Vàng vẫn “nóng” khi ngân hàng ngừng huy động
Ngay sau thời hạn phải chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng (25/11) theo quy định tại Thông tư số 12/2012, theo ghi nhận của ĐTCK, các ngân hàng đã lặng lẽ đóng cửa nghiệp vụ này. Tuy nhiên, giá vàng trên thị trường lại có diễn biến ngược, khi tăng vọt vào phiên đầu tuần.
Không còn huy động vàng, song nhiều ngân hàng đang triển khai dịch vụ giữ hộ vàng. Cụ thể, Eximbank nhận giữ hộ vàng cho khách với mức phí là 0,01%/năm, với điều kiện số vàng gửi giữ phải từ 1 lượng vàng SJC trở lên. Tương tự, ACB cũng nhận giữ hộ vàng với mức phí là 0,05%/năm trên tổng lượng vàng khách gửi... Tại SCB, với các chứng chỉ tiết kiệm bằng vàng đến hạn, nếu khách hàng chưa tất toán, Ngân hàng sẽ giữ hộ miễn phí, với điều kiện thời gian gửi vàng phải trên 1 tháng và khi muốn rút ra, khách hàng phải báo trước.
Chênh lệch cung - cầu khiến giá vàng SJC đầu tuần này vẫn cao hơn thế giới 3,3 triệu đồng/lượng
|
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chấm dứt huy động vàng diễn ra khá yên ả bởi Ngân hàng Nhà nước đã có một lộ trình rõ ràng nên các ngân hàng thương mại đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tuy nhiên, trên thị trường từ cuối tuần trước, giá vàng đột nhiên tăng đáng kể và đến đầu tuần này, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào 47,24 triệu đồng/lượng, bán ra 47,41 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TP. HCM mua vào 47,24 triệu đồng/lượng, bán ra 47,39 triệu đồng/lượng. Cuối giờ chiều qua, 27/11, giá vàng SJC duy trì mức giá 47,2 - 47,27 triệu đồng/lượng, tương ứng chiều mua vào và bán ra. Như vậy, giá vàng SJC đã tăng khoảng 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước. Còn giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng mạnh đến 450.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước, với giá mua vào 43,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 43,75 triệu đồng/lượng.
Mặc dù đến đầu tuần này, khoảng cách giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới được rút ngắn lại, song mức chênh vẫn lên tới 3,3 triệu đồng/lượng. Con số này vào cuối tuần trước là 3,6 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên tới hơn 3,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với thương hiệu vàng miếng như Rồng Thăng Long hiện thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng.
“Có lẽ gần đến ngày tất toán nên các ngân hàng mua vàng vào để cân bằng trạng thái, góp phần đẩy giá vàng tăng cao. Nhưng quan trọng nhất, cuối năm là thời điểm người dân mua vàng, nữ trang nhiều hơn. Sự cộng hưởng này làm cho mức cầu tăng, trong khi nguồn cung bị hạn chế do Ngân hàng Nhà nước không cho nhập khẩu, vàng trong nước không liên thông với thế giới. Bên cạnh đó, việc Nhà nước quy định vàng miếng SJC được độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, khiến nguồn cung không đủ cầu, đẩy giá vàng SJC tăng cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lý giải về “sức nóng” của thị trường vàng ở thời điểm hậu huy động vàng của các ngân hàng thương mại.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại có cách nhìn nhận khác. Theo ông Thành, thị trường vàng không còn chịu áp lực của việc mua vào để cân bằng trạng thái của các ngân hàng thương mại đã huy động vàng trước đây. Bởi hiện tại, chỉ còn 2 - 3 ngân hàng chưa cân bằng được trạng thái và những ngân hàng này trên thực tế được gia hạn thời gian tất toán vàng đến 30/6/2013. Ông Thành cho rằng, đúng ra, trên thị trường vàng, giá phải giảm bởi ngân hàng không huy động, chỉ giữ hộ và người dân phải trả phí. Tuy nhiên, tác động này trên thực tế rất nhỏ, bởi tâm lý người dân, doanh nghiệp vẫn rất cẩn trọng, vẫn neo vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng không vội vàng trong việc cân bằng trạng thái bởi có sự nới lỏng về thời hạn, mà vấn đề ở đây là tình hình giá vàng thế giới có những tác động cụ thể đến giá vàng trong nước. Cụ thể, tại thị trường châu Á ngày 26/11, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.749,2 USD/ounce, tăng khoảng 22 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước.
“Theo xu hướng vàng thế giới, giá vàng sẽ giảm mạnh trong đợt nghỉ lễ Noel và năm mới bởi các sàn vàng trên thế giới đều đóng cửa giao dịch trong dịp này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, thời điểm này đang là mùa cưới nên nhu cầu tiêu thụ vàng vẫn lớn. Hơn thế, giá vàng Việt Nam vẫn liên thông với giá vàng thế giới nhưng giá vẫn cao hơn do có điểm nghẽn bởi chi phí vận chuyển và những biện pháp hành chính chặn tạo nên những “chi phí” vô hình. Chừng nào chênh lệch giá còn lớn, tình trạng nhập lậu còn khó kiểm soát”, TS. Lực nói.
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần phải lưu ý đến mấy yếu tố sau. Thứ nhất, vàng rất gần với tiền, nên liên quan đến hiệu lực của chính sách tiền tệ. Thứ hai, vàng là ngoại tệ nên có ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế. Thứ ba, nói đến vàng là kênh tiết kiệm, đồng thời là kênh đầu tư và sản phẩm tiêu dùng. Đó là chưa kể đến vấn đề truyền thống, tâm lý của người dân.
“Đây không phải là câu chuyện “xúc cảm”. Để giải quyết được những vấn đề của thị trường vàng, cần có một cái nhìn tổng thể cho thị trường, quá trình xử lý cần bình tĩnh”, ông Thành nhấn mạnh.
Để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần lập sàn vàng quốc gia. Bởi sàn vàng là yếu tố cần thiết gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. “Đây là thời điểm tốt để có thể thực hiện điều này, khi tỷ giá đang ổn định”, ông Thành nói.
Hồng Dung
Đầu Tư Chứng Khoán
|