Điều HAG chưa nói
Sau khi các mũi nhọn chính là bất động sản và khoáng sản không phát huy hiệu quả do suy thoái kinh tế, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã và đang dồn sức cho một mũi nhọn đầy tiềm năng khác là cao su.
Đến nay, HAG là doanh nghiệp tư nhân có diện tích trồng cao su lớn nhất nước. Khi đưa vào khai thác đồng loạt trong vài năm tới, diện tích hàng chục ngàn ha này được kỳ vọng sẽ mang về nguồn lợi nhuận chủ yếu cho tập đoàn.
Tiềm năng từ mỏ vàng trắng
Không thể phủ nhận tầm nhìn xa của bầu Đức, chủ tịch HAG, khi sớm đầu tư vào cao su từ những năm 2007, lĩnh vực vốn được ví như mỏ vàng trắng.
Làn sóng đầu tư vào ngành cao su gần đây của một số doanh nghiệp như Bất động sản Phát Đạt (PDR), Công ty Gemadept (GMD), Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng cho thấy, đây vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn. Các báo cáo phân tích mới nhất cũng đưa ra cái nhìn lạc quan cho khoản đầu tư vào cao su HAG. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS) đã nhận định, lĩnh vực cao su sẽ đem lại doanh thu lớn cho HAG trong 1-2 năm tới. Ông Phạm Thứ Triệu, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cao su nhận định: “Chi phí được kiểm soát tối đa thường thấy ở doanh nghiệp tư nhân cũng là một lợi thế đáng kể trong dự án cao su của HAG”.
Tính đến năm 2012, HAG đã trồng được 43.500 ha cao su trong kế hoạch 51.000 ha do phân bổ một phần nguồn lực cho dự án trồng mía. Trong đó, diện tích trồng nhiều nhất tại Lào là 24.300 ha, Việt Nam 10.000 ha và Campuchia 9.200 ha. Theo cách tính của bầu Đức, một khi 51.000 ha đất trồng cao su đồng bộ khai thác ở giai đoạn tuổi cây cho mủ tốt sẽ cho ra khoảng 125.000 tấn mủ/năm. Nếu giá trung bình khoảng 60 triệu đồng/tấn (khoảng 3.000 USD/tấn), thì doanh thu từ cao su mỗi năm của HAG cũng gần 8.000 tỉ đồng.
“Làm cao su kiểu gì cũng có lời. Giá như hiện nay là đang thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lãi, giá tăng nữa thì lãi đột biến”, ông Triệu đánh giá.
Có thể dẫn chứng từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của các doanh nghiệp trồng cao su đang niêm yết. Dù kết quả lợi nhuận giai đoạn này có giảm so với cùng thời điểm năm trước do giá giảm, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ngành này vẫn đạt kế hoạch lợi nhuận. Đáng chú ý, tỉ suất sinh lời của ngành vẫn luôn ở mức cao, thấp nhấp cũng 22% và cao nhất đến 46%.
Về đầu ra, để giảm thiểu những rủi ro từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam hiện nay, HAG đã ký hợp đồng bán cao su cho Michelin - một trong những nhà sản xuất lốp lớn nhất thế giới. “Ngoài ra, HAG cũng có cơ hội xuất hàng sang châu Âu hoặc châu Mỹ với giá cao hơn Trung Quốc nếu hàng chất lượng tốt”, ông Triệu nói.
Miếng ngon không dễ nuốt
HAG đưa ra kế hoạch cạo mủ khoảng 7.000 ha, tương ứng thu được khoảng 10.000 tấn cao su trong năm 2013. Doanh thu ước đạt khoảng 35 triệu USD tính ở mức giá 3.500 USD/tấn.
Bầu Đức cho biết đã vận dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu Cao su Thái Lan. Kỹ thuật này giúp tăng năng suất mủ và rút ngắn thời gian thu hoạch cây từ 5 năm xuống còn 4 năm. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cao su (không muốn nêu tên) cho biết dự báo sản lượng 1,6 tấn/ha trong năm đầu khai thác của HAG khó thành hiện thực.
Bên cạnh đó, theo ông, việc tưới nước chỉ có thể giúp kéo dài thời gian cạo mủ chứ chưa thấy nơi nào có thể rút ngắn thời gian khai thác. Ngay như cách tính toán của HAG, cuối năm 2012 đã có sản phẩm mủ của lứa đầu. Tuy nhiên, nếu tính từ lứa cây đầu HAG trồng năm 2007 thì đến năm 2012 là đúng 6 năm. Nếu rút ngắn được 4 năm thì chắc hẳn tập đoàn đã khai thác được trong năm 2010 hoặc 2011.
Bên cạnh đó, theo Công ty Hàng hóa RCMA Commodities Asia của Singapore, giá cao su năm 2013 sẽ còn tiếp tục giảm do khủng hoảng thừa và nhu cầu tiêu thụ suy giảm. Vì vậy, mặc dù tỉ suất lợi nhuận cao của ngành cao su có thể giúp Công ty Cao su của Tập đoàn có lãi nhưng mặt khác, nguồn tiền thu về sẽ ít đi. Điều này gây khó cho HAG trong việc dùng nguồn tiền từ cao su và một số nguồn khác, bù đắp cho chi phí trồng mới và chăm sóc các diện tích cao su đang phát triển, vốn sẽ rất lớn.
Nếu tính trên sản lượng 10.000 tấn cao su mà HAG uớc sẽ khai thác trong năm 2013 với giá hiện tại là 3.000 USD/tấn thì được 30 triệu USD doanh thu (khoảng 600 tỉ đồng). Tuy nhiên, theo ông Triệu, nếu tính luôn cả nguồn tiền thu được từ dự án mía đường trong năm tới đổ sang cũng chưa thấm vào đâu nếu so với tổng chi phí chăm sóc các lứa cao su chưa đến tuổi thu hoạch, chưa nói đến chi phí hoạt động. Chi phí chăm sóc sẽ giảm dần theo độ lớn của cây. Tuy nhiên trong tổng diện tích hơn 51.000 ha mà bầu Đức dự kiến sẽ trồng hết trong năm tới, có một phần rất lớn được trồng chủ yếu từ 1-3 năm trở lại đây. Do đó, “HAG có thể phải huy động thêm nguồn tiền bên ngoài để bù đắp cho dự án cao su của mình, ít nhất là đến năm 2015, nhu cầu vốn ước tính cần thiết có thề lên đến 60-80 triệu USD nữa ”, ông Triệu nhận xét.
Nguồn tiền là câu chuyện đã được tranh luận khá nhiều khi mọi người nói về HAG, và chắc chắn nó sẽ được nhắc đến nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Ngọc Dương
Nhịp cầu đầu tư
|