Đua nhau báo lỗ: Nguy cơ phá sản đến rất gần?
Hàng trăm doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012. Nợ nần nới rộng so với tài sản và nguồn vốn, đẩy các doanh nghiệp đến rủi ro phá sản nếu tình hình vẫn chưa cải thiện.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến tình trạng lỗ lã không phải là chuyện lạ. Bằng chứng là 113/580 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 3/2012 với tổng mức lỗ lên đến gần 2,000 tỷ đồng. Trong đó, 10 doanh nghiệp lỗ nhiều nhất đã chiếm xấp xỉ 1,300 tỷ đồng.
Nhà nhà báo lỗ
Nếu như ngành ngân hàng trước đây lãi cả ngàn tỷ đồng mỗi quý thì đến nay đã dần lộ rõ những khó khăn khi lần đầu tiên một ngân hàng lớn như ACB lại báo lỗ đến 520 tỷ đồng trong quý 3 chủ yếu do khoản lỗ 1,144 tỷ đồng từ kinh doanh vàng. Dù 9 tháng đầu năm ACB vẫn lãi ròng 1,086 tỷ đồng nhưng con số đã giảm đến gần 800 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế chỉ có 1,417 tỷ đồng, chưa đến 26% kế hoạch năm.
PGD, một doanh nghiệp luôn có lợi nhuận đột biến nhưng bất ngờ báo lỗ 226 tỷ đồng trong quý 3 khiến nhà đầu tư hết sức ngỡ ngàng. Nguyên nhân lỗ hầu hết mọi người đều biết là do Công ty mẹ, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng giá bán khí đầu vào. Tuy nhiên, sự bất minh trong việc công bố thông tin, cộng với việc nhiều cổ đông nội bộ lại bán cổ phiếu trước khi tin tức được công bố khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và tức giận.
Một loạt các công ty chứng khoán gồm KLS, VIX và SHS với mức lỗ 91.5 tỷ, 78 tỷ và 59 tỷ đồng, nằm trong nhóm những doanh nghiệp lỗ nhiều nhất trong quý 3 đã cho thấy sự khó khăn cùng cực của ngành chứng khoán.
POM, doanh nghiệp thép có thị phần tiêu thụ hàng đầu Việt Nam hiện nay cũng bất ngờ báo lỗ 46 tỷ đồng đối với công ty mẹ trong quý 3 và 28 tỷ đồng sau hợp nhất. Đây cũng là lần đầu tiên công ty gánh lỗ kể từ khi thành lập năm 2008. BCTC cho thấy, giá vốn hàng bán cộng chi phí tài chính tăng cao là nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp khó khăn.
Lợi nhuận trước và sau thuế của POM trong 9 tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng và 8.7 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% cùng kỳ năm trước, và chỉ bằng 2% kế hoạch cả năm. Nhiều thông tin cho biết, chính việc giảm công suất nhà máy khiến chi phí vốn trên mỗi sản phẩm của công ty đội lên khá cao.
NKG, một doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng thông báo lỗ ròng 55.65 tỷ đồng trong quý 3/2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục lỗ gần 53 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu vẫn do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính cao.
PVX và PSG, hai công ty “mẹ con” cùng báo lỗ trong quý áp chót của năm 2012. Với PVX, đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty lọt vào “top 10”, tuy nhiên mức lỗ kỳ năm đã giảm đáng kể so với quý 2, chỉ còn 48 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty vẫn lỗ rất cao, với 546 tỷ đồng. Theo giải thích của PVX, thì việc lỗ trong quý 3 và 9 tháng chủ yếu là do công ty trích lập các khoản dự phòng để giảm rủi ro về tài chính.
Với PSG, kết quả kinh doanh lỗ không phải là quá bất ngờ với nhà đầu tư khi mà 6 tháng đầu năm, đơn vị kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này. Nợ nần chồng chất, vốn càng teo tóp, nợ ngắn hạn thậm chí vượt xa tài sản ngắn hạn khiến nguồn vốn hoạt động gần như tắc nghẽn. Quý 3/2012, công ty mẹ báo lỗ 113 tỷ đồng, nâng mức lỗ 9 tháng lên gần 180 tỷ đồng. Vốn điều lệ 350 tỷ đồng, nhưng PSG đã lỗ lũy kế đến 264 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu đã giảm mạnh chỉ còn 89 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với đầu năm.
Tổng hợp tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm của khoảng 575 doanh nghiệp niêm yết thì có khoảng 107 công ty báo lỗ, với tổng số 2,770 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với quý 3/2012. Trong đó, 7 công ty lỗ trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,349 tỷ đồng.
Dẫn đầu là “mẹ con” PVX và PSG với 546 tỷ đồng và PSG với 144 tỷ đồng. Đặc biệt, LAF lỗ lũy kế 9 tháng 144.5 tỷ đồng và lỗ lũy kế 9 tháng đang sắp vượt vốn điều lệ. Điều này đang đẩy công ty đến tính trạng hủy niêm yết nếu tiếp tục có thêm một quý lỗ khoảng 14 tỷ đồng trở lên. Mới đây, công ty đã đề ra một số biện pháp để bán đất, bán tài sản để có thể duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy vậy, trả lời trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT công ty này cũng không dám chắc có thể giữ cho cổ phiếu không bị hủy niêm yết mà chỉ còn cách nỗ lực khắc phục nhanh các khoản lỗ. Điều này giải thích vì sao cổ phiếu LAF đã giảm sàn hàng chục phiên liên tục và hiện chỉ còn 3,900 đồng/cp, tức đã giảm hơn 77% so với mức giá cao nhất trong năm.
Ngoài ra, trong danh sách lỗ nhiều nhất 9 tháng đầu năm vẫn là những cái tên quen thuộc như SBS, VOS, SHN, VST, PHS, SJS… thuộc những ngành “hot” một thời như chứng khoán, bất động sản hay vận tải biển….
Nguy cơ phá sản đến rất gần?
Một vấn đề đáng để xem xét nữa là cơ cấu nguồn vốn của các công ty trong nhóm lỗ khủng. Thống kê BCTC của các doanh nghiệp cũng cho thấy, đa số tài sản của các công ty lỗ lớn đều được tài trợ bằng nợ. Thậm chí SBS có tổng nợ lớn hơn cả tổng tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu của SBS đến hết quý 3 âm 247 tỷ đồng.
Các công ty khác như NKG, VST, PSG, LAF, VOS, SHN có một đặc điểm chung về cơ cấu nguồn vốn là có nợ ngắn hạn lớn hơn cả tài sản ngắn hạn. Đây là cơ cấu vốn rất rủi ro cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp này thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt các tài sản có tính thanh khoản cao để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Xét loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất là tiền và tương đương tiền thì các doanh nghiệp nêu trên đều giảm. Tiền, tương đương tiền của VST giảm mạnh từ hơn 174 tỷ đầu năm xuống còn 39 tỷ đồng, tương tự PSG từ hơn 10 tỷ từ đầu năm đến cuối quý này chỉ còn hơn 1 tỷ, LAF từ 52 tỷ chỉ còn 9 tỷ cuối quý 3, VOS chỉ còn 12 tỷ đồng trong khi đầu năm đến 60 tỷ đồng.
Ngoài ra nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn đồng nghĩa với việc một phần nợ ngắn hạn được tài trợ mua sắm các tài sản dài hạn, đây có thể là rủi ro tiềm tàng dẫn đến phá sản ở doanh nghiệp.
Thanh Thảo (Vietstock)
FFN
|