OGC - Bình thường hay bất thường?
Việc CTCP Tập đoàn Đại dương (HOSE: OGC) bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua vào CP cao hơn 3 lần so với giá thị trường khiến cổ đông hết sức bất ngờ. Điều đáng nói là OGC đang trong giai đoạn khó khăn và CP của doanh nghiệp này đang giao dịch dưới mệnh giá.
Một thương vụ bị hồ nghi
Theo công bố của CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã chuyển giao toàn bộ phần góp vốn tương đương 18,1 triệu cổ phần tại PVR cho OGC và Công ty TNHH VNT. Theo thỏa thuận trước đó, OGC mua 10 triệu cổ phần, còn VNT nhận số cổ phần còn lại, với mức giá đúng bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Tưởng chừng đây chỉ là hoạt động mua bán bình thường, thế nhưng điều bất thường lại đến từ mức giá PVX chuyển nhượng cho các đối tác ở thời điểm thực hiện giao dịch ngày 16-10 chỉ có 3.500 đồng/CP. Chính vì vậy, cổ đông của bên mua là OGC tỏ ra không hài lòng, thậm chí rất bức xúc với quyết định “bạo chi” này cũng không có gì quá đáng.
Được biết, việc OGC mua cổ phần của PVR nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn này. Tại Nghị quyết ĐHCĐ được tổ chức trước đó, lãnh đạo OGC đã xác định trong năm 2012 sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập đối với các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của OGC như: bất động sản, lương thực, thực phẩm, dịch vụ khách sạn, du lịch, thương mại… làm tiền đề cho việc cơ cấu và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Với lĩnh vực hoạt động bao gồm các dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí và cả bất động sản, PVR nằm trong chiến lược đầu tư của OGC. Tuy nhiên, việc một tập đoàn lớn như OGC chấp nhận bỏ ra 100 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần của doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ với giá trị trên TTCK chỉ có 35 tỷ đồng khiến dư luận hết sức hồ nghi. Theo BCTC quý III-2012 mới được công bố, PVR lỗ hơn 5,6 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay lỗ 4,7 tỷ đồng.
“Vung tay quá trán”?
Việc “vung tay quá trán” của OGC có thể sẽ được cảm thông nếu như tập đoàn này đang ăn nên làm ra, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. OGC hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và đầu tư tài chính, nhưng cả 2 lĩnh vực này đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian gần đây khiến hiệu quả hoạt động của OGC liên tục đi xuống.
Theo BCTC năm 2011, do quý IV OGC lỗ 20 tỷ đồng nên tổng lợi nhuận cả năm 2011 chỉ đạt khoảng 271 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2010 và đạt 71% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh năm 2011. Kết quả kinh doanh năm 2011 sụt giảm mạnh trong khi tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn tăng, dẫn tới ROA và ROE sụt giảm với tốc độ khá nhanh. Sau khi tăng mạnh lên 10% và 23% năm 2010, ROA và ROE năm 2011 của OGC giảm xuống chỉ còn 3% và 7%.
Tình hình này tiếp tục kéo dài qua năm 2012, khi BCTC bán niên 2012 soát xét cho thấy lợi nhuận sau thuế của OGC chỉ đạt hơn 119 tỷ đồng. Đây là con số hết sức khiêm tốn đối với tập đoàn có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và CP được xếp vào nhóm blue chip.
Kết quả không mong đợi này một phần xuất phát từ việc đầu tư tài chính tràn lan. Theo BCTC bán niên 2012, tính đến thời điểm ngày 30-6-2012, chỉ riêng phần giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn của OGC hiện lên đến 781 tỷ đồng. Các khoản đầu tư ngắn hạn điển hình gồm: đầu tư CK (19 tỷ đồng), đầu tư trái phiếu VNT (200 tỷ đồng), đầu tư vào CTCP Đầu tư phát triển Bình An (146 tỷ đồng), đầu tư vào CTCP Đầu tư và Tư vấn tài chính Liên Việt (40 tỷ đồng).
Dù số vốn đầu tư tài chính rất lớn nhưng thu nhập từ các hoạt động này là rất ít. Chẳng hạn, doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm chỉ có 321 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi (114,5 tỷ đồng) và doanh thu từ việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Sài Gòn Givral (178,5 tỷ đồng).
Trong khi đó, các khoản đầu tư dài hạn của OGC đến thời điểm hiện nay lên đến 3.411 tỷ đồng. Cụ thể, OGC hiện có vốn đầu tư vào 8 công ty con với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2.239 tỷ đồng. Điển hình là khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Đại Dương - Thăng Long (820,7 tỷ đồng), CTCP Dịch vụ và Khách sạn Đại Dương (750 tỷ đồng), CTCK Đại Dương (429 tỷ đồng), CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (270 tỷ đồng).
Ngoài ra, OGC còn có 3 công ty liên kết với tổng giá trị đầu tư hơn 1.175 tỷ đồng, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đại Dương (1.000 tỷ đồng), CTCP Du lịch dầu khí Phương Đông (61 tỷ đồng) và CTCP Fafilm Việt Nam (32,8 tỷ đồng). OGC cũng đầu tư vào các công ty bên ngoài như: Ngân hàng TMCP Bảo Việt (159 tỷ đồng), CTCP Đầu tư xây dựng Sông Đà (149 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Liên Việt Á - Phú Hưng Gia (77 tỷ đồng).
Những khuất tất?
Đầu tư tràn lan nên OGC phải sử dụng nguồn vốn vay rất lớn. Thống kê cho thấy, nợ phải trả đến thời điểm cuối quý III-2012 của OGC hiện lên đến 1.747 tỷ đồng, chưa kể 2.900 tỷ đồng trái phiếu phát hành trước đó. Có ý kiến cho rằng, việc đầu tư tràn lan nhưng hiệu quả không như mong đợi cộng với áp lực nợ vay quá lớn đã khiến OGC mất phương phương và việc mua cổ phần PVR là dẫn chứng cho điều này?
Hàng loạt dấu hỏi được cổ đông đặt ra và chờ câu trả lời từ phía ban lãnh đạo OGC: Tại sao OGC chấp nhận mức chênh lệch lên đến 65% chỉ để sở hữu CP của doanh nghiệp đang làm ăn kém hiệu quả? Tại sao OGC không dùng số tiền đó để mua lại CP quỹ để hỗ trợ cho NĐT khi giá OGC hiện đang giao dịch dưới mệnh giá, có thời điểm OGC giảm xuống dưới 0.8? Có gì khuất tất trong thương vụ này khi trước đó công ty liên kết của OGC là Ngân hàng TMCP Đại Dương đã thoái hết 12 triệu CP PVR (tháng 10-2012)?
Kim Giang
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính
|