Thứ Tư, 12/12/2012 16:08

TS Lê Đăng Doanh: Đừng lấy tiền ngân sách cứu doanh nghiệp sân sau

Đó là lo ngại của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trước việc bộ Xây dựng đề xuất chủ trương mua lại nhà chung cư làm nhà ở công vụ và nhà tái định cư, một động thái hy vọng tháo gỡ bớt khó khăn cho thị trường bất động sản.

Có tránh được tình trạng lại dùng nguồn vốn nhà nước để cứu một số doanh nghiệp thân quen, doanh nghiệp sân sau?

Ông Doanh nói: trong tình hình khó khăn này, ở một nền kinh tế thị trường, người ta trông đợi vào vai trò can thiệp của Nhà nước để khắc phục các khuyết tật yếu kém của kinh tế thị trường, mà ở đấy là yếu kém của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên tôi thấy đề xuất này rất khó khả thi bởi mấy lẽ: Đầu tiên là thu ngân sách hiện đã suy giảm rõ rệt, nguồn thu dầu thô không còn lớn; thu từ doanh nghiệp sụt giảm, nguồn thu “bán” đất cũng tương tự, các thành phố trước nay chủ yếu “bán” đất như Đà Nẵng đã khó khăn thấy rõ. “Trong tình hình đó thì không biết bộ Xây dựng có thảo luận với bộ Tài chính chưa, chứ theo tôi biết nhiều bộ khác đang rất mong được bộ Tài chính giải ngân cho một số khoản nhưng cũng chưa được, vậy giờ có thêm một khoản này đâu có dễ thu xếp”, ông Doanh băn khoăn.

Chuyên gia này đặt câu hỏi: việc này sẽ dựa trên tiêu chí nào, có công khai minh bạch hay không, có tránh được tình trạng lại dùng nguồn vốn nhà nước để cứu một số doanh nghiệp thân quen, doanh nghiệp sân sau? Theo ông, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn như hiện nay thì người ta càng có lý do để e ngại điều này.

Chuyên gia này cũng đặt giả thiết: giả như có chuyện mua bán này thì vấn đề đặt ra là ai bù lỗ, và Nhà nước sẽ bán lại cho ai, cho ai thuê hay mua xong thì Nhà nước cũng để trống? Người dân được đền bù tái định cư liệu có đủ tiền để mua nhà với giá cao như giá nhà thương mại? Cho dù mua để cho thuê đi nữa thì giá thuê chắc cũng sẽ đội lên cao. “Còn nếu dùng để làm nhà công vụ thì ngân sách phải bỏ ra mà hoàn toàn không thu lại được đồng nào. Trong trường hợp này thì liệu bộ Tài chính có sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để có nguồn tiền mua lại”, ông Doanh nói.

Từ những phân tích trên, ông Lê Đăng Doanh kiến nghị: Phương án này tốt nhất nên đưa ra công khai thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản như tổng hội Xây dựng Việt Nam. Điều này, theo ông là “rất quan trọng, để tránh việc một chính sách ban ra quá vội vã, không khả thi hoặc giả có thực thi thì không đem lại hiệu quả”.

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình đặt câu hỏi: bộ Xây dựng nói mua lại mà vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp có lãi 10 – 15% là so với giá nào? “Nếu là giá sàn trên cơ sở tính gồm giá đất cộng giá xây dựng rồi cho nhà đầu tư lãi 10 – 15% thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu lãi 10 – 15% mà so với giá đầu cơ thì không thể chấp nhận vì khi đó họ đã có thực lãi rồi thì sao phải tiếp tục bù thêm, khi đó chẳng khác nào để nhà đầu tư được hưởng hai lần lãi”, ông Kiêm bức xúc. Ông cho rằng điều đó đồng thời đi ngược lại nỗ lực mà ta đang phấn đấu thực hiện là đưa giá bất động sản về đúng giá trị thực của nó.

Ông Kiêm cũng băn khoăn về nguồn tiền để thực hiện đề xuất này, làm sao có đủ nguồn để giải cứu hết được, rồi thì có lấy tiền từ ngân sách không, nếu lấy ngân sách thì trong điều kiện ngân sách eo hẹp này lấy đâu ra! “Đó là chưa kể, phần lớn bất động sản đóng băng hiện là phân khu trung, cao cấp, chứ nhà giá rẻ thì rất ít đóng băng. Rồi phần nhiều nằm ở những vị trí đắc địa, địa chỉ vàng, đi đôi với hạ tầng, dịch vụ cao cấp thì giá (dịch vụ) cũng cao, vậy thử hỏi người dân tái định cư – thường là người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, sao họ có thể mua được nhà loại này mà vào đó sống, hưởng thụ”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm thì giải pháp nói trên mà bộ Xây dựng dự định trình Chính phủ không thể giải quyết được cơ bản vấn đề cứu thị trường bất động sản đóng băng. “Như thế chỉ là giải quyết một phần rất nhỏ của phần ngọn. Thay vào đó, cần phải làm hai việc: đưa giá bất động sản về giá trần của nó, tức sát với giá thực của nó; thứ hai là ngay khi đưa về giá trị thực thì giải quyết nguồn tiền cho người mua nhà. Thế thì ngoài phần dân tiết kiệm được, Nhà nước cũng cần cho vay, và vay với lãi suất phù hợp chứ như lãi suất thoả thuận hiện nay thì không ai dám vay để mua nhà cả”, ông chốt lại.

Trung Đức

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư ngoại rút khỏi khách sạn: Thoái vốn hay tháo chạy? (12/12/2012)

>   Thị trường mặt bằng bán lẻ: Bức tranh đa sắc (12/12/2012)

>   Đề xuất lập công ty tái cho vay thế chấp nhà (12/12/2012)

>   Tín dụng bất động sản năm tới có gì mới? (12/12/2012)

>   Bất động sản Nha Trang: Thanh khoản chỉ đạt 5% (11/12/2012)

>   Đề xuất "sốc", nhà nước bù lãi suất mua nhà cho dân (11/12/2012)

>   Nghịch lý tiêu tiền của ngành xây dựng (11/12/2012)

>   Doanh nghiệp bất động sản: Doanh thu lớn, hiệu quả thấp (11/12/2012)

>   KBC: Khách sạn 1 tỷ USD thành bãi phế thải (11/12/2012)

>   Một mét vuông đất bằng một quả... trứng gà (11/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật