Thứ Tư, 12/12/2012 14:20

2013 - Các ông vua tiền mặt bỏ tiền vào đâu?

Hãy xem ai đang là đại gia với lượng tiền và tương đương tiền lớn nhất thị trường chứng khoán (tính đến cuối quý III/2012) và họ sẽ dùng số tiền này vào việc gì.

1. Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS)

Công ty sở hữu lượng tiền và tương đương tiền nhiều nhất tính đến cuối quý III là Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) với 12.394 tỉ đồng, chiếm đến 25% tổng tài sản.

Với lợi thế vốn lớn cùng sự trợ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đang sở hữu 97% cổ phần GAS, công ty này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Kết thúc quý III, lợi nhuận của GAS đã cao hơn so với cả năm 2011. Hoạt động kinh doanh thuận lợi mang về cho Công ty một lượng lớn tiền mặt. Xét về sức khỏe tài chính, chỉ số thanh toán bằng tiền mặt của Công ty cũng đang ở ngưỡng an toàn.

GAS cho biết Công ty sẽ tiếp tục bám sát lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải. Theo báo cáo tài chính, Công ty đã sử dụng phần lớn nguồn tiền để cho vay, phân phối cổ tức và chi cho các hoạt động kinh doanh khác.

2. Tập đoàn Masan (MSN)

Với 7.459 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đành chấp nhận vị trí thứ hai. MSN đang tập trung phát triển theo mô hình sở hữu tài sản xoay quanh nhóm ngành thực phẩm tiêu dùng, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh của những thương hiệu đang sở hữu.

Do chi hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư vào công ty con, khoảng 4.000 tỉ đồng cho tài sản cố định nên lượng tiền và tương đương tiền của MSN đã giảm 22% so với đầu năm. Giống như năm trước, dòng tiền của tập đoàn này được cải thiện hơn nhờ hoạt động huy động vốn. Tính từ năm 2009 đến nay, MSN đã huy động được hơn 1 tỉ USD (cả vốn vay và vốn cổ phần).

Trong 3 năm qua, mỗi năm MSN đều thực hiện một thương vụ thâu tóm đình đám. Năm 2010, MSN nắm giữ 100% vốn tại Công ty Khai thác và Chế biến Khoáng sản Nuiphaovica. Năm 2011, MSN đã mua lại hơn 50% cổ phần tại Vinacafé Biên Hòa và năm nay là Công ty Cổ phần Việt Pháp (sở hữu thương hiệu Cám Con Cò). Với lượng tiền nói trên, không biết chừng MSN sẽ lại thực hiện một thương vụ lớn khác trong năm tới.

3. Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)

Vị trí thứ ba thuộc về một đơn vị thuộc họ dầu khí - Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Lượng tiền và tương đương tiền của PVS đã đạt tới hơn 6.557 tỉ đồng, chiếm 29% tổng tài sản.

Được sự hậu thuẫn của cổ đông lớn PVN, hoạt động kinh doanh thiết bị và các dịch vụ dầu khí của PVS ăn nên làm ra qua từng ngày. Chỉ mới hết 9 tháng, PVS đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. Thậm chí đại diện của PVN còn phát biểu trong đại hội cổ đông hồi tháng 10: “Tất cả các dịch vụ xây lắp trên biển PVN sẽ gom lại để giao cho PVS thực hiện”.

PVS vừa mới lên kế hoạch huy động khoảng 1.000 tỉ đồng để đầu tư dự án kinh doanh kho nổi chứa, xuất và xử lý dầu FPSO Lam Sơn. PVS còn có những dự án lớn khác như cảng Phước An, Khu dịch vụ kỹ thuật dầu khí Vũng Tàu…

Tương tự như GAS, PVS có vẻ như vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ các dự án từ PVN.

4. Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM)

Đứng ở vị trí thứ tư tiếp tục là một công ty thuộc họ dầu khí - Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) với hơn 5.669 tỉ đồng, chiếm tới 53% tổng tài sản). Phần lớn số tiền này được gửi tại các ngân hàng và Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam. Với lượng tiền gửi ngân hàng này, mỗi năm cổ đông DPM cũng thu được mức lợi nhuận 12%.

Trong 9 tháng đầu năm, nhờ phân phối khí của nhà máy đạm Cà Mau, doanh thu của DPM tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng vì chi phí giá vốn và các chi phí khác tăng nhanh hơn doanh thu nên đã kéo lợi nhuận Công ty tăng chậm lại, chỉ tăng 10%.

Theo kế hoạch, Công ty sẽ đầu tư 4 dự án mới (dự án ammoniac, các dự án phân NPK, ammonium nitrate) với tổng ngân sách lên tới 873 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng).

5. Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH)

Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH) với 5.329 tỉ đồng đang đứng ở vị trí thứ năm. Sau khi lượng tiền mặt giảm hơn 1.000 tỉ đồng vào cuối quý II, BVH đã có sự cải thiện đáng kể vào quý III. Nhờ việc bán các khoản đầu tư vào trái phiếu, kỳ phiếu… mà lượng tiền nắm giữ của cả Tập đoàn đã được đưa về mức tương đương với đầu năm. Nhưng nếu chỉ xét riêng công ty mẹ thì lượng tiền và tương đương tiền chỉ bằng 18% so với đầu năm nay.

Chỉ mới 9 tháng mà BVH đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ hoàn nhập dự phòng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu BVH từng lập đỉnh 70.000 đồng/cổ phần nhưng hiện chỉ được giao dịch với giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên do là lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm sút vì cạnh tranh nội bộ ngành cùng với những đồn đoán quanh việc Ngân hàng HSBC thoái vốn khỏi BVH.

6. Công ty Cổ phần PVI

Với lượng tiền và tương đương tiền tăng hơn 6 lần kể từ đầu năm, đạt 4.341 tỉ đồng, Công ty Cổ phần PVI đã được xếp thứ sáu. Đây là đại diện cuối cùng của họ dầu khí trong Top 10.

PVI đã kiếm tiền khá tốt trong 9 tháng đầu năm khi cả 3 mảng hoạt động đều thu được tiền. Hoạt động kinh doanh mang về cho PVI 457 tỉ đồng, mảng đầu tư 2.333 tỉ đồng và mảng tài chính 863 tỉ đồng. Phần lớn trong số đó là các hoạt động kinh doanh trái phiếu, nhận ủy thác từ PVN.

Với lượng tiền dồi dào, PVI đã mua hơn 28% cổ phần của Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc. Công ty cũng cho biết sẽ bỏ ra hơn 100 tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ.

7. Tập đoàn Vingroup (VIC)

Tập đoàn Vingroup (VIC) giữ vị trí thứ bảy với lượng tiền và tương đương tiền đạt 3.398 tỉ đồngtính đến cuối quý III, tăng hơn 3 lần so với đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn đã tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sáp nhập Công ty Cổ phần Vinpearl vào đầu năm.

Số tiền trên chủ yếu được VIC dùng để chi trả cho các hoạt động đầu tư vào bất động sản (Royal City, Times City…), mua sắm tài sản cố định và mở rộng mạng lưới công ty con. Trong 9 tháng đầu năm, thông qua các công ty con như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vinpearl, VIC đã thành lập một số công ty khác tại các địa phương.

Sắp tới, hoạt động trọng tâm của VIC có lẽ sẽ tiếp tục là bất động sản. Gần đây, Công ty đã gia tăng tỉ lệ sở hữu tại một số công ty trong lĩnh vực này như Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, Đầu tư và Thương mại PFV.

8. Tập đoàn FPT

Tuy gặp rắc rối xung quanh hoạt động chuyển giao quyền lực, doanh thu sụt giảm nhưng FPT vẫn duy trì được lớp đệm khá tốt với 2.793 tỉ đồng, không sụt giảm nhiều so với đầu năm. Đó là nhờ Công ty quản lý tốt dòng tiền hoạt động, giảm hàng tồn kho và các khoản phải thu. FPT còn có gần 1.000 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn (được hạch toán là khoản đầu tư tài chính) tại các ngân hàng thương mại.

Thị trường vẫn đang trông chờ những thay đổi mạnh mẽ tại FPT sau khi ông Trương Gia Bình trở lại vị trí Tổng Giám đốc. Lớp đệm tài chính khá dày như trên sẽ là nền tảng vững chắc cho bất kỳ kế hoạch nào trong tương lai của Công ty.

9. Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

2012 là một năm khó khăn đối với các công ty chứng khoán. So với nhiều công ty khác trong ngành, tình hình tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khả quan hơn khi vẫn có lãi sau 9 tháng. Đáng chú ý là lợi nhuận của SSI chủ yếu đến từ hoạt động hoàn nhập dự phòng.

Phần lớn dòng tiền của Công ty đến từ các hoạt động chiếm dụng vốn. Nợ ngắn hạn phải trả của SSI đã tăng lên gần 3 lần so với đầu năm. Trong đó, đáng kể nhất là các khoản nhà đầu tư ứng trước tiền mua chứng khoán 395 tỉ đồng, ký quỹ ngắn hạn 738 tỉ đồng.

Theo báo cáo thường niên 2011, Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, đã xác định thông điệp năm 2012 là “tìm cơ hội trong khó khăn”. SSI đã đầu tư vào 4 công ty liên kết mới; hầu hết đều có kết quả kinh doanh khả quan và chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá lớn. Hãy xem sắp tới, Công ty sẽ đầu tư hơn 2.482 tỉ đồng (lượng tiền và tương đương tiền tính đến cuối quý III) vào đâu.

10. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Với 1.598 tỉ đồng tiền mặt tính đến cuối tháng 9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) được xếp ở vị trí thứ 10. Nếu dùng số tiền này để trả nợ vay của Tập đoàn thì chỉ mới trả được 11%. Mặc dù nợ vay cao, nhưng khả năng vỡ nợ cũng khó xảy ra vì hầu hết đều là vay dài hạn.

Để nhanh chóng thu tiền về, HAG đã giảm giá bán căn hộ. Nhờ đó, doanh thu 9 tháng đã tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc giảm giá cũng khiến lợi nhuận gộp sụt giảm chỉ đạt 75% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là lượng tiền thu về vẫn không đủ để HAG tiếp tục đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đó là lý do trong 9 tháng đầu năm Tập đoàn đã vay thêm hơn 7.000 tỉ đồng (chủ yếu bằng cách phát hành trái phiếu trong nước) để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vào các dự án cao su, thủy điện, mía đường…

Hy vọng của HAG vẫn còn đang ở phía trước. Theo dự kiến năm 2013, Tập đoàn sẽ có thêm doanh thu từ cao su, mía đường. Theo Công ty Chứng khoán VCBS, cao su sẽ mang lại cho HAG khoảng 700 tỉ đồng doanh thu trong 2 năm tới với tỉ suất lợi nhuận gộp khoảng 60%. Còn doanh thu từ đường năm 2013 thì ước tính khoảng 517-680 tỉ đồng với tỉ suất lợi nhuận gộp ước đạt 39-62%.

Nhất Sinh

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   UDC: Giải trình thông tin về các khoản phải thu, phải trả tính đến 30/09/2012 (12/12/2012)

>   DSN: 02/02/2013 tổ chức ĐHCĐ thường niên 2013 (12/12/2012)

>   TrustBank đang tích cực tái cơ cấu (12/12/2012)

>   PVL: Đấu giá dự án Petrovietnam Green House, dự kiến lỗ 112 tỷ đồng (12/12/2012)

>   TET chào bán công ty con với giá khởi điểm 7.5 tỷ đồng (11/12/2012)

>   MCF sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 bằng tiền tỷ lệ 15.9% trong tháng 12 (11/12/2012)

>   SHI thành lập chi nhánh mới tại Hải Dương (11/12/2012)

>   DTL rót thêm 182 tỷ đồng vào công ty con (11/12/2012)

>   TTF chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn (11/12/2012)

>   CJC: 14/12 GDKHQ lấy ý kiến về KQKD 2012 (11/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật