọ nhựa nhỏ đựng vàng, định đưa cho chúng tôi xem, nhưng không hiểu sao cô lại cất vào vạt váy, tiếp tục công việc đãi vàng của mình.
Cận cảnh khâu đãi vàng.
|
Tại bãi đào đãi vàng, chúng tôi thấy một số phụ nữ cõng con nhỏ sau lưng và một số trẻ nhỏ theo cha mẹ đi đãi vàng. “Em tên gì?”, tôi hỏi một em, nhưng em chỉ xoa đầu và không trả lời. “Hôm nay sao em không đi học?”, tôi hỏi tiếp nhưng em nói: “Không, không nói đâu”. Cách đó vài mét, một cái hố rộng khoảng bảy đến tám mét, sâu khoảng 15m, có bốn người phụ nữ và ba người đàn ông to khoẻ đang điều khiển chiếc “vòi rồng” phun thẳng vào thành hố để khai thác vàng. Bên cạnh hố sâu là phần đất đá được đào lên và chất cao bằng “ngọn đồi”, hàng chục người mang thùng, xô, thúng... đến lấy và mang đi ra ngoài dòng kênh để đãi vàng. Không đầy hai mươi phút sau, “ngọn đồi” cứ nhỏ dần đi, đất thì trôi theo dòng nước, còn đá thì được người đãi vàng vứt ra cạnh con kênh thành nhiều đống lớn.
Chúng tôi tò mò muốn đi tiếp vào trong, nhưng ông Sáng nói: “Chỉ khai thác ở đây thôi, bên trong không còn”. Tuy nhiên, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi bắt gặp một bà cụ đi từ trong ra và hỏi thì được biết bên trong mới là “thánh địa” của việc đào đãi vàng chuyên nghiệp. Chúng tôi đề nghị được tiếp cận và ông Sáng đành đồng ý đi tiếp. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp các phiến đá xếp thành đường đi đã được bào mòn nhẵn bóng, hai bên đường là các hố sâu, có hố sâu cả vài chục mét, bên dưới là chiếc máy bơm đã được tháo “vòi rồng” và được phủ lên bằng một tấm chiếu rách. Chúng tôi hoài nghi và đặt câu hỏi: “Người dân cho biết trong bãi đào đãi vàng có người nhà của chủ tịch xã và bí thư xã khai thác vàng?” Ông Sáng thừa nhận: người em của ông Tâm, chủ tịch xã cũng tham gia khai thác vàng trái phép. Như vậy, chuyện đã rõ! Mọi đợt kiểm tra của cơ quan chức năng đều bị rò rỉ thông tin từ đây.
Người ta ước tính, mỗi ngày trên bãi đào đãi vàng có tới trên chục điểm khai thác vàng tập trung, từ khai thác thô sơ đến chuyên nghiệp, từ tự phát đến có tổ chức. Theo nhiều người dân địa phương, bản Lứa, Hua Nà... còn nhiều quả đồi, thung lũng chưa có dấu hiệu của sự khai thác vàng, tất cả đều hoang sơ và nơi đây đều có vàng.
Về trữ lượng thì họ không biết có nhiều hay ít, nhưng họ cho biết đã có một vài cá nhân đã bỏ tiền ra mua để khai thác vàng. Trong khi đó, theo quan điểm của các vị lãnh đạo xã Pi Toong, nếu bố trí người canh giữ thì sẽ hạn chế được tình trạng khai thác vàng trái phép, nhưng khi đụng vào “lệ làng” thì sẽ có va chạm với người dân. Do đó, nhiều năm trở lại đây, cấp trên cứ ra thông báo, văn bản chỉ đạo cấm khai thác vàng trái phép, còn xã Pi Toong vẫn cứ làm ngơ cho người dân khai thác vàng trái phép, bỏ mặc chuyện tài nguyên khoáng sản của quốc gia bị “chảy máu” và môi trường ở địa phương bị huỷ hoại, tác động xấu tới cuộc sống canh tác của người dân.
Lê Doãn Xuân
Sài Gòn Tiếp thị
|