Tiền gửi “cứu” doanh nghiệp bảo hiểm
Việc tập trung mạnh vào tiền gửi và rút bớt đầu tư CK đang “cứu” nhiều DN bảo hiểm trong bối cảnh thị trường tài chính suy giảm kéo dài, thậm chí còn đang cải thiện mảng đầu tư vẫn bị coi là yếu kém của các DN này.
Tỉ suất sinh lợi mảng đầu tư TCty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) trong 9 tháng đầu năm đã tăng vọt lên 8,5% từ mức 5% của năm 2011, theo tính toán của CTCK Maybank Kim Eng.
Nguyên nhân của sự cải thiện nói trên là nhờ việc PVI tăng mạnh tỉ trọng tiền gửi trong danh mục đầu tư của mình. Tỉ trọng tiền gửi trong danh mục của PVI đã đạt gần 60% trong 9 tháng đầu năm so với mức 48% hồi đầu năm nay, cũng theo tính toán của Maybank Kim Eng.
Trong khoảng thời gian này, PVI nhận thêm hai khoản tiền lớn cho hoạt động tài chính là 561 tỉ đồng thu được từ đợt phát hành thêm cổ phần cho Talanx và khoản ủy thác đầu tư 850 tỉ đồng của PVN. Hầu như toàn bộ số tiền tăng thêm này, cùng với một phần tiền từ việc giảm các khoản đầu tư vào Cty liên kết, CP và thậm chí là cả trái phiếu đều được đổ vào tiền gửi – tổng tiền gửi cả ngắn hạn, dài hạn tại NH và các TCTD đã đạt hơn 5.400 tỉ đồng so với 3.600 tỉ đồng hồi đầu năm, theo BCTC hợp nhất 3 quý của PVI.
Bản thân cơ cấu tiền gửi của PVI cũng thay đổi mạnh. Tiền gửi ngắn hạn có thời gian đáo hạn dưới 3 tháng tại các TCTD tăng “khủng” lên 3.220 tỉ đồng từ chỉ 400 tỉ đồng hồi đầu năm, trong khi các khoản tiền gửi thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm bị rút xuống hơn nửa còn 1.100 tỉ đồng từ 2.500 tỉ đồng. Tiền gửi NH tăng vọt lên 1.100 tỉ đồng từ mức vẻn vẹn chỉ 269 tỉ đồng hồi đầu năm nay.
Những thay đổi trong chính sách đầu tư này đã giúp doanh thu từ lãi tiền gửi và tiền cho vay của PVI tăng vọt thêm 60% lên 380 tỉ đồng, chiếm gần 2/3 trong tổng doanh thu từ hoạt động tài chính của Cty này (tỉ trọng này trong năm ngoái chỉ chiếm 1/2). Tổng cộng mảng hoạt động đầu tư của PVI đạt lãi 457 tỉ đồng.
“Mảng đầu tư của PVI đang được cải thiện” - bà Vũ Thị Thúy Hằng - chuyên viên phân tích CTCK Maybank Kim Eng - nhận xét. Bà Hằng ước tính, ngay cả nếu loại khoản lãi mà PVI phải trả cho PVN từ khoản ủy thác đầu tư 850 tỉ đồng, thì tỉ suất lợi nhuận đầu tư của PVI cũng vẫn đạt khoảng 7%, khá cao so với lợi suất 5% của năm ngoái.
Không cải thiện mạnh như PVI, nhưng Tập đoàn Bảo Việt cũng được các khoản tiền gửi “cứu” khỏi những khoản lỗ lớn trong cả hoạt động bảo hiểm lẫn hoạt động đầu tư tài chính.
Trước nay doanh thu từ lãi tiền gửi, đầu tư trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của Bảo Việt vốn đã chiếm tỉ trọng rất cao, lên tới 80 - 90% tổng doanh thu hoạt động tài chính. Tính đến cuối tháng 9.2012, danh mục đầu tư của Bảo Việt có đến 77% là trái phiếu Chính phủ và các khoản tiền gửi có kỳ hạn, trong đó tổng lượng tiền gửi đã tăng 36% lên khoảng 15.500 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Đặc biệt, việc tập đoàn giảm bớt các khoản đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu (gồm cả TPDN), CP niêm yết và các khoản đầu tư ngắn hạn khác đã giúp các khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh CK giảm gần 2/3 tương đương với gần 200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 120 tỉ đồng và chi phí dự phòng cũng giảm đáng kể. Tổng cộng, Bảo Việt tiết kiệm được hơn 300 tỉ đồng chi phí tài chính, khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng được 33% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.542 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012.
Một ví dụ khác là Cty bảo hiểm BIDV (BIC). Cty này ghi nhận lãi từ hoạt động tài chính tăng mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái lên 93,2 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng 24%. Kết quả này một phần lớn nhờ khoản tiền gửi NH của BIC tăng mạnh lên hơn 56 tỉ đồng từ mức chỉ 17 tỉ đồng hồi đầu năm.
Tỉ suất lợi nhuận đầu tư của PVI, Bảo Việt (BVH) và BIC được cải thiện trong bối cảnh thị trường tài chính suy giảm kéo dài, khiến các DN bảo hiểm buộc phải thận trọng hơn với hoạt động đầu tư của mình, đặc biệt là khi các khoản lỗ tài chính lớn đang dần bị bộc lộ.
Rất nhiều DN bảo hiểm lớn lần lượt “ăn quả đắng” vì thị trường tài chính suy giảm: Cty mẹ Bảo Việt chịu sụt giảm 76% lợi nhuận trước thuế sau khi phải trích lập hơn 200 tỉ đồng cho các khoản vốn góp và tiền gửi quá hạn tại Cty cho thuê tài chính ALC II, Cty tài chính Vinashin và trái phiếu Vinashin quá hạn; PVI chịu lỗ tại mảng đầu tư vào các Cty liên kết và phải lên kế hoạch thoái vốn tại CTCP thương mại và truyền thông Năng lượng mới, CTCP du lịch dầu khí Sapa; TCty Tái bảo hiểm quốc gia Vinare phải hạ mục tiêu lợi nhuận vì khoản trích lập dự phòng cho phần vốn góp tại NH Tiên Phong...
“Việc lựa chọn kênh tiền gửi và đầu tư TPCP là hướng đi đúng của các DN bảo hiểm trong bối cảnh thị trường tài chính biến động mạnh như mấy năm gần đây” - bà Hằng nhận xét. “Trước đó, mảng đầu tư của các Cty bảo hiểm luôn là mối lo lắng vì tỉ suất sinh lợi khá thấp.”
Tuy nhiên, bà Hằng vẫn nhận xét, hiệu quả hoạt động đầu tư của các Cty bảo hiểm vẫn kém xa so với hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm trên thế giới, lấy dẫn chứng Talanx (Đức) đạt lợi suất đầu tư 4,2% so với lãi suất gửi tiết kiệm ở đây chỉ rơi vào dưới 2%. Trong khi đó lợi suất đầu tư của các DN bảo hiểm Việt Nam chỉ ở mức 5% và hiện một vài DN đã cải thiện được tỉ lệ này lên 6 - 7% nhưng vẫn kém xa lãi suất tiền gửi hơn 9% hiện nay.
Theo báo cáo năm 2011 của Talanx, trái phiếu chiếm tỉ trọng trên 80% trong danh mục đầu tư, trong khi đầu tư vào CP và các Cty liên kết chỉ ở 1,8% và 5,1% tương ứng.
Quang Minh
lao động
|