Thứ Ba, 27/11/2012 13:26

Lật tẩy hệ thống công ty bình phong

Báo Guardian, BBC và Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã cùng phối hợp điều tra để lật tẩy một mạng lưới khổng lồ các công ty bình phong ở Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Loạt bài điều tra về công ty bình phong được đăng tải trên báo Guardian

Kết quả điều tra bước đầu đang gây chấn động: một nhóm vỏn vẹn 28 “giám đốc đại diện” làm “quản lý” cho 21.500 công ty trên thế giới! Các “giám đốc đại diện” này đóng vai trò quan trọng là che giấu hàng trăm ngàn giao dịch thương mại trên toàn cầu. Họ bán tên để các công ty bình phong này sử dụng trên giấy tờ công ty và đăng ký địa chỉ giả mạo.

Ở Anh, có hàng loạt hãng chuyên cung cấp “giám đốc đại diện” cho các công ty ma này mà phần lớn đang đăng ký hoạt động tại Vương quốc Anh, Ireland, New Zealand, Belize và thiên đường trốn thuế là quần đảo British Virgin (BVI). Giới chuyên gia tài chính cho biết hệ thống các công ty bình phong và “giám đốc đại diện” nhằm giúp các ông chủ thật sự che giấu tài sản và trốn thuế.

Một phụ nữ điều hành 1.200 công ty

Trên giấy tờ, bà Sarah Petre - Mears điều hành một đế chế kinh doanh khổng lồ. Ở tuổi 38, bà kiểm soát hơn 1.200 công ty ở vùng Caribê, Ireland, New Zealand và Anh. Đối tác của bà cũng là giám đốc của hơn 1.000 công ty quốc tế. Tuy nhiên, chẳng ai biết trụ sở chính của bà Sarah Petre - Mears ở đâu. Các công ty ở Anh đăng ký tới 12 địa chỉ cho bà giám đốc này, một số ở London nhưng chẳng địa chỉ nào là nhà thật.

Nhà của bà Sarah Petre - Mears nằm trên đảo Sark thuộc quần đảo Channel ở phía tây nam eo biển Manche. Bận rộn điều hành hơn 1.200 công ty, vậy mà bà ta có đủ thời gian nuôi dạy hai con trên đảo, thường xuyên đến New York, Florida và Hawaii chạy marathon và đua xe đạp. Bà ta chẳng biết gì về các giấy tờ, sổ sách mình duyệt hằng ngày. Tất cả những gì bà làm là ký tên. Mọi việc còn lại thuộc về trách nhiệm của John Parker, chủ một hãng đại diện ở Anh, người đăng ký công ty cho những khách hàng ẩn danh với tên của bà Sarah Petre - Mears.

Doanh nhân James Turner thuộc hãng Turner Litte, chuyên cung cấp “giám đốc đại diện” cho các công ty ở Belize, tiết lộ: “Họ thậm chí chẳng biết mình là giám đốc. Họ chỉ nhận tiền lương”. Một đại diện của Công ty Atlas Corporate Services ở Mauritius là Jesse Hester cho biết phần lớn các “giám đốc đại diện” không biết tên của mình bị sử dụng như thế nào. Phóng viên BBC chứng kiến ông ta trấn an một khách hàng tiềm năng ở Anh: “Cơ quan thuế không đủ nguồn lực để theo dõi mọi người đâu”.

Quần đảo British Virgin, nằm dưới sự kiểm soát của Anh, là một thiên đường của các công ty bình phong nhờ chính sách thuế cực kỳ rộng rãi. Kể từ năm 1984, vùng lãnh thổ này đã “bán” hơn 1 triệu công ty bình phong. Chính quyền quần đảo British Virgin không biết ai làm chủ các công ty được hưởng chính sách thuế ưu đãi này hoặc các công ty này hoạt động như thế nào. Chính quyền chỉ cần thu mức phí hậu hĩnh hằng năm.

Chủ thật sự là ai?

Tại quần đảo British Virgin có ba văn bản tối cần thiết để thiết lập một công ty bình phong. Văn bản đầu tiên là cam kết của “giám đốc đại diện” rằng ông/bà ta sẽ chỉ làm theo những gì người chủ thật sự của công ty yêu cầu. Văn bản thứ hai là cam kết trao toàn bộ quyền lực điều hành công ty cho người chủ thật sự. Văn bản thứ ba là đơn từ chức, có chữ ký của “giám đốc đại diện” nhưng phần ngày tháng để trống.

Báo Guardian, BBC và ICIJ đã xác minh được tên tuổi một số người chủ thật sự của các công ty này. Có thể kể đến Vladimir Antonov, tỉ phú Nga, hiện là chủ câu lạc bộ bóng đá Portsmouth; Yair Spitzer, kỹ sư phần mềm ở London, chuyên mua bán các căn hộ ở thủ đô nước Anh. Gia đình giàu có Hackmey, gốc Israel, sử dụng một công ty ở quần đảo British Virgin để mua một khu văn phòng ở London với giá 26 triệu bảng (41,6 triệu USD). Cũng không thể không nhắc đến Hãng SP Trading ở New Zealand, từng bị cáo buộc bán vũ khí của CHDCND Triều Tiên cho Iran.

Tất cả cá nhân và tổ chức này đều phủ nhận họ cố tình phạm pháp. Họ khẳng định chỉ muốn đảm bảo sự riêng tư, không muốn bị thiên hạ nhòm ngó cách sử dụng tiền bạc, tài sản. Một số khác nhấn mạnh họ chỉ tận dụng các ưu đãi thuế hợp pháp. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính nhận định hệ thống mờ ám này tạo cơ hội cho các ông bà chủ thật sự che giấu tài sản để trốn mức thuế cao ở Anh.

Trong tuần này, báo Guardian sẽ công bố thêm tên tuổi của nhiều ông/bà chủ thật sự khác. Hiện ICIJ đang thực hiện dự án lật tẩy hệ thống công ty bình phong trên toàn cầu. Giám đốc ICIJ Gerard Ryle khẳng định khi dự án này hoàn thành vào năm 2013, ICIJ sẽ đủ sức lật tẩy một hệ thống che giấu sự chuyển dịch của hàng ngàn tỉ USD trên toàn thế giới.

Sơn Hà

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Mỹ không chứng thực hộ chiếu in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (27/11/2012)

>   Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong (27/11/2012)

>   Bắt giam 3 cán bộ ngân hàng (27/11/2012)

>   Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng (26/11/2012)

>   GS Nguyễn Lân Dũng: Không phân biệt được gà tỉnh nào! (26/11/2012)

>   Hộ chiếu in đường lưỡi bò lộ dã tâm của Trung Quốc (26/11/2012)

>   Tận diệt cây kim cương vì thương lái Trung Quốc (26/11/2012)

>   Cử tri muốn biết nhóm lợi ích là ai, ở đâu? (26/11/2012)

>   Kiến nghị đưa vấn đề biển Đông vào Hiến pháp (26/11/2012)

>   "Xe ben đụng vỡ... đập thủy điện!" (26/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật