Thứ Sáu, 14/12/2012 08:19

Tổng cục Quản lý đất đai: “Vẫn chưa phải thời điểm thích hợp mua nhà”

Mặc dù đã giảm mạnh song so với khả năng của những người thực sự có nhu cầu thì giá bất động sản hiện nay vẫn còn cao.

Đó là quan điểm của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính khi nói về diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay cũng như cơ hội tiếp cận nhà ở trong bối cảnh giá bán được cho là đang giảm mạnh.

Ông Đào Trung Chính: "Tôi cho rằng, mặc dù giá đã giảm nhưng so với sức mua của những người thực sự có nhu cầu thì giá nhà đất hiện vẫn còn cao".

Trao đổi với VnEconomy, ông Chính nói:

-Thị trường bất động sản được cho là đã trầm lắng và lâm cảnh khó khăn gần hai năm nay. Thanh khoản trên thị trường gần như đóng băng từ đầu năm 2012, nhiều dự án gần như không bán được căn nào.

Chính vì vậy, việc tháo gỡ cho thị trường vào thời điểm này là rất cần thiết, vì vốn đọng lại trong bất động sản là khá lớn. Theo tôi được biết, cuối tuần này, Bộ Tài chính sẽ có một cuộc gặp với các doanh nghiệp bất động sản Tp.HCM để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

Theo tôi, các giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra hiện nay cần tập trung vào việc giảm thuế, giãn nộp tiền sử dụng đất, các thủ tục về cấp giấy tờ nhà đất… để cho các chủ đầu tư có thể bán được nhanh hàng.

Ngoài những nguyên nhân đã được cơ quan quản lý tổng kết, theo ông thị trường bất động sản lâm cảnh khó khăn như thế này còn có nguyên nhân nào khác?

Thực tế thì nguyên nhân khiến thị trường đóng băng cũng đã được mổ xẻ nhiều trong thời gian qua, đó là do suy giảm kinh tế, khiến sức mua nhà giảm, hàng tồn kho tăng lên; cũng có nguyên nhân do quy hoạch nguồn cung không sát thực tế, đổ xô làm sản phẩm cao cấp, thiếu sản phẩm vừa túi tiền của khách hàng và thậm chí cũng có phần do quy hoạch một cách tràn lan, cấp phép dự án bất động sản có phần dễ dãi.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng có nguyên nhân quan trọng khiến thị trường đóng băng như hiện nay là do giá bất động sản đã và đang quá cao, vượt quá sức chịu đựng của người dân.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý đang phải giải một lúc hai bài toán: vừa phải “cứu” doanh nghiệp bất động sản khỏi phá sản, tức không để giá bất động sản sụt giảm thêm nữa, song vừa phải giải quyết nhu cầu về nhà ở cho hàng triệu người dân đang khó khăn về nhà ở. Về lý thuyết, hai mục tiêu này luôn mâu thuẫn nhau. Theo ông, cần ưu tiên giải bài toán nào trước?

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần phải giải quyết một cách hài hòa, cân đối. Thực tế thì tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay có phần do các chủ đầu tư trong thời gian qua đã có chính sách đầu tư không phù hợp.

Do đó, bài toán quan trọng hơn là phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nhưng có thể thông qua các tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ,để làm sao vừa bán được hàng, vừa phải tính đến câu chuyện dài hơi hơn như cho thuê mua, mua trả chậm nhà ở… nghĩa là tìm mọi cách để chủ đầu tư phải giảm giá nhà xuống nữa.

Nhưng hầu hết các chủ đầu tư cho rằng, giá bất động sản hiện nay đã giảm quá nhiều và không thể giảm thêm nữa?

Tôi cho rằng, mặc dù giá đã giảm nhưng so với sức mua của những người thực sự có nhu cầu thì giá nhà đất hiện vẫn còn cao. Thực tế, thì hiện nay chỉ có những bất động sản có giá trị lớn giảm giá mạnh, còn những bất động sản, phân khúc có giá phù hợp thì không giảm nhiều đâu.

Theo ông giá bất động sản hiện nay giảm thêm bao nhiêu % nữa thì hợp lý?

Nếu chúng ta có thể quản lý được nguồn thu nhập của người dân thì mới có thể kết luận là giá bất động sản cần phải giảm bao nhiêu % nữa. Còn hiện nay, thu nhập của người dân có rất nhiều nguồn và không kiểm soát được nên không thể nói rằng, giá phải giảm thêm bao nhiêu nữa là vừa.

Ông có cho rằng, hàng loạt kiến nghị để cứu thị trường bất động sản của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đưa ra là khả thi?

Tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất và mang tính cấp bách hiện nay là phải giúp doanh nghiệp bán được hàng, vì tồn kho bất động sản đang rất lớn. Còn giảm lãi suất thì cần phải có một thời gian mới có tác dụng với thị trường.

Mọi đề xuất cần phải tính toán kỹ, có thể là hợp lý song nó phải tùy trong bối cảnh nào. Việc xem xét cho doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất vào lúc này có khi còn hiệu quả hơn là giải pháp bỏ ngân sách ra để mua nhà, giải cứu doanh nghiệp bất động sản như VAFI đề xuất.

Theo ông, thị trường và “sức khỏe” của doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới sẽ theo chiều hướng nào?

Tôi cho là vẫn sẽ khó khăn vì người mua hiện vẫn không có tiền, còn nhà đầu tư thì gần như biến mất vì họ không tìm thấy cơ hội ở bất động sản trong thời điểm này. Hầu hết giới đầu tư đều cho rằng, mua vào thời điểm này không có lợi.

Còn về “sức khỏe” của doanh nghiệp bất động sản, quả thật là hiện nay có nhiều doanh nghiệp khó khăn, nhưng cũng chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản.

Vậy theo ông, người dân đã nên bỏ tiền mua nhà vào thời điểm này hay chưa?

Tôi cho là vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để mua nhà, vì giá có thể sẽ giảm thêm chút ít nữa.

Bảo Anh

tbktvn

Các tin tức khác

>   2 kịch bản sinh tử cho bất động sản (14/12/2012)

>   'Khẩn thiết giúp địa ốc giải phóng hàng tồn kho' (13/12/2012)

>   “Nhức đầu” đất hoang (13/12/2012)

>   Be bét Tháp Doanh nhân (13/12/2012)

>   Tài sản thế chấp, muốn bán tháo cũng không dễ (13/12/2012)

>   Bán bất động sản qua đấu giá, hiệu quả bất ngờ (13/12/2012)

>   Nhà đất cuối năm càng giảm giá càng ế (13/12/2012)

>   Thị trường bất động sản: sẽ mở ra một vùng đất mới đầy hứa hẹn (12/12/2012)

>   Mất 10 năm mới lấp đầy nguồn cung văn phòng Hà Nội (12/12/2012)

>   Sàn BĐS: 500 xuống... 30, đã đến đáy? (12/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật