Bỏ hàng ngàn USD mua ... hàng nhái
Nói về thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam, ông Bùi Thái Quang, Phó ban Quản lý rủi ro hải quan, Tổng cục Hải quan mở đầu bằng câu chuyện: “Tôi từng chứng kiến người Việt mình khi bị kiểm tra phải bỏ quần áo khỏi va ly, túi xách, bỏ cả áo khoác nộp cho hải quan sân bay Pháp để nhìn họ tiêu hủy ngay trước mắt, chỉ vì trót mua phải hàng nhái”.
Về vụ gian lận hàng hiệu tại TP.HCM, ông Quang phân tích: Vụ việc ở TP.HCM vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục xử lý, tuy nhiên, có thể nói về hai khả năng. Thứ nhất, đây là hàng nhái, xuất xứ từ các xưởng của Trung Quốc làm nhái tinh vi sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của Ý. Sau khi nhập về với giá rẻ, hàng được đưa vào những cửa hàng sang trọng, bán tại khu phố trung tâm với giá hàng ngàn USD. Thứ hai, đây là hàng thật, nhưng chủ lô hàng hoặc người nhập khẩu đã khai giá trị thấp hơn thực tế để trốn thuế. Như mọi người đã biết, lô hàng này đã được thông quan, đóng thuế nhập khẩu chỉ với 27 triệu đồng (!).
Dù là khả năng nào thì vụ việc trên cũng cho thấy chúng ta đang có lỗ hổng lớn về quản lý sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng xa xỉ.
Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng đang bị lừa bởi những cửa hàng sang trọng trên phố lớn, bán những món đồ hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD nhưng trà trộn hàng thật, hàng nhái từ các nguồn gốc khác nhau. Có những người giàu có, thậm chí từng có cả nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài, sang Pháp, Ý đã bị hải quan tịch thu, rạch túi nhái ngay tại sân bay vì họ đã mang sản phẩm không phải chính hãng. Lúc này, người mang đồ không chỉ mất tiền mà còn bị ảnh hưởng cả danh dự, uy tín.
Cửa hàng Gucci ở 88 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM
|
Ông có thể chỉ rõ lỗ hổng trong quản lý hàng hiệu là gì?
Cơ quan hải quan (HQ) như một tấm rào chắn ngoài biên giới, có chức năng quản lý kiểm tra để ngăn ngừa hàng nhái, hàng kém chất lượng vào Việt Nam qua đường chính ngạch. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ công chức HQ, chỉ mới có một số ít được trang bị kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, còn đa số chưa có chuyên môn sâu về việc này; cơ quan HQ Việt Nam chưa có hệ thống phần mềm nhận diện hàng hóa, chưa có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả từ các hãng bán hàng xa xỉ nổi tiếng như Gucci, Milano, Lacoste... Chính vì vậy, khi các kiện hàng về Việt Nam, lúc làm thủ tục HQ, cán bộ HQ không có điều kiện, cơ sở dữ liệu về hàng hóa và nghiệp vụ kiểm tra nhận biết để đối chiếu xem đó là hàng thật hay hàng nhái, giá của nó là bao nhiêu.
Dùng hàng nhái là tội phạm
Ở nhiều nước phát triển, những chiến dịch chống hàng nhái, hàng giả đang được phát huy mạnh mẽ. Thậm chí việc sở hữu hàng nhái đồ hiệu cũng có thể bị liệt vào dạng tội phạm. Pháp hiện là nước duy nhất trên thế giới xem việc sở hữu sản phẩm nhái, chẳng hạn như túi xách giả hàng hiệu, là hành vi phạm tội, có thể bị phạt tù đến 3 năm và 300.000 euro tiền phạt. Còn tại ở những nước thuộc EU khác, HQ có thể tịch thu bất cứ thứ gì hành khách mang trên người mà họ cho rằng là hàng giả hiệu, dù đó là quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, hàng da, kèm theo mức phạt có thể lên đến gấp đôi giá trị món đồ.
Tại Mỹ, theo Fox News, Phòng Thương mại quốc tế công bố dữ liệu cho thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái đã gây tổn thất hơn 1.000 tỉ USD cho thế giới trong năm ngoái.
Thụy Miên
|
Khi nghiên cứu về sở hữu trí tuệ tại Mỹ, tôi nhận thấy, HQ Mỹ có bộ cơ sở dữ liệu rất hoàn chỉnh, đầy đủ về hàng hóa của các hãng nổi tiếng, với hình ảnh, đặc điểm nhận dạng logo, thương hiệu, các chi tiết đối sánh để so sánh hàng thật, hàng giả. Một số mặt hàng cao cấp như đồng hồ, túi xách, mắt kính đắt tiền còn có code (mã số) đơn nhất cho từng sản phẩm. Nên khi họ nghi ngờ, họ sẽ gõ code lên phần mềm là biết ngay món hàng đó từ đâu, bán ra ngày nào…
Nhưng có ý kiến cho rằng, đến người bình thường cũng biết không thể có áo sơ mi của Ý giá 2 - 3 USD, đôi giày giá 5 USD. Như vậy, có thể xảy ra tình huống chủ hàng đã mua chuộc cán bộ HQ để được thông quan với giá khai báo thấp, nhằm trốn thuế?
Đây cũng là một khả năng không thể loại trừ. Cơ quan điều tra sẽ kết luận có hay không hành vi này. Tuy nhiên, nếu đúng là hàng thật nhưng bị khai báo giá thấp thì đây chính là rủi ro trong công tác quản lý HQ. Tổng cục HQ mới đây đã thành lập Ban Quản lý rủi ro HQ để có thể hậu kiểm, kiểm tra chéo nhằm giám sát quá trình thực thi của các công chức HQ.
Còn nếu lô hàng hàng thương hiệu nổi tiếng thông quan mà khi giám định lại là hàng nhái thì điều đó đã phản ánh lỗ hổng trong công tác kiểm soát HQ.
Vậy làm thế nào để lấp được lỗ hổng mà ông đã chỉ ra?
Để xảy ra tình trạng này, cũng một phần do cơ chế phối hợp chưa tốt giữa các lực lượng chức năng như HQ, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và kể cả chính quyền địa phương.
Hiện nay biện pháp trước mắt là cần nâng tầm của đơn vị HQ, có hệ thống dữ liệu thông tin về hàng hóa đầy đủ, có cơ chế bắt buộc các hãng bán hàng tại thị trường Việt Nam phải đăng ký nhận diện thương hiệu. Nếu các hãng này muốn tạo lòng tin với người tiêu dùng thì phải đăng ký với cơ quan chức năng của Việt Nam. Thậm chí họ có thể công khai một số thông số, điểm đặc trưng trên website để người tiêu dùng có thể tự phân biệt.
Ngoài ra, khi đó dù chủ hàng có khai báo giá thấp bao nhiêu nhưng HQ có cơ sở giá từ chính nhà sản xuất sẽ buộc doanh nhân nhập khẩu phải khai đúng, nộp đủ thuế.
Làm cách nào để biết hàng hiệu ?
Tổng giám đốc Công ty G. - đang làm đại diện cho hàng chục nhãn hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết, đối với các nhãn hiệu túi xách hàng hiệu thì luôn có mã số (series number) nằm ở bên trong sản phẩm. Khách có thể vào website của hãng để coi có trùng hợp mã số. Nếu có thể, khách hàng có thể gọi điện tới tận hãng qua số dịch vụ khách hàng để hỏi về mã số của túi xách mà mình vừa mua và hãng sẽ trả lời ngay lập tức. Một cách khác là chụp hình mã số của sản phẩm gửi mail tới hãng để nhờ xác nhận.
Nhưng với quần áo hàng hiệu lại thường không có mã số thì có thể kiểm tra bằng cách nào? “Bị làm nhái, giả nhiều nhất là áo thun, quần jeans. Nếu đã làm giả rồi thì khách khó có thể kiểm tra phát hiện. Điều này phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh mà thôi”, vị tổng giám đốc nói. Vị này cũng lưu ý nếu khách hàng nghi ngờ chất lượng sản phẩm, muốn gửi hàng qua hãng ở nước ngoài kiểm tra thì cần phải làm giấy xác nhận có chữ ký người bán hàng, đóng gói và niêm phong sản phẩm. Làm như vậy nhằm tránh chuyện cửa hàng từ chối sản phẩm trong trường hợp đó là hàng giả, nhái. Nếu khách chỉ lấy hóa đơn thôi thì không đủ để chứng minh đã mua sản phẩm ở cửa hàng đó trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Trần Tâm - Hoàng Việt
|
Káp Thành Long
Thanh niên
|