Thứ Hai, 03/12/2012 06:33

Nợ xấu tiềm ẩn ở công ty chứng khoán

Nợ xấu đang là chuyện đau đầu không chỉ của hệ thống ngân hàng mà còn của các công ty chứng khoán.

Nợ xấu tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở các công ty chứng khoán

Nợ khó đòi lớn

Công ty chứng khoán (CTCK) SME là một ví dụ. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và TGĐ của SME đã bị bắt từ đầu tháng 8.2012. Cuối tháng 10 vừa qua, cổ phiếu (CP) SME cũng chính thức bị hủy niêm yết. Theo Báo cáo tài chính (BCTC) được SME công bố gần nhất vào quý 3/2011 thì các khoản phải thu ngắn hạn là 667 tỉ đồng, nợ phải trả lên đến 592,76 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty. SME cũng chưa hề trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi.

Đến giờ này, các chủ nợ của công ty này đang đứng ngồi không yên. Như Công ty bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) mới thu được 65,6 tỉ đồng từ hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với SME, số nợ còn lại là hơn 56 tỉ đồng chưa biết đến bao giờ mới thu được. Hay như đến cuối năm 2011, SME vẫn còn nợ 88,5 tỉ đồng của Ngân hàng (NH) Bảo Việt (hợp đồng vay có thời hạn đến hết năm 2012),...

Một trường hợp khác là CTCK Saigontourist (STSC), BCTC quý 3/2012 của công ty này cho thấy các khoản phải thu lên đến 2.597 tỉ đồng nhưng cũng chưa trích lập dự phòng, còn nợ phải trả cũng lên tới 2.465,59 tỉ đồng. Giữa năm 2012, kiểm toán đã lưu ý khoản phải thu chủ yếu là giá trị của các hợp đồng giao dịch repo (mua bán có kỳ hạn) CP của NH TMCP Sài Gòn (SCB) với giá trung bình 19.231 đồng/CP trong khi giá giao dịch bình quân của CP này chỉ còn hơn 5.000 đồng/CP. Tuy nhiên, STSC chưa xem xét dự phòng cho giá trị các hợp đồng giao dịch repo.

Ngoài ra, số dư đặt cọc môi giới đến tháng 7.2012 của SCB tại STSC lên tới 2.048 tỉ đồng. NH đã yêu cầu có kế hoạch hoàn trả các khoản đặt cọc này nhưng STSC đề nghị được gia hạn thêm 12 tháng. STSC cho biết đã yêu cầu NH tìm đối tác mua lại CP giao dịch repo với giá tối thiểu bằng số tiền giao dịch và khoản lãi phát sinh trong trường hợp cổ đông của SCB không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Ngoài ra, STSC còn cho biết đã được bên thứ ba dùng bất động sản thế chấp cho NH với giá trị đảm bảo là 2.923 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý 3/2012, các hợp đồng repo nói trên vẫn chưa được thu hồi. Tương tự, con số phải thu của CTCK Sacombank (SBS) cuối quý 3 cũng lên đến gần 650 tỉ đồng và công ty này phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên mức khoảng 80%, trị giá 516,9 tỉ đồng...

Tác động dây chuyền

TGĐ một CTCK tại TP.HCM thừa nhận, bản thân các CTCK nhỏ rất khó thực hiện các nghiệp vụ margin (cho nhà đầu tư vay thêm tiền để đầu tư tiếp vào chứng khoán), hợp tác đầu tư hay repo, vì yếu về tài chính. Các hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, đặc biệt là các CTCK con của các ngân hàng. Nên khi thị trường suy giảm, giao dịch èo uột, khách hàng khó trả nợ thì không chỉ bản thân CTCK gặp nguy mà còn kéo theo những “nhà tài trợ” phía sau là các ngân hàng, quỹ đầu tư... Đơn cử, trong trường hợp của STSC, nếu như những nhà đầu tư đã repo CP của SCB mất khả năng thanh toán thì công ty này cũng không thể nào chi trả nổi khoản đặt cọc hơn 2.000 tỉ đồng khi vốn điều lệ của công ty chỉ có 318 tỉ đồng.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), cần tổng kết lại các khoản nợ của CTCK để có con số chính xác. Từ đó mới có thể nhận diện được hết những khoản nợ tiềm ẩn của chứng khoán. Đó là chưa kể một số công ty vẫn cố tình giấu và chỉ liệt kê mà không có thuyết minh nợ trong BCTC. Nếu có con số phải thu khác quá lớn tại các CTCK thì cơ quan quản lý phải bắt buộc thuyết minh chi tiết và có đánh giá để trích lập dự phòng nợ khó đòi đầy đủ. Nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất thanh khoản như SME và tiền của nhà đầu tư cũng bị mất theo. Điều đó gây rủi ro đến toàn hệ thống thanh toán và giao dịch của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   03/12: Bản tin đầu tuần (03/12/2012)

>   Cổ phần không biểu quyết: Cửa ngách cho vốn ngoại (01/12/2012)

>   Giảm lãi suất, chứng khoán có khởi sắc? (01/12/2012)

>   NVT giảm room xuống 23.7% để phát hành 30 triệu cp cho nước ngoài (30/11/2012)

>   Cửa mở cho… quỹ đóng (30/11/2012)

>   Việt Nam thuộc top 25 TTCK tăng mạnh nhất toàn cầu năm 2012 (30/11/2012)

>   30/11: Bản tin 20 giờ qua (30/11/2012)

>   Những ngày nghỉ bù, TTCK không giao dịch (29/11/2012)

>   Nhận diện hoạt động ngân hàng ngầm (29/11/2012)

>   29/11: Bản tin 20 giờ qua (29/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật