Ý thức chấp hành giao thông là gốc
Chế tài và việc xử phạt vi phạm giao thông thời gian qua đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, kiềm chế tai nạn. Song, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an, việc xử phạt chỉ là phần ngọn, tăng cường ý thức chấp hành giao thông mới là gốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản gần 5,2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; kho bạc Nhà nước thu 1.668,4 tỷ đồng; tạm giữ 19.091 xe ôtô, 467.865 xe môtô.
Phổ biến lỗi vi phạm của người cầm lái
Theo phân tích, các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông chủ yếu tập trung ở các lỗi vi phạm như chở quá tải; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy trên đường. Đặc biệt là vi phạm tốc độ; đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai, sử dụng rượu, bia thường dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thực tế ở nhiều nơi, ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông cũng chưa cao, có cảnh sát thì người tham gia giao thông chấp hành nghiêm vì sợ bị xử phạt, không có cảnh sát thì không chấp hành mặc dù có tín hiệu đèn giao thông. Trong khi thực tế cảnh sát giao thông cũng không thể bố trí thường xuyên trên tất cả các tuyến, địa bàn để giám sát và xử phạt.
Thêm vào đó, tâm lý đôi khi người điều khiển phương tiện muốn đi nhanh do việc gấp, hay “vui một tý” bằng bia, rượu của người dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia giao thông của họ.
Nhìn vào số liệu phân tích tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2012, tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 27,8%; vi phạm tốc độ chiếm 15,1%; vi phạm nồng độ cồn chiếm 4,7% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra...
Theo số liệu 9 tháng đầu năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 48.773 trường hợp lái xe ô tô và 11.534 trường hợp người điều khiển mô tô sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; 354.212 trường hợp ô tô và 124.442 trường hợp xe mô tô chạy quá tốc độ quy định… Đây là con số khá lớn khiến nhiều người phải giật mình khi nhìn vào nhưng lại không cho rằng mình nằm trong số những người có thể vi phạm.
Cần giải quyết cơ bản việc nâng ý thức chấp hành giao thông
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên
cho biết, qua 2 năm thực hiện Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đường bộ và phát huy tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, kiềm chế tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông đường bộ, số người chết, số người bị thương vẫn còn ở mức cao, còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Các hành vi vi phạm an toàn giao thông còn xảy ra phổ biến do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó có việc chế tài xử phạt với các hành vi phạm nói trên tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP chưa tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe, giáo dục.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên,
Nghị định 71
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2010/NĐ-CP
trong đó nâng mức
tiền phạt cao hơn từ 1,5 đến 2,5 lần đối với một số hành vi vi phạm luật giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ. Đồng thời bổ sung việc áp dụng hình thức xử phạt khác như tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện đối với một số hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, việc xử phạt chỉ là phần ngọn. Để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ và pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, những người tham gia giao thông nắm rõ được quy định của luật giao thông đường bộ cũng như chế tài xử phạt để mọi người tự giác chấp hành.
“Cần phải giải quyết cơ bản việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, việc chấp hành giao thông cần được nhận thức là văn hóa giao thông, đảm bảo được an toàn cho tính mạng, tài sản của chính mình và cho mọi người xung quanh”, ông Tuyên nói.
Nhân dân giám sát, phát hiện cảnh sát giao thông vi phạm
Về phía cảnh sát giao thông, ông Tuyên cho biết, đối với cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã có chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn chấn chỉnh xử lý vi phạm và các biểu hiện tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ. Ngành tổ chức tập huấn cho cán bộ chiến sỹ, mở các đợt sinh hoạt chính trị và phát động các phong trào thi đua, từng cán bộ chiến sỹ có bản đăng ký hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lực lượng cảnh sát giao thông hoạt động công khai có sự giám sát của nhân dân, khi phát hiện cảnh sát giao thông có thái độ không đúng mực làm sai quy trình, hoặc có biểu hiện tiêu cực thì mỗi người có thể phản ánh qua đường dây nóng của Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương để kịp thời chấn chỉnh xử lý theo quy định của pháp luật và của Ngành, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thành Chung - Thanh Hoài
Chính phủ
|