Vì sao phố Wall không “mặn mà” với Tổng thống Obama?
Lời phàn nàn lớn nhất của giới tài chính phố Wall đối với Tổng thống Barack Obama là về những gì ông nói hơn là những gì ông làm.
* Ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ với 274 phiếu đại cử tri
* Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ: Đầu tư chứng khoán vào năm nào sinh lợi nhất?
* Dự báo TTCK sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 06/11
“Có quá nhiều cái chỉ tay. Dường như đối với ông Obama, thành công và trở thành triệu phú hay tỷ phú là một điều tồi tệ”, nhận định của ông Karl Wellner, Giám đốc điều hành Papamarkou Wellner Asset Management với tổng số tài sản đang quản lý là 3 tỷ USD.
Ngoài việc Tổng thống Obama gọi các nhà băng là “những con mèo béo”, hầu hết các chuyên gia trên phố Wall đều chỉ ra một số chi tiết khác và cơ bản đều cho rằng điều đó còn hơn những gì mà họ nhận được từ Tổng thống.
Karl Wellner cho biết mối lo ngại lớn nhất của ông là Tổng thống Obama dường như muốn kiểm soát chặt chẽ việc tích lũy tài sản. Đó cũng là tâm trạng của nhiều giám đốc quản lý quỹ đầu cơ và quan chức điều hành của các công ty tài chính khác.
Ông Sander Gerber, Giám đốc điều hành Quỹ đầu cơ Hudson Bay Capital Management nhận định: “Có ý kiến cho rằng nếu muốn thành công bạn không cần phải dựa vào chính sức mình. Trong khi đó, ông Romney tin tưởng động lực và tinh thần làm việc lăn xả chính là yếu tố đem lại thành công – tư tưởng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phố Wall”.
Và đó cũng là lý do chính tại sao phố Wall lại giành phần lớn sự ủng hộ cho Đảng Cộng hòa trong chu kỳ bầu cử năm nay.
Trên thực tế, theo số liệu của Trung tâm Phản hồi Chính trị (CRP) thì số tiền mà ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã quyên được từ giới tài chính phố Wall cao hơn gấp 3 lần so với ông Obama. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với năm 2008 khi ông Obama quyên được gần gấp đôi so với đối thủ John McCain.
Một vài giám đốc quản lý quỹ đầu cơ cũng cho rằng dù cần phải cải tổ các quy định của lĩnh vực y tế và tài chính nhưng Tổng thống Obama phải làm sao để Chính phủ tham gia sâu vào cả hai lĩnh vực này.
Được biết, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank Act vào năm 2010 nhưng nhiều quy định vẫn còn phải được soạn thảo.
Ông Romney đã chỉ trích đạo luật này và cho rằng ông sẽ tiến hành thay đổi và thậm chí sẽ cố gắng dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều người trong giới tài chính phố Wall đều cho rằng ông Romney sẽ chỉ định một số nhà điều hành có khả năng làm giảm sự rườm rà và phức tạp của cuộc cải cách.
Ông Wellner cho biết: “Ông Obama sẽ trao toàn quyền cho các nhà điều hành độc đoán và chỉ nói rằng sẽ tiến hành cải cách các quy định”.
Sự tức giận của phố Wall xuất hiện khi nhiều người vẫn còn chỉ trích rằng Tổng thống Obama đã không đem lại lực đẩy đủ mạnh cho thị trường tài chính và xem Dodd-Frank là một đạo luật không hiệu quả.
Trong khi đó, đối thủ của Obama lại khẳng định ông ủng hộ việc điều hành các ngân hàng. Nguyên nhân chính khiến ông Romney phản đối Dodd-Frank là đạo luật này đã đem lại cho các ngân hàng lớn sự đảm bảo ngầm về các gói giải cứu trong tương lai. Dường như các giám đốc điều hành trên phố Wall tin rằng ông Romney sẽ đối xử với lĩnh vực này công bằng hơn.
Dù kinh nghiệm làm việc của ông Romney tại Bain Capital khiến người dân Mỹ đặt câu hỏi liệu ông có quan tâm đến quyền lợi của họ, nhiều người trên thị trường tài chính phố Wall xem nền tảng kinh doanh của ông Romney là một ưu thế lớn.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|