LHG sai phạm có hệ thống
Trong vòng 3 tháng, Công ty CP Long Hậu đã ban hành đến 10 quyết định liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Lê Hoàng Trọng Văn
Báo Người Lao Động ngày 5-11 có bài viết “Tùy tiện cho nghỉ việc”, phản ánh việc Công ty CP Long Hậu - LHG (huyện Cần Giuộc - Long An) đã làm trái luật khi cho anh Lê Hoàng Trọng Văn nghỉ việc. Sau khi báo đăng, ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc LHG, đã có văn bản phản hồi, cho rằng báo thông tin sai sự thật và yêu cầu “phải gỡ bỏ thông tin, cải chính công khai và xử lý nghiêm phóng viên do sai phạm trong quá trình tác nghiệp”
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và phát hiện sai phạm ở LHG mang tính hệ thống.
LHG đã ban hành 10 quyết định như thế này để xử lý người lao động
|
Thay đổi quyết định chóng mặt!
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tháng 7-2009, anh Văn được LHG ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với chức vụ thành viên ban quản lý dự án. Qua quá trình công tác, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên được đề bạt làm giám đốc nghiên cứu và phát triển (2010), giám đốc kinh doanh quốc tế (2011) và giám đốc phát triển liên doanh (2012).
Thế nhưng, đến giữa năm 2012 thì liên tục xảy ra nhiều vụ việc mà anh Văn không hề biết lý do đích thực. Cụ thể, ngày 23-6, LHG đột ngột ra quyết định kỷ luật anh Văn vì “có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của LHG”; đến ngày 18-7, LHG tiếp tục ra quyết định xử lý kỷ luật về vi phạm trật tự, không chấp hành mệnh lệnh, không tôn trọng cấp trên, hạ một bậc lương, hủy bỏ phụ cấp...; cách chức, chuyển làm trưởng bộ phận phát triển dự án trong vòng 6 tháng. Quyết định chưa ráo mực thì ngay hôm sau, ngày 19-7, LHG lại ra quyết định “tạm đình chỉ công tác” với lý do không chấp hành các quyết định trên. Anh Văn cho biết: “Tôi không hề vi phạm nội quy lao động nhưng lần đầu thì công ty căn cứ vào biên bản xử lý kỷ luật lao động một nhân viên khác để kỷ luật tôi, lần sau thì lại viện lý do tôi không cung cấp thông tin của khách hàng cho tổng giám đốc để ghép vào lỗi chống lệnh cấp trên và xử lý kỷ luật. Trong khi đó, thông tin của khách hàng một khi đã cam kết giữ bí mật thì không ai được quyền tiết lộ. Do vậy, tôi đã gửi đơn khiếu nại”. Đến ngày 20-8, để sửa sai, LHG ban hành quyết định… thu hồi toàn bộ các quyết định trước đó mà không hề nói rõ lý do, cũng không khôi phục quyền lợi cho anh Văn.
Thay vào đó, ngày 21-8, LHG ra quyết định sáp nhập Phòng Phát triển liên doanh do anh Văn phụ trách vào Phòng Tiếp thị kinh doanh, đồng thời chuyển anh Văn sang làm nhân viên Phòng Phát triển dự án. Anh Văn tiếp tục gửi đơn khiếu nại thì 3 ngày sau nhận được câu trả lời là… quyết định chấm dứt HĐLĐ mà không hề có lý do.
Chưa dừng lại ở đó, sau 2 tuần ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ, vào ngày 6-9, LHG lại ban hành quyết định… thu hồi quyết định này và thực hiện sáp nhập các bộ phận. Vừa thu hồi xong thì chưa đầy 1 tuần lễ sau, vào ngày 12-9, LHG lại tiếp tục ra quyết định chấm dứt HĐLĐ theo điều 17 Bộ Luật Lao động và yêu cầu anh Văn rời khỏi công ty ngay lập tức!
Không nhận ra cái sai của mình
Ngày 2-10, tại trụ sở LHG, ông Trần Quốc Thịnh, giám đốc hành chính nhân sự, được ủy quyền đại diện LHG làm việc, với phóng viên Báo Người Lao Động để giải đáp khiếu nại của anh Lê Hoàng Trọng Văn. Tại buổi làm việc ông Thịnh cho rằng: “Do xử lý kỷ luật không đúng về hình thức nên LHG đã ban hành các quyết định thu hồi các quyết định đã ban hành trước đó”. Tuy nhiên, ông Thịnh không đưa ra được quyết định của HĐQT về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức của công ty cũng như không giải thích được tiêu chí lựa chọn, sử dụng lao động... Như vậy, việc ông Trần Hồng Sơn cho rằng “Báo Người Lao Động đưa tin dựa trên những thông tin một chiều của anh Lê Hoàng Trọng Văn khiến vụ việc bị hiểu thiên lệch, gây bất lợi cho LHG” là không đúng.
Trong công văn gửi Báo Người Lao Động, ông Trần Hồng Sơn khẳng định LHG chấm dứt HĐLĐ với anh Văn căn cứ vào khoản 1 điều 17 Bộ Luật Lao động là hoàn toàn phù hợp với pháp luật do “phòng liên doanh đã sáp nhập với phòng kinh doanh”. Tuy nhiên, theo luật định, khi thay đổi cơ cấu (sáp nhập, giải thể một bộ phận của doanh nghiệp) thì bên sử dụng lao động phải đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; còn ở đây, LHG không thực hiện thủ tục này là phạm luật. Đã vậy, công ty còn không báo trước 45 ngày theo quy định, điều này vừa vi phạm pháp luật lao động vừa tước bỏ quyền làm việc của người lao động chứ không phải “hoàn toàn phù hợp với pháp luật” như ông Sơn viện dẫn.
Trong báo cáo gửi Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An ngày 10-9, LHG cho rằng phải thu hẹp đầu tư (giảm 50% so với năm 2011) nhưng chỉ cắt giảm có... 1 lao động thì điều không thể không khiến người ta thắc mắc về sự “chính đáng” của công ty khi chỉ 1 tuần lễ sau đã lần lượt tuyển không phải 1 người mà đến 2 người thay thế vị trí anh Văn.
Thiếu cân nhắc và vi phạm luật
Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Phạm Nghiêm, phân tích: “Cái sai đầu tiên của LHG là xử lý kỷ luật lao động không căn cứ vào nội quy lao động mà lại dựa vào “sổ tay nhân viên”. Tiếp đó là hàng loạt sai phạm nên cuối cùng phải thu hồi các quyết định. Ngoài những tổn hại về mặt tinh thần và những hành xử chưa đúng của LHG khi thu hồi các quyết định đã ban hành liên tục trước đó (phải xin lỗi công khai, bồi thường) thì quyết định chấm dứt HĐLĐ cuối cùng ngày 12-9 lại cho thấy LHG đã hành xử thiếu cân nhắc và tiếp tục vi phạm pháp luật lao động”.
|
TRƯỜNG HOÀNG
người lao động
|