Lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình FSAP).
* IMF, WB sắp có phân tích đầu tiên về hệ thống tài chính Việt Nam
Theo đó, Ban Chỉ đạo này là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến Chương trình FSAP.
Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình FSAP là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Phó Trưởng ban là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6 ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình FSAP có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên ngành liên quan đến Chương trình FSAP; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến Chương trình FSAP.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng ban quyết định.
Các Bộ, ngành hữu quan tham gia Chương trình FSAP cử 1 lãnh đạo chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các nội dung của Chương trình FSAP. Mỗi Bộ, cơ quan theo yêu cầu công việc có thể thành lập các Tiểu ban về Chương trình FSAP của Bộ, ngành mình để làm nhiệm vụ đầu mối phối hợp công tác một cách có hiệu quả với Ban Điều phối và Triển khai Chương trình FSAP đặt tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Được biết, Chương trình FSAP được WB và IMF phối hợp triển khai từ năm 1999, đến nay, đã có 151 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào chương trình.
Mục tiêu của FSAP là: củng cố các hệ thống tài chính; chuyển giao chuyên môn và các thông lệ tốt nhất cho các cơ quan trong nước; thúc đẩy các cải cách trong ngành tài chính.
FSAP sẽ phân tích tổng quát sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính dựa trên việc phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô; các điều kiện giám sát và điều tiết; các điều kiện thị trường và hạ tầng. Qua đó, giúp thiết kế các ứng phó chính sách nhằm làm cho hệ thống tài chính trở nên ổn định và có khả năng phục hồi mạng mẽ hơn; đồng thời kiến nghị các hoạt động nhằm tăng cường sự đóng góp của ngành tài chính vào sự tăng trưởng và phát triển xã hội.
Thanh Giang
Chính phủ
|