Công ty chứng khoán: Tái cơ cấu, hay... đóng cửa?
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, việc đặt lợi ích của nhà đầu tư lên cao nhất và áp dụng tính tuân thủ cho CTCK bằng 3 công cụ… khiến các CTCK chỉ có một con đường đổi mới hoặc bị đào thải.
Quy luật đào thải
60% công ty chứng khoán (CTCK) lỗ trong quý III/2012. 3 CTCK đã bị ngừng hoạt động: CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn và CTCK Cao su. Nhà đầu tư chưa kịp vui với kết quả kinh doanh quý III/2012 của CTCK Golden Bridge, đã nao núng khi công ty này bị đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán. CTCK Tràng An (TAS) bị đình chỉ hoạt động môi giới. Một chuyên gia trong ngành chứng khoán cho rằng, sự trở lại của những công ty này rất khó trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi hầu bao của các công ty này đã cạn kiệt.
Thực cảnh thêm ảm đạm khi có 9 CTCK ở vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt như: CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS), CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), CTCK Mê Kông... Nhiều CTCK khác cũng đang nằm trong ranh giới mong manh với tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức vừa đủ để không bị kiểm soát đặc biệt, như trường hợp CTCK Beta (BSI). Đó là mảng màu xám trong bức tranh các CTCK được tạo nên bởi thua lỗ vì tự doanh, trích lập dự phòng rủi ro, hoặc cho khách hàng sử dụng đòn bẩy quá mức nhưng không đi kèm với việc tăng cường quản trị rủi ro.
Theo một lãnh đạo của UBCKNN, danh sách các CTCK bị rơi vào kiểm soát đặc biệt sẽ còn dài hơn khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý IV/2012. Thậm chí với những công ty không cải thiện được mức vốn chủ sở hữu quá thấp, nguy cơ nối bước CTCK Hà Nội, bị đình chỉ hoạt động là điều có thể dự báo… Với những CTCK đang ở trong diện kiểm soát đặc biệt hoặc chấp chới kiểm soát đặc biệt, nếu không có những bứt phá sẽ phải đối diện với án phạt đình chỉ hoạt động hay nói cách khác là bước qua “cánh cửa tử thần”.
Ngay cả những CTCK có lợi thế về quy mô, cuộc chơi cũng không dễ dàng khi quy mô tỷ lệ thuận với chi phí nhưng tỷ lệ nghịch với doanh thu. Như trường hợp CTCK Tầm Nhìn, doanh thu 9 tháng đạt 1,352 tỷ đồng, hoạt động cầm chừng và thua lỗ ăn vào vốn chủ sở hữu. Khả năng tồn tại lâu dài của các CTCK trong nhóm này, với bối cảnh TTCK yếu kém như hiện nay, gần như không thể.
Năm 2013 được dự báo là khó khăn toàn cầu vẫn còn kéo dài và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thực tế này tiếp tục đè nặng lên vai các CTCK. Miếng bánh nhỏ, hàng rào kiểm soát ngày một lớn cũng sẽ là một trở lực cho những CTCK trong năm 2013.
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, việc đặt lợi ích của nhà đầu tư lên cao nhất và áp dụng tính tuân thủ cho CTCK bằng 3 công cụ… khiến các CTCK chỉ có một con đường đổi mới hoặc bị đào thải. Ví như quy định, CTCK có một năm để thực hiện việc tách bạch hoàn toàn tài khoản nhà đầu tư. Nếu CTCK không thực hiện sẽ bị xử phạt, thậm chí sau thời gian 6 tháng nếu còn vi phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động theo Thông tư 27/2007/TT-BTC. “Như vậy, CTCK phải tuân thủ, nếu không phải rời bỏ cuộc chơi”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bứt phá
Trong bối cảnh khó khăn đó, hoạt động môi giới và tư vấn đang được xem là mảng sáng mới và ngày càng rõ nét. Có thể nhìn thấy rõ trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần hoạt động lõi của TTCK là môi giới. Minh chứng cho điều này có thể nhìn từ lũy kế 9 tháng, hầu hết các CTCK lớn SSI, HSC, ACBS, FPTS, BVS đều duy trì được lợi nhuận dựa vào hoạt động kinh doanh nguồn hoặc môi giới thay vì đẩy mạnh tự doanh. Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, trạng thái ổn định thuộc về CTCK có thị phần môi giới thuộc top 20. Trong 4 mảng nghiệp vụ hiện nay, nghiệp vụ môi giới vẫn được coi là hoạt động nền tảng của CTCK khi nó đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động và tạo cho DN một nền tảng khách hàng.
Các công ty nhỏ hơn cũng không ngại các “ông lớn” khi ra sức cạnh tranh và bứt phá. Ví như CTCK Navibank (NVS), quý III, doanh thu môi giới NVS tăng lên gấp 10 lần đạt 5,1 tỷ đồng chiếm gần 64% trong tổng doanh thu là cơ sở để NVS đạt 3,12 tỷ đồng lãi gộp (cùng kỳ 2011 lỗ gộp 283 triệu đồng). Tuy nhiên chi phí quản lý quý III/2012 ở mức 3,1 tỷ đồng khiến lãi sau thuế của NVS chỉ còn 14 triệu đồng. Nhưng so với mức lỗ 4,84 tỷ đồng cùng kỳ, rõ ràng đây là sự tăng trưởng đáng kể.
CTCK Bản Việt (VCSC) cũng là một điển hình, khi riêng về doanh thu môi giới quý III/2012 VCSC đạt 40,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 6,4 tỷ đồng), thì lũy kế 9 tháng đầu năm nay doanh thu của VCSC đạt 354,5 tỷ đồng, tăng 42% và LNST đạt 42,1 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011.
Một số CTCK chọn cho mình con đường bứt phá mới bằng hoạt động tư vấn. Điển hình là CTCK Đại Dương (OCS). Quý III/2012, doanh thu môi giới của OCS chỉ đạt 1,16 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ tư vấn đạt 27,87 tỷ đồng, tăng 82,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tư vấn của OCS đạt 70 tỷ đồng, tăng 61,3% so với 9 tháng cùng kỳ 2011. Tổng doanh thu hoạt động kinh doanh không chênh lệch đáng kể, nhưng nhờ tỷ trọng doanh thu tư vấn chiếm phần lớn, lãi gộp của OCS được cải thiện rõ rệt. Quý III/2012, OCS lãi gộp 10,33 tỷ đồng, tăng 56,8%; lũy kế 9 tháng đạt 36,51 tỷ đồng, gấp 10 lần lãi gộp cùng kỳ. Lãi ròng quý III đạt 5,33 tỷ đồng, tăng 44,8% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 1,65 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng công ty lãi ròng 24,84 tỷ đồng (cùng kỳ 2011, OCS lỗ 2,74 tỷ đồng).
Hay như CTCK Kỹ Thương (Techcombank), 9 tháng đầu năm công ty vẫn lãi hơn 63 tỷ đồng nhờ doanh thu tư vấn 6 tháng đầu năm đạt trên 78,6 tỷ đồng, cao đột biến so với các CTCK khác về mảng tư vấn. Hay như mảng tư vấn của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) quý III/2012 tăng 91% so với cùng kỳ năm trước đạt 2,97 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 21,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, Đề án tái cấu trúc TTCK vẫn dựa trên Quyết định 62 và Quyết định 26, 27; Các văn bản kỹ thuật đã ban hành. Quan điểm chung là CTCK phải củng cố lại quản trị và chấp hành tính tuân thủ. Trong Đề án tái cấu trúc xây dựng TTCK có chỉ tiêu về cảnh báo sớm hoạt động của công ty phục vụ cho cơ quan quản lý giám sát để dự báo tình hình DN. Quy chuẩn về quản trị rủi ro CTCK được UBCKNN xây dựng có tham khảo sổ tay hướng dẫn nhận thức quản trị rủi ro DN của Ernst & Young cộng thêm tính đặc thù của CTCK. “Đây là điều kiện tối thiểu bắt buộc các CTCK phải áp dụng. Còn tùy vào khẩu vị rủi ro, họ có thể nâng mô hình quản trị rủi ro cao hơn”, lãnh đạo của UBCKNN nói.
Thời gian qua nhiều công ty đã nhìn nhận ra vấn đề quản trị rủi ro yếu kém của mình. Thực chứng, những DN có quy chế quản trị rủi ro tốt thời gian qua đã không bị rủi ro. Thị trường đã dạy cho họ bài học. “Tuân thủ quy định pháp luật sẽ giúp các CTCK tránh được rủi ro, không bị đào thải. Bởi thị trường là thước đo rõ ràng nhất, nhà đầu tư là những người khôn ngoan nhất”, ông Sơn khuyến cáo các CTCK trên con đường tái cấu trúc.
Minh Ngọc
thời báo ngân hàng
|