Thứ Bảy, 10/11/2012 10:17

Điều hành xăng dầu: Cơ chế “lệch” thị trường

Mỗi lần giá xăng dầu tăng, giảm đều gây nên những phản ứng trái chiều về tính hợp lý hay không hợp lý của sự điều chỉnh. Một trong những lý do chính là do khoảng cách giữa thị trường đang ngày càng “lệch pha” với cơ chế quản lý giá.

Khi hành lang pháp lý chưa đủ rộng thì không nên để DN tự định giá mặt hàng chiến lược quan trọng như xăng dầu

Cơ sở quan trọng nhất của việc điều hành mặt hàng xăng dầu hiện nay chính là Nghị định 84/2009/NĐ-CP với nguyên tắc xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, “hành lang pháp lý” này đã lộ ra nhiều ”kẽ hở” khiến các DN có thể thông qua đó để trục lợi.

“Kẽ hở” cơ chế trong nước

Việc cho phép DN đầu mối nhập khẩu tự định giá được coi là “kẽ hở” lớn nhất của Nghị định 84. Bởi với việc tự định giá của DN, cơ quan quản lý sẽ rất khó để biết chính xác đâu là giá thành thực tế, có thực hay không. Điều này theo nguyên tắc kinh tế thị trường là không ổn và bất lợi cho người tiêu dùng.

Theo PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả - Bộ Tài chính, trong việc thành lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, DN là đối tượng hưởng lợi trước tiên, được sử dụng tạo nguồn vốn lưu động mà không phải đi vay, không phải trả lãi; Nhà nước có thêm công cụ để điều tiết giá, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc trích lập, sử dụng và điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất cập và dễ bị DN lợi dụng. Chẳng hạn, năm ngoái, qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã kết luận Petrolimex sử dụng sai quỹ bình ổn 1.200 tỉ đồng, thay vì dùng để bù vào chênh lệch giá bán, DN này đem bù lỗ kinh doanh của đơn vị mình.

Hơn nữa, theo Nghị định 84 NĐ-CP, bất kể giá xăng dầu thế giới tăng hay giảm thì trong giá cơ sở vẫn phải có trích quỹ bình ổn. Điều này không hợp lý vì tình hình kinh doanh của các DN đầu mối không giống nhau, có DN lãi, có DN lỗ, vậy lỗ thì sao cứ phải trích nộp vào quỹ?.

Bên cạnh đó, với việc mỗi năm tiêu thụ đến 10 triệu tấn xăng dầu, trong đó 70% phụ thuộc vào nhập khẩu, 30% còn lại từ nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể thấy việc giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới là điều hiển nhiên. Với quy luật này, lẽ ra ngay khi giá xăng dầu thế giới tăng hay giảm thì lập tức giá trong nước cũng phải tăng, giảm theo ngay sau đó. Tuy nhiên, giá trong nước luôn có “độ trễ” với giá thế giới. Và, ngay việc chần chừ, lưỡng lự trong việc xem xét mức tăng, giảm giá thời gian qua cũng phần nào cho thấy sự lúng túng trong công tác điều hành giá xăng dầu. Cơ quan quản lý không biết xử lý thế nào khi tăng giá như DN kiến nghị thì sẽ có phản ứng của người dân. Còn nếu không tăng thì lại không đúng với thị trường. Do vậy, cơ quan quản lý đã chọn giải pháp cho tăng... từ từ.

Việc độc quyền của ngành xăng dầu cũng được cho là một nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu luôn bất ổn. Tiếng là có 12 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, song 90% thị phần lại thuộc về 3 DN lớn, đặc biệt, riêng Petrolimex chiếm tới 60%. Vì vậy, việc một DN lớn có ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu như Petrolimex có sức chi phối về giá là điều đương nhiên. Nếu Petrolimex luôn đưa ra mức giá thấp nhất, các đầu mối phải theo thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Còn nếu 3 “đại gia” này “bắt tay” kinh doanh thì thị trường khó minh bạch và các DN nhỏ khác cũng khó sống được, trong khi Nghị định 84/2009 lại chưa quy định chế tài khi DN tăng giá chưa hợp lý.

“Nút thắt” trong nhập khẩu

Ngay bản thân ”đầu vào” của xăng cũng có những “điểm nghẽn” chưa theo quy luật quốc tế. Đó là VN vẫn đang nhập khẩu xăng dầu từ Singapore theo hình thức mua lẻ và không thông qua đấu thầu quốc tế. Đây có thể coi là hai ”nút thắt” cơ bản trong khâu nhập khẩu cần được tháo để giá xăng dầu được minh bạch.

Lẽ ra với mức nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng, dầu/năm, VN phải thương lượng mua theo hình thức mua sỉ nhưng vì nhiều nguyên nhân nên hiện nay VN vẫn phải chấp nhận mua lẻ. Và, với hình thức này cộng với các khoản phí, thuế... trong nước hiện nay, 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ lấy đó làm cơ sở để đưa ra giá bán trong nước. Câu hỏi được đặt ra là vì sao không thể đàm phán mua sỉ mà phải chấp nhận mua lẻ để rồi chịu giá cao? Vấn đề này cũng lại bắt nguồn từ cơ chế, mà theo chuyên gia kinh tế Đặng Hạnh Thu thuộc Bộ Tài chính giải thích, do không có kho chứa đủ lớn để mua sỉ. Mặc dù việc xây dựng các kho chứa lớn không phải là vấn đề nhưng theo quy định hiện hành thì các DN chỉ cần có kho chứa đủ 15 ngàn tấn là được. Với quy định này, không việc gì các DN phải đầu tư kho lớn hơn cho tốn, còn chuyện giá cả, lên, xuống… là do thị trường. Cuối cùng người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.

Cũng theo chuyên gia Đặng Hạnh Thu, không chỉ mua lẻ mà hiện các DN nhập khẩu xăng dầu cũng mua bán theo kiểu “tay đôi” chứ không theo hình thức đấu thầu quốc tế. Đây có thể xem là một nghịch lý bởi đấu thầu quốc tế hiện rất phổ biến ở mọi lĩnh vực hàng hóa bởi nó không chỉ giúp minh bạch thông tin mà còn giúp cả bên mua và bán chọn được các đối tác thích hợp, đáp ứng yêu cầu của mỗi bên…

“Đại phẫu” thị trường

Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần “đại phẫu” thị trường và trước hết là gấp rút “đại phẫu” Nghị định 84 để phù hợp với thực tế. Về lâu về dài dứt khoát phải phá thế độc quyền, thực sự hình thành một thị trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu… Khi hành lang pháp lý còn chưa đủ rộng thì không nên để DN độc quyền định giá mặt hàng chiến lược quan trọng như xăng dầu. Thực tế thị trường đã chứng kiến “đại gia” viễn thông sau khi không còn độc quyền đã đem lại sự cạnh tranh bình đẳng và người dân đã được hưởng lợi như thế nào.

Bên cạnh đó, cần có sự tách bạch ngay từ khâu điều hành, tiếp đó là giải quyết ở từng khâu nhập khẩu và phân phối trong nước. bên cạnh đó cần xây dựng các kho chứa lớn hơn để có thể nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu. Việc nhập khẩu dứt khoát phải chuyển sang phương thức đấu thầu quốc tế. Thậm chí, ngay ở khâu phân phối trong nước cũng cần đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương ĐÌnh Huệ từng nói “minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp”. Giá xăng dầu thế giới minh bạch, nhưng đến VN là tù mù, tù mù cả trong giải trình. Thiết nghĩ, nắm công cụ quản lý trong tay, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tạo lập một thị trường xăng dầu theo đúng nghĩa của nó - đứng trên quyền lợi và sức chịu đựng của người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương):
Nhà nước không trao toàn bộ quyền quyết định giá cho DN

Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, như khi giá thế giới giảm thì yêu cầu không thể tính giá xăng dầu theo chu kỳ 30 ngày, mà chỉ tính 10 ngày thôi để có thể giảm giá nhanh. Nhưng nếu sửa đúng như vậy thì những lúc giá thế giới tăng mạnh thị giá trong nước sẽ tăng nhanh đến thế nào?

Theo tôi, có một câu chuyện cần làm rõ là Nhà nước không trao toàn bộ quyền quyết định giá cho DN mà đang trong quá trình tập dượt, đi đến tạo lập thị trường cạnh tranh, trao cho DN quyết định xây dựng giá nhưng nguyên tắc, trình tự, thủ tục thẩm quyền, mức độ, cách định giá thì Nhà nước quyết định. Thay vì mỗi lần tăng giảm, DN phải xin phép, thì nay thời gian đăng ký nếu đúng theo nguyên tắc, thẩm quyền DN tự quyết định, còn nếu sai, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, Nhà nước sẽ “thổi còi”. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay không trái với nguyên tắc.

Bà Lê Thị Nga - Đại biểu Quốc hội Thái Nguyên: Tăng giảm giá giống nhau là bất thường

Qua nhiều lần tăng giá cho thấy các DN đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng là điều bất thường. Có nhiều dấu hiệu nhóm DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm Điều 9, Điều 13 Luật cạnh tranh về cấm thỏa thuận ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh.

Do chưa có thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh mà DN lại được quyền điều chỉnh giá theo thị trường nên đã đẩy cả Nhà nước và người dân vào thế phụ thuộc vào nhóm DN thống lĩnh thị trường. Đối với Nhà nước nhóm DN này thường xuyên gây sức ép đòi tăng giá, đối với người dân giá nào DN đưa ra dân cũng phải mua. Đề nghị Chính phủ xem xét lại thẩm quyền điều chỉnh giá của DN trong điều kiện còn chưa giám sát tốt nhóm DN thống lĩnh thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đề nghị Quốc hội xây dựng một cơ quan giám sát thị trường độc lập, tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế: Kiểm soát, xóa bỏ dần tình trạng độc quyền

Theo tôi, cần thực hiện việc kiểm soát, xóa bỏ dần tình trạng độc quyền trong kinh doanh xăng dầu như sau: xóa bỏ hạn chế trong việc cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, trong đó, bỏ quy định cấp hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng DN. Việc bỏ hạn ngạch này sẽ tạo điều kiện cho các DN được cạnh tranh bình đẳng khi nhập khẩu xăng dầu đưa vào VN với giá thấp nhất. Tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ, trong đó, các DN nhập khẩu xăng dầu không được lập hệ thống bán lẻ của riêng mình; họ có trách nhiệm bán hàng và đối xử bình đẳng với mọi thương nhân (DN, cây xăng) muốn mua sỉ xăng dầu về để bán lẻ. Các thương nhân bán lẻ xăng dầu được quyền chọn nhà nhập khẩu xăng dầu cấp hàng cho mình và cạnh tranh với nhau qua việc đưa ra mức giá bán lẻ

Quốc Anh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Dầu tăng hơn 1%/tuần và tái lập mốc 86 USD/thùng (10/11/2012)

>   Doanh nghiệp xăng dầu chi hoa hồng gần 1.000 đồng/lít (09/11/2012)

>   Dầu bừng tỉnh, giành lại mốc 85 USD/thùng sau phiên bán tháo (09/11/2012)

>   Đề nghị Quốc hội giám sát làm rõ giá xăng dầu lỗ thật hay lỗ giả (08/11/2012)

>   Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên giá bán xăng dầu (08/11/2012)

>   Dầu bốc hơi gần 5% sau số liệu nguồn cung (08/11/2012)

>   Dầu lao dốc không phanh hơn 4% chờ kết quả bầu cử tại Hy Lạp (08/11/2012)

>   Gian dối trong kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi (07/11/2012)

>   Xăng có lãi, ngừng bù lỗ từ Quỹ bình ổn (07/11/2012)

>   Phía Nhật tuyên bố hoãn đầu tư dự án lọc dầu Nghi Sơn (07/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật