Kiều hối góp phần giúp các nước kém phát triển thoát nghèo
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), bất chấp suy thoái kinh tế tại châu Âu và kinh tế Mỹ phục hồi yếu, dòng kiều hối gửi chuyển về các nước đang phát triển vẫn tăng mạnh trong năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục tăng đến năm 2015.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố “Báo cáo 2012 về các nước kém phát triển” với chủ đề “Tận dụng lượng kiều hối và tri thức kiều dân để tăng cường khả năng sản xuất”. Theo UNCTAD, với xu thế khó khăn chung trên thế giới hiện nay, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước kém phát triển sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2012 và 2013. Trong bối cảnh này, lượng kiều hối đổ về các nước kém phát triển giữ vai trò rất quan trọng trong đa dạng hóa và cải thiện nền kinh tế.
Với 70 tỷ USD, Ấn Độ dẫn đầu về lượng kiều hối nhận được trong năm 2012.
|
Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2011, số tiền mà công dân các nước kém phát triển làm việc ở nước ngoài gửi về quê hương đã tăng gấp 8 lần. Tính trong giai đoạn 2008-2010, lượng kiều hối gửi về các nước kém phát triển đã vượt quá số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) tại 9 nước gồm Băngla Đét, Haïti, Lêxôthô, Nêpan, Xamoa, Xênêgan, Xuđăng, Tôgô và Yêmen. Tuy vậy, phần lớn số tiền này được chuyển trực tiếp đến gia đình họ nên UNCTAD đã khuyến nghị Chính phủ các nước này nên có những chính sách hợp lý để khai thác số tiền trên vào việc đa dạng hóa và tăng cường tiềm lực kinh tế.
Hiện có khoảng 27 triệu công dân các nước đang và kém phát triển (chiếm khoảng 3,3% số dân các nước này) di cư ra nước ngoài lao động. Theo UNCTAD, 48 quốc gia kém phát triển hiện nay cần có các biện pháp như cải thiện hệ thống dịch vụ Tài chính - Ngân hàng, giảm lệ phí chuyển tiền… để lượng kiều hối được chuyển về trong nước dễ dàng và được đưa vào đầu tư, phát triển các xí nghiệp nhỏ, tạo việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, mặt trái của kiều hối là vấn đề chảy máu chất xám, khi lực lượng trí thức rời đất nước để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn tại các quốc gia phát triển. Theo UNCTAD, vấn đề này có thể càng làm gia tăng bất bình đẳng quốc tế, tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của các nước kém phát triển. Để hạn chế tác động tiêu cực này, báo cáo của UNCTAD khuyến nghị một cơ chế chuyển đổi kiến thức nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động trí thức cao sinh ra ở các nước đó trở về thúc đẩy việc học tập và đầu tư tại nước mình.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), bất chấp suy thoái kinh tế tại châu Âu và kinh tế Mỹ phục hồi yếu, dòng kiều hối gửi chuyển về các nước đang phát triển vẫn tăng mạnh trong năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục tăng đến năm 2015. Số liệu chính thức cho biết lượng kiều hối đạt kỷ lục 381 tỷ USD trong năm 2011 và dự đoán sẽ tăng lên tới 406 tỷ USD năm nay. Con số này sẽ vọt lên 534 tỷ USD trong năm 2015, vượt xa vốn đầu tư trực tiếp và viện trợ nước ngoài.
Số tiền trên nhiều gấp 4 lần tổng lượng ODA mà các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo năm ngoái. Sự gia tăng mạnh kiều hối từ năm 2009 này là nhờ giá dầu tăng cao tại các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu. Các chuyên gia nhận xét do số liệu đó dựa trên các kênh chính thức nên số tiền thực tế mà các lao động ở nước ngoài gửi chuyển về quê hương họ có thể cao gấp đôi con số nêu trên.
Theo báo cáo, khu vực Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi có lượng kiều hối đổ về nhiều nhất trong 2 năm qua. Trong đó, các nước dẫn đầu về lượng kiều hối nhận được trong năm nay bao gồm Ấn Độ (70 tỷ USD), Ai Cập (18 tỷ USD), Pakixtan (14 tỷ USD), Bănglađét (14 tỷ USD). Bên cạnh đó, các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng có nguồn kiều hối gửi về khá cao như Ácmênia, Grudia, Cưrơgưxtan, Mônđôva, và Tátgikixtan. Đặc biệt tại Tátgikixtan, lượng kiều hối của năm 2011 tương đương 47% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, tỷ trọng cao nhất thế giới. Một số quốc gia khác cũng nhận dược lượng kiều hối cao là Trung Quốc (66 tỷ USD), Philippin và Mêxicô (mỗi nước nhận 24 tỷ USD), Nigiêria (21 tỷ USD) và các nước đông dân tại châu Phi.
Trái lại, các nước Đông Âu, Trung Á và các nước Hồi giáo nhận nguồn kiều hối do các lao động làm việc tại các nước Tây Âu gửi về không tăng nhiều, do tình trạng kinh tế tiếp tục suy giảm và thất nghiệp tăng ở các nước châu Âu vẫn còn tiếp diễn. Dự tính trong 3 năm tới, nguồn kiều hối đổ về các nước đang phát triển tại Đông Âu và Trung Á sẽ còn tăng mạnh, kế tiếp sau là khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribê.
Ngoài vấn đề tỷ giá hối đoái, chi phí chuyển gửi kiều hối cũng tác động đến dòng tiền này. Để thúc đẩy hoạt động đó, Nhóm tám nước công nghiệp phát triển (G8) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2008 và 2011 đã cam kết giảm chi phí gửi chuyển kiều hối 5 điểm phần trăm trong 5 năm. Nga là nước có phí chuyển kiều hối rẻ nhất và chỉ là 2% tổng số tiền chuyền về nước, so với 4-6% tại Arập Xêút, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Cata, Malaysia và Mỹ. Nhật Bản là nước có phí chuyển kiều hối đắt đỏ nhất với 17%, còn Đức, Pháp và Ốxtrâylia có mức phí là 10%.
Ngọc Tiến
thời báo ngân hàng
|