Soi lãi lỗ 30 cổ phiếu “tiêu biểu” nhất trên sàn HOSE
Là những cổ phiếu tiêu biểu trên sàn HOSE khi tổng tài sản chiếm 55% toàn thị trường, vốn điều lệ khoảng 40% và mức độ ảnh hưởng đến VN-Index gần như tuyệt đối, 30 doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30 tuy không thua lỗ trong 9 tháng đầu năm nhưng kết quả kinh doanh cũng nhiều thăng trầm, tạo nên một bức tranh đa sắc về lợi nhuận.
Một số chỉ tiêu tài chính các DN trong VN30 so với toàn thị trường 9T/2012 (tỷ đồng)
‘Câu lạc bộ ngàn tỷ’
Có đến 11 công ty trong danh sách VN30 góp mặt vào ‘câu lạc bộ lãi ròng trên ngàn tỷ’.
Ngân hàng vẫn là nhóm đạt lợi nhuận cao nhất, trong đó Vietinbank (CTG) dẫn đầu bảng với lãi ròng hơn 4,800 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh của CTG đều mang lại lợi nhuận, trong đó thu nhập lãi thuần đứng “top” với gần 14,000 tỷ đồng. VCB cũng không kém cạnh khi thu về khoản lãi ròng hơn 3,000 tỷ đồng. So với các công ty thuộc VN30, tổng tài sản của nhóm ngân hàng chiếm 81% và lợi nhuận chiếm tỷ lệ 46%.
Top 10 công ty có lãi ròng 9T/2012 lớn nhất và nhỏ nhất trong VN30 (tỷ đồng)
Mặc dù đạt lợi nhuận khủng nhưng các ngân hàng đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nợ xấu, tín dụng tăng trưởng ì ạch, dự phòng nhiều… Chỉ riêng CTG và VCB, khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã lên đến gần 5,500 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2012 cũng là khoảng thời gian không yên bình của ngân hàng kể từ khi sự kiện bầu Kiên “nổ” ra, tiếp đó là làn sóng từ nhiệm của nhiều nhân vật “chóp bu”. STB cũng nằm trong “vùng phủ sóng” khi ông Đặng Văn Thành, người gắn bó gần 20 năm với ngân hàng đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch và rời khỏi HĐQT với những đồn đoán rằng ông có liên quan đến những khoản đầu tư “sân sau”.
Hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng 9 tháng đầu năm (tỷ đồng)
Trong khi đó, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) với chiến lược kinh doanh có trọng điểm, kịp thời rút chân khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, nên 9 tháng đầu năm công ty tiếp tục giữ vững vị trí ngôi sao sáng với lãi sau thuế gần 4,200 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 90% kế hoạch năm. Cổ phiếu của VNM vừa đã “lên như diều gặp gió” sau khi có thông tin chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1.
Một số chỉ tiêu tài chính của VNM trong 9 tháng đầu năm 2012 (tỷ đồng)
Góp mặt trong câu lạc bộ ngàn tỷ còn có nhiều gương mặt đến từ các lĩnh vực khác như dầu khí (PVD, DPM), bất động sản (VIC) với doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ, đồng thời đạt mức cao so với kế hoạch năm. Riêng FPT dù có doanh thu gần 28,500 tỷ đồng, mức doanh thu đứng thứ 2 toàn thị trường nhưng so với cùng kỳ thì bị giảm nhẹ 4%, lãi ròng cũng giảm 11%, ghi nhận 1,091 tỷ đồng. Với mức lãi ròng như trên, công ty mới thực hiện chưa đến 50% kế hoạch năm, dù cho kế hoạch này đã được điều chỉnh giảm từ 3,000 tỷ đồng xuống 2,547 tỷ đồng theo quyết định của HĐQT vào cuối tháng 8 vừa qua.
Vốn to lãi nhỏ
Rất nhiều cái tên bất động sản trong rổ VN30 trở thành động lực… kéo lùi thị trường như HAG, ITA, OGC, DIG, NTL… Dù chưa đến mức kinh doanh lỗ như các doanh nghiệp khác nhưng với lãi ròng vài tỷ đến vài chục tỷ đồng trong khi quy mô tài sản cũng như vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng đã khiến cổ đông và nhà đầu tư e ngại.
Top 10 công ty có lợi nhuận thấp nhất trong VN30 9T/2012
ITA có doanh thu thuần âm hơn 163 tỷ đồng do khách hàng trả lại đất sau khi đã ký họp đồng thuê. Kết quả là lợi nhuận 9 tháng của ITA chỉ vỏn vẹn 16.7 tỷ đồng, tương đương 23% cùng kỳ và 22% kế hoạch dù sở hữu lượng tài sản hơn 10,000 tỷ đồng và 4,451 tỷ đồng. Đã nhiều lần cổ đông “năn nỉ” được chia cổ tức bằng tiền nhưng HĐQT, trong đó bà Chủ tịch Đặng Hoàng Yến (nắm hơn 50% vốn) vẫn một mực từ chối.
HAG cũng gây thất vọng cho nhà đầu tư không kém khi lãi ròng 9 tháng chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ, thực hiện chưa đến 40% kế hoạch năm. Với các khoản nợ ngân hàng và trái phiếu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi các dự án mía đường, khai khoáng, thủy điện chưa có khả năng tạo doanh thu lớn, bất động sản lại gặp nhiều khó khăn, cổ phiếu lao dốc… khiến các tổ chức tín nhiệm quốc tế như S&P gần đây liên tục đưa ra những đánh giá không tốt về tập đoàn này làm ảnh hưởng đến uy tín trong mắt nhà đầu tư. Gần đây, HAG thông báo sẽ phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu để bán cho cổ đông hiện hữu và hoán đổi trái phiếu sắp đến hạn. Điều này càng làm cho giá cổ phiếu HAG trên thị trường pha loãng và mất đi giá trị vốn có.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng ì ạch với lợi nhuận thấp như NTL (18.9 tỷ đồng), DIG (42 tỷ đồng), OGC (145.5 tỷ đồng), (169.2 tỷ đồng). Nếu so với khối tài sản vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng thì đây vẫn là những con số sinh lời rất thấp.
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, nhiều “đại gia” khác trong khối VN30 cũng có kết quả hoạt động giảm sút đáng kể so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung, điển hình như HPG, VSH, SBT, BVH, PVF…
Những ngôi sao mới
Trong cái khó vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng. Đó là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Top công ty tăng giảm lợi nhuận mạnh 9T/2012 trong rổ VN30
Điển hình như CII, GMD, HSG, KDC… đã mạnh dạn cắt bỏ những khoản đầu tư ngoài ngành giúp lợi nhuận tăng vọt nhờ giảm bớt đáng kể các chi phí. GMD có lợi nhuận 9 tháng gấp 3 lần cùng kỳ nhờ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và giảm bớt các hoạt động ngoài ngành. Hay như CII lãi ròng gần 360 tỷ đồng, cũng tăng đến 175% cùng kỳ, nhờ chuyển hoạt động sang đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng thay vì đổ tiền xây dựng các cao ốc văn phòng như trước. Điều này giúp CII vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (320 tỷ đồng).
KDC cũng từ bỏ hoạt động đầu tư bất động sản, thoái vốn ở các công ty làm ăn kém hiệu quả để tập trung sản xuất kinh doanh bánh kẹo, đặc biệt là mùa Trung thu 2012 mang lại cho công ty 307 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 24% cùng kỳ.
Tương tự, việc HSG bán các dự án chung cư tại Quận 9 và thoái vốn khỏi dự án cảng biển giúp công ty có lợi nhuận trên 226 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.
Tự tin vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình, nên gần đây cả những ông chủ của KDC, HSG, CII đều tập trung mua vào hàng triệu cổ phiếu của chính công ty mình vì mức giá hiện tại được xem là khá hấp dẫn và vượt xa giá trị sổ sách.
Hy vọng điều này sẽ trở thành một làn sóng giúp cho thanh khoản thị trường được cải thiện, cũng như thị giá cổ phiếu trở về giá trị thực của nó.
Đan Thanh (Vietstock)
FFN
|