Từ trường hợp cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank
Ông Đặng Văn Thành vẫn “buộc” phải là thành viên HĐQT Sacombank, dù đã có đơn từ nhiệm. Vậy, ông Thành có được quyền xin thôi làm thành viên HĐQT không?
Ngày 5/11, HĐQT Sacombank (STB) đã chấp thuận việc ông Đặng Văn Thành không làm Chủ tịch HĐQT. Thế nhưng, đề nghị xin thôi tư cách thành viên HĐQT Ngân hàng của ông Thành thì lại phải chờ sự phê duyệt của các cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ gần nhất. Điều này có nghĩa là, dù đã có đơn từ nhiệm, nhưng ông Thành vẫn “buộc” phải là thành viên HĐQT Sacombank. Mọi diễn biến giao dịch cổ phiếu STB hay giao dịch với Sacombank của ông Thành và người có liên quan vẫn nằm trong diện phải công bố thông tin. Vậy, một câu hỏi đặt ra là, ông Thành có được quyền xin thôi làm thành viên HĐQT không?
Trên thực tế, nếu căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì việc thôi các chức danh như: thành viên HĐQT, Ban kiểm soát phải được sự phê duyệt của ĐHCĐ. Tuy nhiên, Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng lớn… ban hành kèm theo Thông tư số 121/2012/TT-BTC lại quy định 5 trường hợp thành viên HĐQT không còn tư cách thành viên HĐQT, trong đó có trường hợp thành viên đó gửi đơn bằng văn bản xin từ chức đến trụ sở chính công ty.
Như vậy, nếu căn cứ theo Điều lệ mẫu thì ông Thành đã đủ điều kiện để từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Tuy nhiên, sự vênh nhau giữa Luật Doanh nghiệp và Điều lệ mẫu đã khiến một số thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát rơi vào tình trạng khó xử.
Đơn cử, thành viên Ban kiểm soát của một DN niêm yết (X) trên HNX đã có đơn gửi DN này về việc xin từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát từ cuối năm 2010. Sang năm 2011, vị này thực hiện mua vào cổ phiếu X. Đến đầu năm 2012, sự việc bị phát hiện. UBCK cho rằng, trường hợp trên đã sai khi giao dịch không công bố thông tin. Nhưng vị này cho rằng, theo đúng Điều lệ mẫu được X áp dụng, thì ông đã không còn là thành viên Ban kiểm soát và việc ông mua vào không công bố thông tin là không phạm luật.
Chỉ có một điều đáng nói là, HĐQT của X dù xác nhận đã nhận đơn từ nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát của ông này, nhưng không công bố thông tin, cũng không thực hiện bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát trong kỳ họp ĐHCĐ sau đó. Ban kiểm soát của X chỉ tồn tại trên danh nghĩa, chứ thành viên Ban kiểm soát không có vai trò giám sát đối với các hoạt động của X. Và hệ quả xảy ra sau đó là, một số quyết định đầu tư mạo hiểm của HĐQT X đã đẩy công ty rơi vào tình trạng tài chính bết bát suốt thời gian vừa qua, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Tư cách thành viên HĐQT, Ban kiểm soát là vị trí để các nhân sự có liên quan có cơ hội đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của công ty. Thế nhưng, trong một số trường hợp, vì những lý do cụ thể, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mong muốn hoặc buộc phải xin từ chức. Tổ chức một cuộc họp ĐHCĐ để phê chuẩn sự từ nhiệm thành viên HĐQT cũng là điều tốt, vì thông qua đó, DN sẽ tìm được ứng viên mới cho chức danh bị khuyết và đây cũng là cơ hội để cổ đông tiếp cận thông tin trực tiếp từ HĐQT, Ban giám đốc. Tuy nhiên, tổ chức cuộc họp ĐHCĐ bất thường cũng sẽ phát sinh chi phí và trong thời gian chuẩn bị, việc duy trì vai trò thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của một cá nhân mà họ không thể hoặc không muốn đảm nhiệm là không cần thiết.
Sự lệch pha giữa Điều lệ mẫu và Luật Doanh nghiệp đã tạo nên những tình huống khó xử cho cả người thực hiện và cơ quan quản lý. Từ những trường hợp cụ thể này, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định đã lạc hậu lại được đặt ra cấp thiết!
đầu tư chứng khoán
|