Thứ Năm, 29/11/2012 19:16

Vietcombank và BIDV khó thu hồi hàng chục tỷ đồng

Theo lệnh khởi tố, Công an tỉnh Kiên Giang vừa bắt tạm giam Cao Hương Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao (tại khu Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang) về hành vi lừa đảo. Giám đốc công ty này đã qua mặt các ngân hàng và mang một loại tài sản để thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank và BIDV ở Kiên Giang trên 54 tỷ đồng.

Ông Thiên trước cửa nhà máy đang bị niêm phong (ảnh lớn), Giám đốc Cao Hương Thiên trong thế sa cơ, ông làm luôn công việc của thợ hồ (ảnh nhỏ).

Công ty TNHH Mai Sao chuyên ngành chế biến kinh doanh thủy hải sản đông lạnh và có quan hệ tín dụng với Vietcombank và BIDV Kiên Giang từ những năm 2008. Thời gian gần đây, công ty này mất cân đối tài chính và không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Hiện công ty đã ngưng hoạt động.

Theo thanh tra liên ngành tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu của BIDV Kiên Giang đối với công ty TNHH Mai Sao chưa chính xác. Đặc biệt là chỉ tiêu về tài chính, ngân hàng không phát hiện được sai sót. Cụ thể như vào năm 2010, công ty đã chuyển lợi nhuận của các năm trước để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu 6 tỉ đồng nhưng trong báo cáo tài chính không ghi giảm số lợi nhuận này, dẫn đến nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm xét duyệt hạn mức tín dụng không chính xác. Đã vậy Công ty còn qua mặt các ngân hàng bằng cách nâng khống công suất thiết kế chỉ có 2.000 tấn thành phẩm/ năm, nhưng lại báo cáo đề xuất tín dụng vượt lên 2.440 tấn/ năm.

Theo kết luận của thanh tra, mặc dù báo cáo tài chính của công ty sử dụng khá lớn nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài sản cố định, nhưng trong các báo cáo thẩm định của BIDV Kiên Giang không đưa vào diện cảnh báo. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra vốn vay còn sơ sài, chưa chặt chẽ và mang tính hình thức. Ngoài các tài sản thế chấp bảo đảm khác, thì tài sản đảm bảo là nguyên liệu và hàng thành phẩm tồn kho của công ty, BIDV Kiên Giang thiếu kiểm tra thông tin tại cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định; chưa thực hiện việc kiểm tra chi tiết quá trình sử dụng vốn của công ty; báo cáo kiểm kê hàng tồn kho của công ty gửi ngân hàng có điểm bất hợp lý nhưng không bị phát hiện. Từ đó, không phát hiện việc kê khống nguyên liệu, hàng tồn kho của khách hàng…

Ông Nguyễn Văn Kiệt - Giám đốc ngân hàng nhà nước tỉnh Kiên Giang cho biết: “Qua quá trình thanh tra và kết luận, các cán bộ ngân hàng trên đã để xảy ra sai sót nghiệp vụ, chứ chưa có dấu hiệu cố ý làm trái để trục lợi cá nhân”. Tính đến ngày 31-5, tổng dư nợ mà BIDV Chi nhánh Kiên Giang cho công ty này vay đã lên trên 13,5 tỉ đồng. Đồng cảnh ngộ và tương tự như BIDV Kiên Giang, thời gian qua Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Kiên Giang cũng cho công ty này vay trên 41,1 tỉ đồng và đến nay chưa biết cách nào thu hồi.

Theo như lỗi “sai sót nghiệp vụ” này là cả hai ngân hàng trên không kiểm soát được lượng hàng hóa tồn kho của công ty TNHH Mai Sao, để các món vay có giá trị hàng hóa bảo đảm gặp rủi ro cao. Cụ thể là với tổng dư nợ của hai ngân hàng trên cho công ty này vay trên 54 tỉ đồng, nhưng trong đó có đến 33 tỉ đồng trị giá tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, hàng luân chuyển và thành phẩm của công ty. Phía ngân hàng chưa đánh giá được đầy đủ tình hình cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của con nợ, dẫn đến quyết định cho vay có nguy cơ mất vốn là hiện hữu. Và con nợ hiện đang bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam để điều tra làm rõ.

Huy Thịnh – Vĩnh Sơn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Bắt 105 con bạc, thu hai bao tải tiền (29/11/2012)

>   UNESCO đề nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (29/11/2012)

>   Còn bao nhiêu đập bêtông... không sắt? (29/11/2012)

>   Lập phương án kinh doanh giả để vay 31.000 chỉ vàng (29/11/2012)

>   Tin đồn nhảm về mì gói (29/11/2012)

>   “Ngoại giao tai trâu” chỉ chống lại Trung Quốc (29/11/2012)

>   Ai chủ mưu buôn lậu xăng ở Vinapco? (29/11/2012)

>   Quy trình tuồn 21 tỉ đồng từ máy ATM ra … trường đá gà (28/11/2012)

>   Khám phá chương trình “tàu sân bay” Nhật (28/11/2012)

>   Báo Trung Quốc “mắc bẫy” báo lá cải (28/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật