SeABank: Sẽ phối hợp để “đảm bảo quyền lợi các bên”
Một nguồn tin của VnEconomy cho hay, ban đầu VVF muốn “làm căng” với quyết tâm đấu tranh đến cùng vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong chiều 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với các bên liên quan, vì cho rằng tranh chấp có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chung của thị trường tài chính ngân hàng.
* Vụ VVF - SeABank: Bảo lãnh cũng như không
* VVF không định “tuyên chiến” với SeABank
* Vinaconex - Viettel “tuyên chiến” với SeABank
Ngày 29/11, VnEconomy nhận thêm thông tin gửi từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), sau những vướng mắc pháp lý trong việc bảo lãnh trái phiếu cho doanh nghiệp gây xôn xao dư luận gần đây.
Thông tin gửi đến có nhấn mạnh một điểm mà theo SeABank là cần lưu ý trong vụ việc: chứng thư bảo lãnh với Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) không có số.
Ngày 27/11, SeABank ra thông cáo phủ nhận trách nhiệm bảo lãnh trái phiếu do nguyên Phó tổng giám đốc ký phát hành.
|
“Đặc biệt, theo hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng thư bảo lãnh ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thì ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với tập đoàn Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho tập đoàn Vina Megastar không được theo dõi quản lý hồ sơ trong hệ thống của SeABank, không có phí bảo lãnh (các bảo lãnh trái phép khác cũng tương tự đều không có hồ sơ sổ sách theo dõi, đóng phí...)”, thông tin từ SeABank cho biết.
Đáng chú ý, đại diện ngân hàng này nói rằng, “trong thời gian này SeABank cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị được nhận bảo lãnh trái phép của bà Nguyễn Thị Hương Giang để xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan”.
Trước đó, ngày 27/11/2012, SeABank có thông cáo về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số trái phiếu do nguyên Phó tổng giám đốc ký phát hành. Thông cáo cho biết SeABank đã nhận được văn bản của VVF và đại diện là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, về việc yêu cầu SeABank thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar phát hành ngày 19/10/2011, do bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang đã bị SeABank miễn nhiệm từ ngày 28/4/2012. Theo đó, trái phiếu của Vina Megastar đã đến hạn nhưng công ty này vẫn không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho Vinaconex - Viettel. Căn cứ thư bảo lãnh không số, phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, phía Vinaconex - Viettel yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh.
Tuy nhiên, SeABank cho rằng: “Việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu của tập đoàn Vina Megastar là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của SeABank”.
Cùng với đó là khẳng định: “Về sự việc ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho tập đoàn Vina Megastar và một số đơn vị khác không đúng pháp luật (vượt thẩm quyền, không đúng thủ tục) là sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của bà Nguyễn Thị Hương Giang. SeABank sẽ không chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái pháp luật do bà Nguyễn Thị Hương Giang thực hiện”.
Một ngày sau đó, đến lượt VVF tổ chức họp báo với mục đích “công bố các thông tin liên quan đến VVF và thương vụ đầu tư trái phiếu tại Vina Megastar với sự tham gia của SeABank”, đồng thời “cải chính thông tin về các bất đồng giữa các tổ chức tín dụng trong việc giải quyết khoản đầu tư” đang gây tranh cãi này.
Theo đại diện cho VVF, luật sư Phạm Thanh Sơn, cho đến nay việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn còn gặp nhiều ý kiến bất đồng trong việc phân định trách nhiệm theo các quy định của pháp luật và trách nhiệm trong quản lý nội bộ của SeABank.
“Mặc dù còn nhiều bất đồng về trách nhiệm pháp lý trong quá trình thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng VVF vẫn kiên trì, tạo điều kiện tiếp xúc gặp gỡ với các bên liên quan để tìm kiếm các giải pháp tích cực nhằm giải quyết vụ việc. VVF đã và đang tiếp tục đàm phán với các bên nhằm tìm ra giải pháp ôn hòa nhất để giải quyết vụ việc, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự ổn định của hệ thống sản phẩm dịch vụ của ngành tài chính”, ông Sơn nói.
Vị đại diện này cũng cho rằng vụ việc vẫn chỉ là một “hoạt động đầu tư thông thường”, và nhấn mạnh, VVF không có ý định “tuyên chiến” với SeABank trong việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản đầu tư của VVF. Tuy nhiên, trong khi bày tỏ một thái độ khá hòa nhã về vụ việc, VVF cho hay sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ lợi ích hợp pháp.
Ông Sơn khẳng định mọi chứng cứ pháp lý đều đang ủng hộ VVF, và cho dù có các ý kiến khác nhau về vụ việc cũng như trách nhiệm của các cá nhân lãnh đạo tại Seabank, thì trên thực tế VVF vẫn đang theo đuổi vụ việc với SeABank với tư cách pháp nhân, thay vì các cá nhân lãnh đạo của SeABank. “Chúng tôi không quan tâm cụ thể đến trách nhiệm của cá nhân nào mà vấn đề là ở trách nhiệm pháp nhân, tức là SeABank. Vì là pháp nhân, nên có thể sẽ có nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm trong sự việc”, ông Sơn nói.
Một nguồn tin của VnEconomy cho hay, ban đầu VVF muốn “làm căng” với quyết tâm đấu tranh đến cùng vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong chiều 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với các bên liên quan, vì cho rằng tranh chấp có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chung của thị trường tài chính ngân hàng.
Minh Đức
tbktvn
|