Thứ Ba, 25/12/2012 18:07

Giá vàng 2013 có thể tiếp tục tăng

Giá vàng trong năm 2013 sẽ tiếp tục tăng, nhưng xác suất vượt ngưỡng 1.800 USD/oz là rất nhỏ. Giá vàng sau đó sẽ giảm dần và xu hướng giảm rõ nét sẽ xuất hiện từ năm 2014.

Sau khi giảm sâu về 276,5 USD/oz vào cuối năm 2000, giá vàng thế giới bắt đầu tăng trở lại sau sự kiện 11/9/2001 và bùng phát từ năm 2002, lập kỷ lục 1.921,15 USD/oz vào ngày 06/9/2011, đây là thời kỳ tăng giá dài nhất trong gần 100 năm qua. Sau đó, giá vàng hạ nhiệt và kết thúc năm 2011 ở mức 1.531 USD/oz (tăng 7,8% so với đầu năm), nhưng lại tiếp tục diễn biến thất thường và đạt 1.814,90 USD/oz vào đầu tháng 10/2012 sau khi Mỹ tung ra gói kích thích định lượng QE3.

Tuy nhiên, giá vàng sau đó nhanh chóng hạ nhiệt trở lại theo xu hướng giảm như những năm trước, khi các nhà đầu tư bắt đầu nghỉ ngơi để chuẩn bị bước sang năm mới 2013. Từ đầu tháng 12, giá vàng đã rời ngưỡng kháng cự 1.700 USD/oz và dao động quanh mức 1.650 USD/oz. Sáng 25/12, giá vàng quốc tế niêm yết ở mức 1.659,50 USD/oz, có thể là giá đóng cửa năm 2012 khi nhiều nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ dài ngày cho tới đầu năm sau.

Theo dữ liệu của IMF, trong 19 tháng qua, các NHTW đã tăng mua vàng để thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối, nổi bật là các NHTW Hàn Quốc, CHLB Nga và Mêxicô. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng tăng mua vàng để cải thiện cơ cấu tài sản theo hướng an toàn hơn.

Tuy nhiên, lực mua của các NHTW và nhà đầu tư không duy trì được giá vàng ở mức cao một cách bền vững, nhất là từ tháng 11 đến nay. Theo đánh giá của các nhà phân tích và kinh doanh vàng, giá vàng giảm trong những ngày cuối năm là do nhu cầu vàng quí 3/2012 giảm tới 11%, mức thấp nhất từ năm 2009, chủ yếu là do kinh tế tăng chậm dần tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu mua vàng tại quốc gia này vốn gia tăng kể từ năm 2009 và nhu cầu về vàng tại Ấn Độ suy giảm do giá vàng tính theo rupee tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Bước sang tháng 12, hoạt động kinh doanh và mua bán vàng cũng lắng xuống do nhiều nhà đầu tư tạm thời nghỉ ngơi để chuẩn bị đón năm mới.

Dư luận đó đây bày tỏ lo ngại về diễn biến địa chính trị phức tạp trên thế giới hiện nay và những năm tới, nhưng dường như cộng đồng thế giới đã quen dần do các vụ xung đột vũ trang chỉ xảy ra trong phạm vi hẹp mang tính khu vực, nên đã trở thành chủ đề phụ, không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến trên thị trường vàng so với tác động của các yếu tố kinh tế.

Nhiều nhà kinh doanh vàng thế giới nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013 do kinh tế Mỹ còn bất ổn cộng với khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục “bơm” tiền ra thị trường sẽ làm tăng áp lực lạm phát, một số nhà đầu tư sẽ tiếp tục tích lũy vàng sau khi đã tăng mua vào trong năm nay. Theo kế hoạch đưa ra vào ngày 24/10/2012, hàng tháng NHTW Mỹ (Fed) sẽ tung ra khoảng 40 tỉ USD để mua nợ cầm cố và duy trì lãi suất gần bằng không cho đến giữa năm 2015. Bên ngoài nước Mỹ, NHTW châu Âu đang chuẩn bị mua trái phiếu chính phủ của các nước thành viên, NHTW Nhật Bản tiếp tục đưa ra các chương trình mua trái phiếu để phục hồi kinh tế.

Giá vàng trong năm 2013 sẽ tiếp tục tăng, nhưng xác suất vượt ngưỡng 1.800 USD/oz là rất nhỏ. Giá vàng sau đó sẽ giảm dần và xu hướng giảm rõ nét sẽ xuất hiện từ năm 2014.

Do giá vàng thế giới được niêm yết và tính theo USD, nên khi đánh giá và dự báo thị trường vàng, các nhà phân tích thường dựa trên diễn biến tình hình kinh tế Mỹ và giá trị của USD so với những đồng tiền khác trên thế giới. Trên thực tế, mỗi động thái chính sách của Fed đều tác động đến giá trị của USD và thị trường vàng. Trong thời kỳ từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, hai gói kích thích tăng trưởng với tổng trị giá 2.300 tỉ USD do Fed tung ra đã khiến giá vàng thế giới tăng khoảng 70%.

Hiện nay, giới quan sát đang đưa ra nhiều đồn đoán về biện pháp chính sách của Mỹ với nhiều khả năng Fed sẽ phải tung ra gói hỗ trợ tiếp theo để kích thích tăng trưởng và giảm tỉ lệ thất nghiệp do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội Mỹ rất khó đạt được thỏa thuận chung về tăng thuế và giảm chi tiêu ngân sách trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, dù có đưa ra được các biện pháp để tránh “vách đá tài chính” thì cũng phải có độ trễ nhất định và vẫn cần các gói hỗ trợ để kích thích tăng trưởng, qua đó mới tạo được nguồn thu để củng cố bảng cân đối ngân sách liên bang trong tương lai. Không loại trừ khả năng, quốc hội Mỹ sẽ phải nâng mức trần nợ công hiện nay 16.394 tỉ USD lên mức cao hơn. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích tài khóa của Mỹ có nhiều khả năng sẽ không gây biến động giá vàng như hai gói kích thích kinh tế ban đầu, mà sẽ chỉ gây tác động ngắn hạn như gói QE3 vừa qua, nếu tín hiệu phục hồi kinh tế tại Mỹ và châu Âu trở nên rõ ràng và bền vững hơn.

Mặc dù kinh tế Mỹ có triển vọng khả quan và năm 2013 có thể sẽ chấm dứt tình trạng èo uột như hiện nay, nhưng không thể áp đảo được khung cảnh ảm đạm của phần thế giới còn lại, kinh tế toàn cầu có thể vẫn tăng chậm trong hai năm (2013 và 2014).

Trong đó, khủng hoảng nợ công tại khu vực euro tiếp tục đẩy nhiều nước châu Âu vào tình cảnh khó khăn, Nhật Bản còn chật vật trong việc phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần. Khó khăn kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tiếp tục tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác do thương mại toàn cầu giảm mạnh và sự thay đổi đột ngột của các dòng vốn quốc tế. Các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng bị tổn thương do nhu cầu chi tiêu yếu ớt tại các nước phát triển, kinh tế Brazil tiếp tục tăng chậm lại, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua. Riêng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng đầu tư để duy trì đà tăng trưởng 7,5-8% nhằm ổn định tình hình chính trị trong nước, nhưng tăng trưởng cao tại quốc gia này cũng đồng nghĩa với chủ trương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, và nước Mỹ tiếp tục gặp khó khăn trong việc giảm thâm hụt thương mại để có thể phục hồi nhanh hơn.

Với mức dự báo sơ bộ về thị trường vàng và triển vọng kinh tế thế giới, giá vàng có thể tăng nhẹ trong năm 2013 nhưng không gây ra những cú sốc như mấy năm qua do các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc phục hồi và mở rộng sản xuất thực, sau đó giá vàng sẽ hạ nhiệt dần tùy theo kết quả vĩ mô của các nước công nghiệp phát triển, nhất là nền kinh tế Mỹ.

Quang Hải

NHNN

Các tin tức khác

>   Giảm giá, nhưng SJC vẫn đắt hơn thế giới 4,8 triệu (25/12/2012)

>   Vàng kém hấp dẫn trước đà tăng của đồng USD (25/12/2012)

>   Độc quyền vàng miếng SJC không gây hại cho dân (24/12/2012)

>   Giá vàng tăng nhẹ, USD “chợ đen” bất ngờ lên 20.900 đồng (24/12/2012)

>   Buông xuôi giá vàng? (23/12/2012)

>   Giá vàng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ (23/12/2012)

>   Giá vàng giảm tuần thứ tư liên tục (22/12/2012)

>   Vàng giảm tuần thứ tư liên tiếp, xuống 1,660 USD/oz (22/12/2012)

>   Giá vàng lao dốc, chênh lệch vọt lên 4,9 triệu đồng (21/12/2012)

>   Các quỹ bán ra mạnh, vàng chìm nghỉm dưới 1,646 USD/oz (21/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật