Thứ Tư, 07/11/2012 13:27

Kế hoạch cải cách tài chính của Trung Quốc

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đã công bố kế hoạch cải cách tài chính với trọng tâm là thị trường hóa lãi suất và cải cách cơ chế điều hành tỷ giá, nâng cao khả năng chuyển đổi nhân dân tệ (RMB).

Theo các chuyên gia phân tích, động thái này của Trung Quốc là nhằm đối phó với các nguy cơ đang nổi lên trong thời gian gần đây như tình trạng nợ nần gia tăng trong các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, kinh tế tăng chậm dần. Tuy nhiên, đây là kế hoạch dài hơi, trước khi tự do hóa tỷ giá và cho phép RMB chuyển đổi hoàn toàn.

Trên thực tế, quản lý tài chính của Trung Quốc vẫn thiên về sử dụng các công cụ trực tiếp. Về điều hành lãi suất, có dấu hiệu PBC bắt đầu nới lỏng kiểm soát lãi suất vào tháng 6/2012, khi cho phép các ngân hàng ấn định lãi suất huy động cao hơn 10% so với trần qui định 3% và lãi suất cho vay thấp hơn 30% so với trần lãi suất 6%. Mặt bằng lãi suất này là thấp so với những rủi ro mà hệ thống ngân hàng và ngân sách nhà nước phải gánh chịu, nhưng nếu lãi suất quá cao thì sản xuất sẽ đình đốn, ảnh hưởng xấu đến đời sống và tình hình xã hội. Đối với một quốc gia đông dân như Trung Quốc, việc đảm bảo cuộc sống của người dân và ổn định tình hình xã hội quả là một thách thức vô cùng lớn.

PBC vẫn tiếp tục phải kiểm soát tỉ giá và tiền tệ, nhằm duy trì năng lực xuất khẩu và ổn định tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài, để họ yên tâm sản xuất và đổ vốn vào nền kinh tế này. Ngay trong việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, Trung Quốc cũng thể hiện nhược điểm trong cơ cấu kinh tế khi sử dụng phần lớn dữ trữ ngoại hối để mua trái phiếu chính phủ Mỹ với lãi suất thấp, trong khi lại đi vay tới 1.900 tỉ USD của nước ngoài dưới dạng đầu tư nước ngoài với lãi suất cao để phát triển kinh tế trong nước. Trong điều kiện hiện nay, nếu thả nổi tỉ giá và nới lỏng kiểm soát tiền tệ, RMB sẽ tăng mạnh và dòng vốn ra vào sẽ biến động mạnh, mức độ bất ổn kinh tế sẽ gia tăng. Nhiều cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra trong lịch sử, mà nguyên nhân là do tự do hóa tài khoản vốn, nên Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong việc tự do hóa RMB để tránh không bị trở thành nạn nhân của khủng hoảng, mặc dù chính phủ rất sốt sắng trong việc nâng cao vị thế của RMB trên thị trường quốc tế.

Từ năm 2010 đến nay, kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng chậm lại, mà nguyên nhân không chỉ đơn thuần là do suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn do chính sách kinh tế của Trung Quốc. Nhờ tăng trưởng kinh tế cao trong suốt ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới và có thể sẽ vượt GDP của Mỹ vào năm 2017. Tuy nhiên, có được mức tăng trưởng trên đây là nhờ hoạt động đầu tư tích cực từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nước phát triển khác, chỉ riêng các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản đã sử dụng trên 60% lực lượng lao động Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài hay không và có trở thành một nước công nghiệp phát triển hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Xu hướng rút lui của các nhà sản xuất Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang đe dọa tốc độ đổi mới công nghệ và cải cách sản xuất của Trung Quốc, ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống 7,4% trong quí 3/2012 vừa qua, mức thấp nhất trong 13 năm qua và đang có nguy cơ chấm dứt đà tăng trưởng ngoạn mục trong ba thập kỷ qua. Dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay đã cải thiện nhờ các gói kích thích kinh tế để ổn định tình hình kinh tế - xã hội trước Đại hội Đảng, nhưng chỉ có tác động tâm lý trong ngắn hạn.

Do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc đã bơm những khoản tiền khổng lồ vào nền kinh tế sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng gia tăng. Những yếu tố này bộc lộ hạn chế của nền kinh tế, gây áp lực rất lớn lên các nhà lãnh đạo các cấp.

Cùng với sự gia tăng về qui mô GDP, kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than đá và khí đốt, đây là những mặt hàng thiết yếu để duy trì sản xuất và đảm bảo cuộc sống hàng ngày tại quốc gia chiếm 1/5 dân số thế giới này.

Đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp chế biến để xuất khẩu như Trung Quốc, vấn đề nguyên nhiên liệu đầu vào và khả năng tiêu thụ sản phẩm là hai yêu cầu song hành, nếu không duy trì được năng lực xuất khẩu thì sản xuất sẽ ngưng trệ, nhưng nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải đảm bảo nhập khẩu đầu vào, trong khi nguồn nguyên nhiên liệu ngày càng đắt đỏ do bị cạn kiệt nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc phải đổi mới công nghệ và khẩn trương cải cách sản xuất.

Quang Hải

NHNN

Các tin tức khác

>   Thái Lan quyết giữ ngôi xuất khẩu gạo số 1 (07/11/2012)

>   Indonesia muốn mua cổ phần Công ty Coastal Energy (07/11/2012)

>   Lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức giảm mạnh (07/11/2012)

>   Lợi nhuận trước thuế của Marks & Spencer giảm mạnh (06/11/2012)

>   Bất động sản Thụy Sĩ rơi vào vùng rủi ro (06/11/2012)

>   Suzuki rút khỏi thị trường ôtô Mỹ (06/11/2012)

>   Mỹ phẩm, thực phẩm Hàn xuất sang VN tăng mạnh (06/11/2012)

>   Trung Quốc mua lại thương hiệu ngũ cốc lớn thứ hai nước Anh (06/11/2012)

>   Ấn Độ có thể là thị trường dược phẩm hàng đầu (05/11/2012)

>   Anh: Tăng trưởng dịch vụ thấp nhất trong gần 2 năm (05/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật