Thứ Sáu, 28/12/2012 14:13

Nước Anh nỗ lực trên con đường tìm lại chính mình

Đối với mỗi người dân Vương quốc Anh, năm 2012 đã để lại trong ký ức họ những khoảnh khắc thật khó quên, và cả những cung bậc cảm xúc thăng trầm. Còn đối với chính phủ liên minh do Thủ tướng David Cameron lãnh đạo, chắc hẳn đó là một năm chồng chất những khó khăn và thách thức.

Thong thả nhích dần đến thời khắc bước sang Năm mới 2013, chiếc đồng hồ lớn trên đỉnh tháp Big Ben bên dòng sông Thames vẫn như một chứng nhân lịch sử, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ ghi nhận... những nỗ lực của nước Anh trong quá trình tìm lại chính mình.

Người dân Anh đã trải qua những thời khắc đặc biệt trong năm 2012 mà điểm nhấn chính là Đại lễ Kim cương mừng 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II và Olympic London 2012.

Olympic London 2012 góp phần giúp nền kinh tế vốn ảm đạm của Anh đạt tốc độ tăng trưởng 0,9% trong quý Ba. Một tin vui đã đến với nước Anh trước thềm năm mới, Anh vừa giành lại vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới từ Brazil và dự kiến vào năm tới, Anh có thể vượt cả Pháp, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu hiện nay.

Tuy nhiên, tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh, khiến thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát... trở thành đề tài “nóng” trên trang nhất mỗi tờ nhật báo. Trong xu thế toàn cầu hóa, eo biển Manche chẳng thể giúp nước Anh thoát khỏi những hệ lụy của cuộc khủng hoảng nợ công Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Để tìm lời giải cho những bài toán khó, Chính phủ Anh quyết định áp dụng chính sách tài chính “thắt lưng buộc bụng,” cắt giảm mạnh chi tiêu công, khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn trong bối cảnh giá cả những mặt hàng thiết yếu tăng cao. Người lao động biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ, sinh viên tuần hành phản đối tăng học phí, lái xe taxi bãi công, các tổ chức công đoàn lên tiếng. Dư luận xã hội đã gia tăng sức ép toàn diện lên số 10 phố Downing.

Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Cameron đã phải chèo lái “con thuyền” liên minh giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do chật vật vượt qua thử thách. Những rạn nứt bắt đầu xuất hiện, không chỉ trong liên minh cầm quyền mà cả nội bộ đảng Bảo thủ của ông Cameron.

Mối quan hệ và trách nhiệm của Anh đối với Liên minh châu Âu (EU) bỗng trở thành nguyên nhân của những cuộc tranh cãi trên chính trường. Dường như, đó là dịp để các đảng phái tìm kiếm sự thỏa hiệp và nhượng bộ về lợi ích, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ yêu cầu ông Cameron phải cứng rắn hơn với EU, trong khi đảng Dân chủ Tự do tham gia liên minh cầm quyền lại yêu cầu ngược lại.

Gần đây nhất, ngày 27/12, Phó Thủ tướng Nick Clegg của đảng Dân chủ Tự do cảnh báo ông Cameron không nên tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh.

Theo ông Clegg, thay vì rút khỏi EU, Anh nên tìm kiếm vai trò lãnh đạo rộng hơn để cùng các nước thành viên khác đưa khu vực thoát khỏi khủng hoảng nợ công.

Về phần mình, ông Cameron một mặt kiên quyết phản đối việc tăng ngân sách cho EU, mặt khác gây sức ép để có được vai trò lớn hơn cho nước Anh, nhưng nỗ lực này cũng không thể giúp đảng Bảo thủ đuổi kịp Công đảng đối lập về tỷ lệ ủng hộ trong những lần thăm dò dư luận.

Để giảm thiểu sức ép từ nội bộ, đặc biệt là vấn đề thành viên EU, liên minh cầm quyền đã triển khai chính sách đối ngoại khá linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chiến lược an ninh – quốc phòng. Thực tế cho thấy Anh đang tăng cường lợi ích của mình ở Trung Đông thông qua việc tái bố trí lực lượng từ Afghanistan đến vùng Vịnh, can dự để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria, phản đối Israel mở rộng khu định cư Do Thái, ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, ký hợp đồng bán vũ khí cho các quốc gia khu vực.

Bên cạnh đó, Anh cũng mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á với lộ trình khá rõ ràng nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn khác, đồng thời mở ra thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp đến từ “đảo quốc sương mù.”

Bước sang năm 2013 – năm bản lề cho nỗ lực tiếp tục giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử 2015, ông Cameron cũng đã thay đổi thông điệp để thu hút cử tri. Sự trỗi dậy trở lại của một nước Anh cường thịnh trên bản đồ địa chiến lược toàn cầu được nhắc đến nhiều hơn tại các cuộc thảo luận ở London.

Phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ tháng 10/2012, ông Cameron còn khẳng định: “Anh vẫn là nước lớn nhất trên thế giới.” Tuy nhiên, tinh thần lạc quan của ông Cameron dường như không thể khỏa lấp hết những thách thức mà liên minh cầm quyền phải đối mặt trong năm 2013. Đó là chính sách tài chính khắc khổ để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, nỗ lực vực dậy nền kinh tế và cải thiện việc làm, mối quan hệ với châu Âu lục địa, giải pháp cho vấn đề Syria, chiến lược tái bố trí lực lượng ở phía Đông kênh đào Suez./.

Lê Phương

vietnam+

Các tin tức khác

>   Adidas đạt doanh số kỷ lục 14,5 tỷ euro trong 2012 (28/12/2012)

>   Kinh tế Ấn Độ trông chờ đại gia bán lẻ nước ngoài (28/12/2012)

>   Toyota bồi thường 1,1 tỉ USD vì xe lỗi (27/12/2012)

>   Công nghiệp điện tử Nhật bên bờ khủng hoảng (25/12/2012)

>   News Corp lỗ 2,1 tỷ USD vì mảng xuất bản (24/12/2012)

>   Pháp là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng Việt Nam (24/12/2012)

>   Singapore Airlines bị phạt 3,36 triệu USD vì "làm giá" (24/12/2012)

>   10 công ty cắt giảm nhân sự nhiều nhất năm 2012 (23/12/2012)

>   Brazil thông báo hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 (21/12/2012)

>   Canada có thể là nhà cung cấp LNG thứ 2 thế giới (21/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật